Lệnh cấm nhập than Nga của EU sẽ ảnh hưởng ra sao?

La Vi
La Vi
07/04/2022 08:28 GMT+7

Ủy ban châu Âu hôm 5.4 đã đề xuất về việc áp dụng các biện pháp cấm vận mới đối với Nga, bao gồm cả việc nhập khẩu than .

Một số quốc gia EU hiện còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu than từ Nga, cũng như khí đốt, và đã tăng nhập khẩu than từ Nga trong những tháng gần đây do giá khí đốt ngày càng tăng.

EU nhập khẩu bao nhiêu than từ Nga?

Nguồn nhập khẩu từ Nga cung cấp khoảng 45% lượng than, 45% lượng khí đốt và khoảng 25% lượng dầu mà EU sử dụng, theo trang web của Ủy ban châu Âu.

EU nhập khẩu gần 70% than nhiệt từ Nga, là loại than dùng trong sản xuất điện và nhiệt.

Than luyện kim của Nga, được sử dụng trong luyện gang và thép, chiếm từ 20% đến 30% lượng than nhập khẩu của EU. Đức, Ba Lan và Hà Lan là những nước tiêu thụ than Nga lớn nhất châu Âu.

Một đoàn tàu vận chuyển than đến thị trấn Borodino của Siberia, phía đông Krasnoyarsk, Nga

reuters

EU đã giảm tiêu thụ than của Nga chưa?

Trong vài năm qua, EU đã giảm tiêu thụ và sản xuất than cứng trong khối. Đây là loại than chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm và có hàm lượng carbon cao nhất. Điều này là nhằm đáp ứng các mục tiêu nghiêm ngặt hơn về chống ô nhiễm và ấm lên toàn cầu. Than là nhiên liệu hóa thạch thải ra CO2 cao nhất.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là nhập khẩu than đã tăng, chiếm đến hơn 60% lượng tiêu thụ nội địa. Điều này đặt ra nguy cơ về khả năng cung cấp than cứng cho EU trong trường hợp có sự gián đoạn lớn. Chẳng hạn như lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga. Nhập khẩu than cứng của EU từ Nga tăng từ 8 triệu tấn (tức 7% tổng nhập khẩu của EU) năm 1990 lên 43 triệu tấn (54% tổng nhập khẩu của EU) vào năm 2020, theo tổ chức Bruegel.

Vì sao cấm vận than của Nga lại gây ảnh hưởng lớn?

Do giá khí đốt rất cao, nhiều nước EU đã chuyển sang sử dụng than từ giữa năm ngoái. Lo lắng trước những động thái quân sự của Nga gần Ukraine, nhiều khách hàng châu Âu đã mua than Nga để dự trữ.

Có lo ngại rằng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ ngừng trong tháng 4 do chính phủ các nước EU không chấp nhận đòi hỏi thanh toán tiền mua khi đốt bằng đồng rúp mà Nga đặt ra.

Đức là một trong số các quốc gia đã nói rằng họ có thể tăng cường sử dụng than để thay thế khí đốt của Nga. Nếu nhập khẩu than của Nga bị cấm, một số quốc gia châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng còn nghiêm trọng hơn nữa khi nhu cầu sưởi ấm tăng vào mùa đông tới. Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải chi trả nhiều hơn.

EU có thể nhập khẩu than từ nơi nào khác?

Trên thế giới các nhà xuất khẩu than chính là Indonesia, Úc, Nga, Colombia, Nam Phi và Mỹ. Từ tháng 1-10.2021, Đức nhập khẩu 53% than từ Nga, 17% từ Mỹ, 13% từ Úc, 5% từ Colombia và một số ít Canada, Ba Lan, Nam Phi và Cộng hòa Séc.

Trong khi đó, Ba Lan nhập khẩu khoảng 20% than nhiệt, chủ yếu từ Nga. Tuần trước, chính phủ Ba Lan cho biết họ sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng này trong tháng 4 hoặc tháng 5. Úc, Nam Phi và Canada được xem là những nhà cung cấp than tiềm năng cho Ba Lan.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu than ở Đức hồi đầu năm cho biết: "Trong vài tháng nữa, than cứng nhập khẩu từ Nga có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các nước khác. Cụ thể là từ Mỹ, Colombia, Nam Phi, Úc, Mozambique và Indonesia".

Tuy nhiên, công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết có hạn chế trong nguồn cung toàn cầu về loại than phẩm chất cao như của Nga. EU sẽ phải cạnh tranh với thị trường tiêu thụ than lớn nhất thế giới là Trung Quốc và các thị trường châu Á khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.