Theo Ana Campoy, nhà báo chuyên trách đưa tin bài khu vực Nam Mỹ cho trang Quartz và là người từng có tám năm công tác tại tờ The Wall Street Journal, Mỹ La tinh - như tất cả các khu vực khác trên thế giới - đã và đang chịu ảnh hưởng từ quyết định của Anh. Tiền tệ và chứng khoán lao dốc. Theo giới chuyên gia, Brexit sẽ còn tiếp tục tác động đến kinh tế khu vực Mỹ La tinh trong những tháng tới.
Mất mát lớn nhất từ Berxit cũng là điều từng khiến các nước cảm thấy thoải mái: một nhóm quốc gia thành công trong việc đặt khác biệt giữa họ sang một bên để làm việc với nhau.
Những nước Mỹ La tinh có nhiều điểm chung hơn so với các thành viên cộng đồng 28 nước, về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và mức độ phát triển. Dù vậy, khu vực này lại chưa bao giờ vươn được đến cận mức thống nhất và đoàn kết như Liên minh châu Âu. Đây là ý kiến của blogger người Cuba Yoani Sánchez.
Blogger Sánchez viết trong một bài xã luận trước cuộc bỏ phiếu Brexit: “Có hàng chục đơn vị và liên minh, những nhóm có tên, logo và cơ sở xung quanh chúng ta ở Mỹ La tinh, tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các tấm ảnh kiểu gia đình góp mặt nguyên thủ các nước, nhưng trong thực tế cuộc sống, chúng rất ít có giá trị sử dụng”.
Nhờ nhiều nỗ lực xây dựng sự hợp tác, EU là mô hình kiểu mẫu mà người Mỹ La tinh mong đợi. Nhà báo Campoy cho hay: “Lớn lên dọc biên giới dài nhất hành tinh giữa một nước giàu và một nước nghèo, biên giới Mỹ - Mexico, tôi nhìn thèm thuồng cái cách mà các nước EU cố gắng kéo những thành viên nghèo hơn của họ đứng lên, bình đẳng hơn. EU dường như nhấn mạnh tất cả những gì đi lệch trong mối quan hệ của nước tôi và nước Mỹ”.
Hẳn nhiên, châu Mỹ có Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ra đời nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ, Canada và Mexico. Hiệp định thương mại hòa hợp các công ty và thị trường ở ba nước, song không đối phó với các biến chứng xã hội gây ra bởi khoảng cách giữa các nền kinh tế, giữa Mexico và hai nước bạn giàu hơn họ ở phía bắc.
“EU thì ngược lại, hiểu rằng mở cửa thị trường là chưa đủ. Thay vì quân sự hóa biên giới, họ mở cửa để người lao động có thể tự do di chuyển, tìm việc làm. Họ đặt ra chính sách để chống lại vấn nạn chung, chẳng hạn như buôn bán ma túy. Họ góp tiền để giúp đỡ những thành viên túng thiếu nhất trong khu vực tiến lên. Những biện pháp như thế này là vô cùng hiếm ở thế giới mà tôi sống”, nhà báo Campoy viết.
Cô kết luận: “Chịu trách nhiệm đưa tin bài về các nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) từ Frankfurt giai đoạn 2003 - 2005 cho tôi cái nhìn về EU ít màu hồng. Mọi thứ lộn xộn, tốn kém. Nó yêu cầu việc bỏ bớt một phần chẳng mấy thoải mái về chủ quyền. Nhưng đó dường như vẫn là điều phải làm, không chỉ về mặt nguyên tắc, mà là vì cùng với nhau, các thành viên EU đứng vững hơn so với khi đơn độc. Tôi vẫn nghĩ như thế. Thế giới giờ đây sẽ quay về đâu khi cần cảm hứng về hợp tác quốc tế?”.
tin liên quan
Trung Quốc hưởng lợi lớn từ BrexitViệc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đang kéo theo rất nhiều bên thua cuộc. Song giữa cảnh hỗn loạn, Trung Quốc nổi lên là nhân tố giành chiến thắng lớn.
Bình luận (0)