Lịch sử trên sách ảnh của người trẻ

Tâm Ngọc
Tâm Ngọc
19/02/2022 07:29 GMT+7

.

Sau khoảng 3 năm ấp ủ và thực hiện, cuốn sách Tây Sơn thần tốc - Lịch sử bằng hình ảnh về quân đội Tây Sơn của Đào Nguyên Khánh (34 tuổi, đang công tác tại một công ty đa quốc gia ở TP.HCM) sẽ được xuất bản vào quý 1/2022.

Tái hiện lịch sử qua sách ảnh bằng sự mới mẻ này, với Khánh, đó là một hành trình đầy thú vị và say mê.

Đào Nguyên Khánh tại một bảo tàng tự nhiên ở Đài Loan

Nguồn cội

Trong cuốn Dòng thời gian, nhà văn Michael Crichton có viết: “Nếu anh không biết lịch sử, anh sẽ chẳng biết điều gì hết. Anh sẽ như một chiếc lá vốn không hề biết mình chỉ là một phần của cái cây”. Với Đào Nguyên Khánh, việc tìm hiểu nguồn cội, lịch sử cha ông không chỉ để biết mình là “một phần của cái cây” mà còn góp phần tái hiện hình ảnh của cái cây ấy trên những trang sách ảnh còn nguyên hào khí của một thời kỳ rực rỡ.

Khánh kể từ nhỏ anh đã thích lịch sử và địa lý, đặc biệt là các mảng liên quan quân sự, xung đột và các triều đại, đế chế hưng thịnh suy vong trong lịch sử. Trong lịch sử VN, các câu chuyện về chiến thắng cũng như các huyền thoại của hoàng đế Quang Trung rất hấp dẫn.

“Bản thân tôi cũng có khá nhiều tò mò trong lúc đọc thêm sử liệu, chẳng hạn như so sánh trình độ quân đội, trang bị giữa nước ta với các nước xung quanh trong cùng thời kỳ sẽ như thế nào để góp thêm một khía cạnh giải mã các chiến thắng của hoàng đế Quang Trung. Vì chiến thắng là kết quả cuối cùng của một loạt bước chuẩn bị cho xung đột quân sự trước đó. Cho nên tôi tò mò về các nền tảng quân đội, ngoại giao, chính trị trước đó nữa. Càng tò mò tìm hiểu thì tôi càng thích thú (kèm theo là dự án kéo dài ra)”, Khánh cho biết thêm.

Ngoài thời gian dành cho công việc và gia đình, Khánh đã đi nhiều nơi để lấy tư liệu và có cái nhìn đầy đủ hơn về một giai đoạn lịch sử chói lọi của VN: thời Tây Sơn. Việc tìm và thấy được các tranh cổ, hiện vật giúp anh có cái nhìn sống động hơn là qua các con chữ mô tả. Và thế là việc tìm kiếm được tiếp tục qua các nguồn tranh, ảnh ở bảo tàng nước ngoài (thông qua internet) và đi tham quan thực địa, chụp hình ở trong nước.

Quyển sách Tây Sơn thần tốc - Lịch sử bằng hình ảnh về quân đội Tây Sơn sẽ đi sâu vào sức mạnh quân đội thời Tây Sơn theo từng binh chủng và các chiến thắng sáng chói của thời đại này như Rạch Gầm - Xoài Mút và Ngọc Hồi - Đống Đa. Tác giả sẽ phân tích sức mạnh của từng binh chủng của nhà Tây Sơn như bộ binh, tượng binh, thủy binh cũng như trang bị hỏa khí trong mối tương quan so sánh với quân đội các nước trong cùng thời kỳ.

Điểm khác biệt của dự án sách này là việc sử dụng rất nhiều hình ảnh gồm hiện vật bảo tàng, tranh cổ, ảnh minh họa nhằm giúp bạn đọc “xuyên không” (thấy rõ loại vũ khí, quân đội đó) về thời kỳ lịch sử triều đại Tây Sơn hào hùng, mang lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn với mọi lứa tuổi.

Từng chương sách đều có mục so sánh quân Tây Sơn với trang bị quân sự các nước trong khu vực, người đọc sẽ thấy quân Tây Sơn mặc dù có sức mạnh rất đáng kể nhưng quân địch thực sự không hề thua kém, thậm chí còn đông đảo hơn và có lực lượng nội ứng hỗ trợ. Thông qua nhận định đó, ta càng thấy được cái uy dũng, tài năng của vua Quang Trung qua việc dẫn dắt quân đội đến các chiến thắng lẫy lừng trên sa trường.

“Lịch sử là quá khứ nhưng không dễ bị lãng quên”

Ông Đào Tiến Đạt, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đã đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế, cha của Đào Nguyên Khánh, cho biết: “Mọi thứ với tôi như một giấc mơ khi nhìn thấy con trai tôi trưởng thành, có nghề nghiệp và mê lịch sử cha ông như vậy. Tôi từng mong con trai nối nghiệp nhiếp ảnh của mình, thế rồi nó đi sang một ngã rẽ khác. Nhưng miễn con được là chính mình và hạnh phúc thì lựa chọn nào cũng tốt cả. Chỉ có điều là tôi khá ngạc nhiên khi thấy cháu có niềm yêu thích này. Nó vẫn nói với tôi, lịch sử là quá khứ nhưng không dễ bị lãng quên”.

Còn Khánh thì chia sẻ: “Lịch sử hiển hiện rõ ràng trên mọi mặt đời sống mà có lẽ do chúng ta ít nhận ra hoặc do cách truyền thông chưa phù hợp. Chẳng hạn như nó hiển hiện ở các bức tượng trong thành phố (tại sao lại có bức tượng về nhân vật lịch sử này ở đây?), trong các công trình (tại sao lại có tháp Chămpa nhiều đến như vậy ở Bình Định?), tại sao địa phương này lại có tên là như vậy, ý nghĩa của cái hoa văn này là gì… Toàn bộ điều đó rất thú vị cho phát triển du lịch”.

Sẽ còn nhiều thử thách phía trước, đến khi Đào Nguyên Khánh hoàn thành và xuất bản quyển sách ảnh đặc biệt này. Tuy nhiên, hạnh phúc không chỉ nằm ở điểm đến. “Trong hành trình này, tôi đã góp nhặt được rất nhiều niềm vui, được gặp gỡ nhiều người bạn mới có cùng đam mê, sở thích, được ngược dòng thời gian tái hiện một lịch sử vô cùng chói lọi và vẻ vang của dân tộc Việt Nam”, Khánh tự hào cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.