Ông Julian Assange, nhà sáng lập trang Wikileaks, phải được tự do ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại Anh và phải được bồi thường, Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Giam giữ Trái phép đưa ra phán quyết ngày 5.2.
Nhà sáng lập trang Wikileaks, ông Julian Assange phát biểu trước truyền thông ở Đại sứ quán Ecuador tại Anh vào ngày 19.8.2012 - Ảnh: Reuters |
Ông Assange, công dân Úc 44 tuổi, đang đối mặt với các cáo buộc hiếp dâm ở Thụy Điển, đã ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador tại London kể từ tháng 6.2012 và bác bỏ những cáo buộc này.
Wikileaks, do ông Assange sáng lập vào năm 2006, đã rò rỉ hàng trăm ngàn tài liệu mật về ngoại giao và quân sự của Mỹ trong năm 2010. Ông Assange đã từ chối đến Thụy Điển để trả lời chất vấn của các công tố viên vì sợ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.
Vào năm 2012, Ecuador cho phép ông Assange tị nạn, nhưng chính phủ Anh dọa sẽ bắt Assange nếu ông bước chân ra khỏi Đại sứ quán Ecuador. Ông Assange hồi tháng 9.2014 đã gửi đơn kiện Thụy Điển và Anh lên Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Trái phép, cho rằng việc ông ở trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh và không thể ra ngoài giống như ông bị giam lỏng trái phép.
Cả Anh và Thụy Điển bác bỏ cáo buộc ông Assange bị tước quyền tự do và khẳng định ông ta tự nguyện vào Đại sứ quán Ecuador.
Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Trái phép ngày 5.2 đưa ra phán quyết ủng hộ ông Assange. “Chúng tôi đã xem xét nhiều kiểu tước đoạt quyền tự do và nhận định rằng ông Assange đang bị giam giữ trái phép”, ông Seong-Phil Hong, người đứng đầu Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Trái phép, cho biết.
“Việc giam giữ trái phép ông Assange phải chấm dứt, sự tự do đi lại của ông ấy phải được tôn trọng và ông phải được bồi thường”, ông Hong cho biết thêm.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngay lập tức lên tiếng phản đối, gọi phán quyết này là “lố bịch”. Trong bức thư gửi Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Trái phép ngày 5.2, chính phủ Thụy Điển cho biết nước này không đồng tình với phán quyết trên.
Các công tố viên Thụy Điển cho biết phán quyết của LHQ không ảnh hưởng về mặt pháp lý đối với cuộc điều tra ông Assange bị cáo buộc hiếp dâm. Mỹ vẫn tiếp tục cuộc điều tra Wikileaks.
Trước đó, vào ngày 4.2, ông Assange tuyên bố sẵn sàng nộp mình cho cảnh sát Anh trong hôm nay nếu Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Trái phép ra phán quyết chống lại ông.
Mặc dù những phán quyết của Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Trái phép không mang giá trị pháp lý, nhưng nó giúp gây áp lực chính phủ các nước có liên quan.
Trước đây, các phán quyết của cơ quan này đã giúp lãnh đạo đối lập Myanmar là bà Aung San Suu Kyi được trả tự do sau nhiều năm liền bị giam lỏng tại nhà, và phóng viên Jason Rezaian của tờ The Washington Post (Mỹ) được trả tự do sau khi bị Iran bắt giữ 18 tháng, theo AFP.
Bình luận (0)