Lì xì ngày tết: 1.001 chuyện bi hài 'cười ra nước mắt'

Thanh Nam
Thanh Nam
24/01/2023 17:25 GMT+7

Nhiều câu chuyện liên quan đến lì xì ngày tết khiến người trong cuộc và cả người chứng kiến, người nghe không thể nhịn cười.

Nhiều câu chuyện liên quan đến lì xì ngày tết khiến người trong cuộc và cả người chứng kiến, người nghe không thể nhịn cười

x.p

"Chú kia lì xì 200.000 đồng mà chú này lì xì có 50.000 đồng"

Nguyễn Thanh Tuấn (34 tuổi, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) ngậm ngùi kể lại những phút giây... đứng như trời trồng, thậm chí chỉ muốn... độn thổ vì rơi vào tình cảnh "quê ơi là quê".

Đến nhà một người bạn cùng học THPT, Tuấn móc phong bao lì xì để mừng tuổi cho đứa con của chủ nhà. Đứa bé đang học lớp 2 nhanh chóng mở toạc bao lì xì, móc vội tờ tiền và ngó nghiêng kiểm tra liệu có còn thêm tờ tiền nào không?

"Đứa bé với ánh mắt không vui quay qua nói với ba: "Chú kia lì xì 200.000 đồng mà chú này lì xì có 50.000 đồng" rồi vùng vằng bỏ đi. Tôi nghĩ mình sẽ được đứa bé nói lời cảm ơn, nhưng không có. Thay vào đó, tôi rất ngại, chỉ muốn... độn thổ", anh Tuấn tâm sự.

Câu chuyện của anh Tuấn chẳng hề ngoại lệ, vì không ít người trẻ đã là người trong cuộc khi cũng gặp tình cảnh "cười ra nước mắt" khi lì xì cho trẻ nhỏ vào đợt tết này nhưng bị... chê ít.

Chẳng hạn như anh Hồ Tuấn Vương (30 tuổi, quê ở Đà Nẵng, làm việc Công ty TNHH MTV Mỹ Đức Hòa, Q.5, TP.HCM) cũng... chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra khi bị đứa cháu ruột mới học lớp 4 quở trách bâng quơ khi vừa nhận bao lì xì rồi thầm thì với mẹ: "Cậu ở trong thành phố về mà lì xì có 100.000 đồng".

Hay Trần Công Trọng (27 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, làm việc ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai) khi mừng tuổi cháu trai 8 tuổi cũng những tưởng cháu trai sẽ vui. Nhưng thực tế lại khác xa. "Đứa cháu mở ngay bao lì xì, thoáng thấy tờ 50.000 đồng đã làm gương mặt buồn xo, nói: "Tưởng được lì xì nhiều mà chỉ có tờ 50.000 đồng", Trọng nhớ lại.

Nhiều người trẻ đã đi làm, dù không gặp khó khăn trong việc "tiền đâu để lì xì" mà lại gặp tình cảnh dở khóc dở cười vì... chuẩn bị chưa đủ phong bao lì xì khi đi chúc tết

T.H

Đi chúc tết mà phải gọi điện thoại hỏi trước

Nguyễn Đỗ Hoàng Anh (25 tuổi, làm việc ở KCN Vsip, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã rơi vào trường hợp "đứng hình", không biết phải làm sao ngay ngày đầu năm mới.

Hôm mùng 1 tết, Hoàng Anh đi chúc tết nhà người thân. Đã "thủ" sẵn hơn chục phong bao lì xì, nhưng khổ nỗi số lượng cháu khá nhiều. "14 đứa cháu. Nhưng tôi chỉ còn 13 phong bao lì xì. Thế là tôi lì xì tờ tiền cho đứa cháu còn lại. Chỉ có vậy thôi mà đứa cháu nó... khóc ré, so bì tại sao những đứa khác có phong bao lì xì mà nó chỉ có tờ tiền. Bố mẹ chúng dỗ dành mãi nó cũng chẳng chịu ngưng khóc", Hoàng Anh nhớ lại kỷ niệm... muốn quên.

Để rồi từ ngày mùng 2, chàng trai này rút kinh nghiệm. Theo đó, chuẩn bị một lượng bao lì xì khá nhiều để "thà dư còn hơn thiếu".

Đặng Thành Ý (32 tuổi, làm việc ở Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi) cho biết đã từng rơi vào cảnh tương tự. "Thế nên năm nay khi tôi muốn ghé nhà bạn bè hay người thân thăm, chúc tết tôi... hay gọi điện thoại hỏi trước. Chẳng hạn như hỏi: Mấy đứa con giờ có nhà không?... để chuẩn bị đủ phong bao lì xì", Ý kể rồi nói: "Đi chúc tết mà cũng áp lực vì chuyện lì xì".

"Chờ lâu quá mà không chịu lì xì"

Anh Đoàn Huỳnh Huy (27 tuổi, làm việc tại Công ty phần mềm ứng dụng Đà Nẵng, TP.Đà Nẵng) cho biết vào ngày mùng 2 tết đã gặp một sự cố mà anh cảm thấy "ngại ơi là ngại".

Đến thăm nhà người thân ở Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), anh Huy mải mê nói chuyện, thăm hỏi, chúc tết một cách vui vẻ. "Không ngờ là sau 15 phút, có đứa con của gia chủ chẳng biết vô tình hay cố ý mà buông câu nói làm tôi giật mình. Đứa trẻ ấy bảo: "Chờ lâu quá mà không chịu lì xì gì cả". Bố mẹ đứa trẻ nghe thấy chỉ biết... cười trừ. Tôi cũng... cười cười để cho qua chuyện, đồng thời gọi đứa trẻ ra để lì xì. Đến khi đó đứa trẻ mới chịu cười, thay vì mang tâm trạng buồn bực suốt 15 phút", Huy kể.

Cũng có một số người trẻ chia sẻ lại chuyện khi đi chúc tết, vì... chưa kịp lì xì đã bị những đứa trẻ... nói me mé: "Sao chưa thấy lì xì nhỉ?", "Sao mấy người khác đến ai cũng lì xì mà cô này đến nãy giờ vẫn chẳng thấy lì xì"... Và trong tình cảnh bi hài này, họ chỉ biết "cười ra nước mắt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.