Rạng sáng 16.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với mối đe dọa chống lại công nghệ Mỹ bằng cách ký sắc lệnh mới, cho phép giới chức chặn giao dịch liên quan đến công nghệ thông tin hoặc truyền thông đặt ra “nguy cơ không thể chấp nhận” với an ninh quốc gia Mỹ.
Theo CNBC, Trung Quốc có nhiều cái tên công nghệ lớn như Alibaba, Tencent, Baidu và Huawei. Dù Huawei bị Mỹ làm khó giữa lúc căng thẳng thương mại, công nghệ leo thang, giới chuyên gia nhận định Alibaba và Tencent khó lòng trở thành mục tiêu tương tự như hãng sản xuất thiết bị viễn thông.
Đâu là lý do cho nhận định này? Gil Luria, giám đốc nghiên cứu tại D.A. Davidson, cho hay quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trước hết sẽ ảnh hưởng đến các hãng Trung Quốc cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ. Alibaba và Tencent thì không như thế.
“Việc tập trung vào Huawei dường như bị thúc đẩy bởi nhiều lo ngại liên quan đến bí mật và quyền sở hữu trí tuệ, song Huawei thực tế là đối thủ cạnh tranh chính của nhiều hãng thiết bị viễn thông Mỹ. Các doanh nghiệp tập trung nhiều vào thị trường nội địa Trung Quốc như Alibaba và Tencent ít có khả năng bị nhắm mục tiêu trực tiếp”, ông Luria cho hay. Chuyên gia này nói thêm rằng doanh số của Alibaba tại Mỹ không đáng kể và nhà sáng lập Alibaba Jack Ma trước giờ vẫn nỗ lực làm “người bạn thân thiện” với nền kinh tế số một thế giới.
Tuy nhiên, khó lòng nói trước liệu Alibaba và Tencent có “thoát nạn” về lâu dài khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại còn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa nguôi hay không. Nhà kinh tế Rajiv Biswas tại hãng cung ứng dữ liệu toàn cầu IHS Markit cho biết: “Quy mô của lệnh hành pháp mới có thể lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nhà sản xuất thiết bị viễn thông lẫn nhà cung ứng dịch vụ truyền thông Trung Quốc”.
|
Leo thang căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có bước tiến mới hôm 10.5, khi Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ từ chối đơn đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mỹ của China Mobile vì lý do an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ còn vừa bổ sung Huawei và nhiều chi nhánh của hãng này vào Danh sách Thực thể An ninh và Công nghiệp, có thể làm khó Huawei khi công ty này làm ăn với doanh nghiệp Mỹ.
Động thái hành pháp mới của Mỹ cũng đặt ra câu hỏi về triển vọng đàm phán thương mại giữa đôi bên. Paul Triolo, chuyên gia thuộc Eurasia Group, cho rằng tình cảnh hiện tại, nếu không được xử lý cẩn thận, có thể khiến cả hãng Mỹ lẫn Trung Quốc đứng trước rủi ro mới. Ngoài ra, lệnh hành pháp ông Trump vừa ký “còn có ý nghĩa địa chính trị lớn hơn với các đồng minh chủ chốt của Mỹ, chẳng hạn như Anh và nhiều nước Tây Âu khác, các bên đang xem xét sử dụng thiết bị của Huawei khi tung mạng 5G”.
Chuyên gia Biswas kết luận cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài lâu hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại. Một phần lý do là vì nó tập trung vào mối lo ngại an ninh quốc gia từ phía Mỹ, điều vốn không dễ dàng để giải quyết.
|
Bình luận (0)