Theo SlashGear, lệnh cấm Huawei được Mỹ ban hành từ tháng 5.2019, yêu cầu các công ty Mỹ phải thay đổi cách giao dịch với Huawei sau khi công ty Trung Quốc bị liệt kê vào danh sách đen của Bộ Thương mại nước này. Vào ngày 29.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã đồng ý cấp phép cho các công ty công nghệ Mỹ như Google và Qualcomm tiếp tục bán hàng hóa cho Huawei khi cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, nhưng giới hạn ở hàng hóa không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Nhưng vào ngày 1.8, ông Trump lại đưa ra thông báo cho biết “không cho phép Huawei vào nước Mỹ và Mỹ sẽ không thay đổi quan điểm đó”. Đến ngày 5.9, Trump tuyên bố: “Huawei là mối quan tâm lớn nhất của quân đội chúng tôi, của các cơ quan tình báo và chúng tôi không làm việc với Huawei”.
Tháng 11, có vẻ như mọi thứ dễ thở hơn cho Huawei khi cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, ngày 4.11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilber Ross nói rằng các giấy phép cho phép Huawei làm ăn với các công ty Mỹ sẽ sớm được công bố, bên cạnh việc trì hoãn lệnh cấm diễn ra thêm 90 ngày đã được đưa ra vào giữa tháng 11.
Huawei đã đệ đơn kiện Cơ quan quản lý viễn thông Hoa Kỳ (FCC) vì họ đã cấm các nhà mạng Mỹ mua thiết bị Huawei với các khoản trợ cấp do FCC tài trợ.
Động thái của Huawei
Tại buổi ra mắt Mate 30, CEO Huawei - ông Richard Yu cho biết Huawei có thể đẩy các ứng dụng của Google đến các thiết bị bị ảnh hưởng chỉ qua một đêm nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, nhưng ông vẫn tin điện thoại sẽ bán tốt ở nhiều khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
Richard Yu cho rằng lệnh cấm không tốt cho Huawei nhưng cũng không tốt cho các công ty Mỹ, và nó sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ. Theo ông, Huawei là công ty cởi mở và minh bạch. Họ là công ty toàn cầu hóa nhưng lại bị xem là một con bài trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Phản ứng của Anh, Úc và Nhật Bản
Ngay sau khi lệnh cấm được công bố, Úc và Nhật Bản tuyên bố cấm Huawei xây dựng mạng 5G, trong khi chính phủ Anh cho rằng không có lý do nào để họ làm điều tương tự. Vào giữa tháng 8, chính phủ mới của Anh cho biết sẽ xem xét vấn đề một lần nữa, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng hành động của Anh bắt nguồn từ việc chính phủ đang tìm một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong thế giới hậu Brexit. Kết quả, vào tháng 12, thủ tướng Anh Vladimir Johnson cho biết Vương quốc Anh có thể ban hành lệnh cấm Huawei sau khi được Trump vận động.
Vấn đề là, để thực hiện điều này sẽ rất khó khăn khi các nhà mạng ở Vương quốc Anh sử dụng công nghệ Huawei trong các mạng của họ. Có lẽ đây là trường hợp dành cho các kế hoạch tương lai, nhưng cần nhớ rằng Huawei vẫn là một gã khổng lồ về thiết bị ăng-ten.
Lệnh cấm của Mỹ với Huawei
Về cơ bản, lệnh cấm không cho phép Huawei mua sản phẩm công nghệ từ các công ty Mỹ mà không được cấp phép. Mặc dù vậy, lệnh cấm này hiện vẫn đang được gia hạn, nghĩa là các công ty Mỹ có thể giao dịch với Huawei cho những mặt hàng không ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh. Kết quả, Huawei có thể đưa Android 10 đến P30, P20 và Mate 20 - mặc dù họ vẫn cần được Google chấp thuận.
Nhưng lệnh cấm lại khiến Huawei không thể cung cấp các ứng dụng Google như Maps và YouTube, Play Store hoặc Google Assistant lên các điện thoại trong tương lai, khiến loạt Mate 30 ra mắt mà không có ứng dụng Google - yếu tố chính khiến loạt sản phẩm này chỉ xuất hiện rời rạc tại các thị trường ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh Google, nhiều nhà cung cấp khác như ARM, Hiệp hội thẻ SD, Intel, Microsoft, Qualcomm… đều cho biết sẽ phải tạm ngừng giao dịch với Huawei do “có liên quan đến công nghệ Mỹ”. Riêng trường hợp ARM, công ty có trụ sở tại Anh này hiện đã quay trở lại cấp phép sau khi phát hiện công nghệ của họ cấp phép cho Huawei không liên quan đến Mỹ. Đó là lý do giúp HiSilicon - bộ phận bán dẫn của Huawei tung chip Kirin 990 ra thị trường.
Huawei và Honor bị ảnh hưởng như thế nào?
Các thiết bị Huawei hiện tại như P30 và Mate 20 sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, có nghĩa không ứng dụng nào của Google bị biến mất khỏi thiết bị. Các thiết bị của Honor (thuộc Huawei) cũng vậy, miễn là chúng được phát hành trước khi lệnh cấm được ban hành.
|
Huawei cũng cam kết rằng sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ hậu mãi cho các sản phẩm smartphone và máy tính bảng Huawei lẫn Honor hiện có, bao gồm sản phẩm đã bán hoặc còn trong kho hàng trên toàn cầu. Ngay cả khi lệnh cấm giao dịch vẫn tiếp tục, Huawei có thể “cung cấp dịch vụ và hỗ trợ, bao gồm các bản cập nhật hoặc bản vá phần mềm, cho các thiết bị Huawei và Honor hiện tại”.
Nhưng với các thiết bị tương lai của Huawei và Honor, bao gồm cả Mate 30 và Honor V30 ra mắt sau lệnh cấm, đều không có quyền truy cập vào Google Play Store và các ứng dụng khác của Google. Mặc dù Huawei có kho ứng dụng riêng cho các thiết bị này nhưng thiếu ứng dụng từ Google là lý do khiến khách hàng tại các quốc gia ngoài Trung Quốc quay lưng với các sản phẩm này.
Bình luận (0)