|
Dấu hiệu là mặt người bệnh sẽ bị kéo lệch gây méo miệng, mắt không nhắm kín được, cổ truyền còn gọi là khẩu nhãn oa tà.
Theo y học cổ truyền, liệt mặt ngoại biên đã được mô tả trong những bệnh danh “khẩu nhãn oa tà”; “trùng phong”; “nuy chứng”. Nguyên nhân thường là do phong hàn, phong nhiệt xâm nhập vào các kinh dương ở đầu và mặt (nguyên nhân ngoại nhân). Ngoài ra còn có thể do chấn thương ở vùng đầu mặt, gây huyết ứ lại ở các lạc trên. Những nguyên nhân đó làm cho khí huyết của lạc mạch vùng đầu mặt bị cản trở hoặc bị tắc, gây nên chứng nuy (yếu liệt), có thể kèm theo tê và đau (không thông thì đau).
Chẩn đoán và điều trị
Dựa vào nguyên nhân và cơ chế gây bệnh nêu trên, y học cổ truyền chia thành 3 thể bệnh chủ yếu sau: phong hàn phạm kinh lạc - thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do thời tiết lạnh. Bệnh khởi phát đột ngột, chứng liệt xuất hiện hoàn toàn thường trong 48 giờ. Sau khi gặp mưa, gió lạnh, đột nhiên mắt không nhắm lại được, miệng méo lệch. Toàn thân có hiện tượng sợ lạnh, tắc mũi, gáy căng tức, mặt máy động, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
Phép trị trong trường hợp này là khu phong, tán hàn, hoạt lạc, hoạt huyết, hành khí. Bài thuốc gồm các vị: ké đầu ngựa 12 gr, tang ký sinh 12 gr, quế chi 8 gr, bạch chỉ 8 gr, kê huyết đằng 12 gr, ngưu tất 12 gr, uất kim 8 gr, trần bì 8 gr, hương phụ 8 gr.
Thể phong nhiệt phạm kinh lạc - thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do nguyên nhân viêm nhiễm. Triệu chứng thường thấy là liệt nửa mặt, toàn thân có sốt, sợ nóng, rêu lưỡi trắng dày. Phép trị trong trường hợp này là khu phong, thanh nhiệt, hoạt huyết (khi có sốt). Khu phong, bổ huyết, hoạt lạc (khi hết sốt). Bài thuốc sử dụng gồm các vị, kim ngân hoa 16 gr, bồ công anh 16 gr, thổ phục linh 12 gr, ké đầu ngựa 12 gr, xuyên khung 12 gr, đan sâm 12 gr, ngưu tất 12 gr.
Với thể huyết ứ ở kinh lạc - thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do nguyên nhân chấn thương hoặc khối choán chỗ. Có thể xảy ra sau một chấn thương hoặc sau mổ vùng hàm, mặt, xương chũm. Phép trị ở tình huống này là hoạt huyết hành khí, bài thuốc sử dụng gồm: xuyên khung 12 gr, đan sâm 12 gr, ngưu tất 12 gr, tô mộc 12 gr, uất kim 8 gr, chỉ xác 6 gr, trần bì 6 gr, hương phụ 6 gr.
Cách sắc và uống các bài thuốc nói trên: cho các vị thuốc cùng 1 lít nước sạch đem đun sôi, hạ lửa nhỏ đun thêm 45 - 60 phút rồi chắt ra được 300 ml nước thuốc. Chia uống 3 lần trong ngày sau mỗi bữa ăn 30 phút. Mỗi ngày dùng một thang, dùng liên tục 7 - 10 ngày.
Vũ Quốc Trung
>> Đình chỉ lưu hành lô thuốc trị viêm đau dây thần kinh
>> Kỹ thuật mới giúp tái tạo các dây thần kinh
>> Chất lỏng phát sáng dây thần kinh
>> Đau dây thần kinh liên sườn
Bình luận (0)