Liệu Triều Tiên có thể chống lại cuộc chiến tranh kiểu Ukraine?

Văn Khoa
Văn Khoa
30/07/2022 19:00 GMT+7

CHDCND Triều Tiên được cho là có lực lượng biệt kích, pháo binh và tên lửa lớn nhưng có nghi ngờ rằng nước này có thể chỉ huy, kiểm soát và điều phối một cuộc chiến tranh thời hiện đại.

Tính đến ngày 24.7, chiến sự Nga-Ukraine bắt đầu bước sang tháng thứ 6, các nhà hoạch định chiến tranh của Triều Tiên gần như chắc chắn đang theo dõi cẩn thận từ hai bên, theo một bài phân tích do báo Asia Times đăng ngày 22.7.

Triều Tiên cũng có biên giới với quốc gia láng giềng được phương Tây hậu thuẫn là Hàn Quốc, với ngôn ngữ và văn hóa gần giống hệt nhau. Và khí tài được các lực lượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sử dụng gần như hoàn toàn có tiêu chuẩn của Hiệp ước Warsaw, có thể là bản gốc của Liên Xô/Nga hoặc các phiên bản được sản xuất trong nước có sửa đổi và nâng cấp.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo vào năm 2019

AFP

Ngoài ra, học thuyết được ông nội của nhà lãnh đạo Kim là cố Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là thuộc Liên Xô: tấn công thâm nhập sâu bằng những vũ khí kết hợp. Các lực lượng Triều Tiên đã đánh bại quân đội Hàn Quốc trong những tuần đầu của cuộc chiến nhưng sau đó đã bị đẩy lùi bởi sức mạnh không quân lớn của Mỹ và quân tiếp viện trên bộ.

Do đó, nếu Triều Tiên tái khơi mào Chiến tranh Triều Tiên, các nhà phân tích phần lớn nhất trí rằng lực lượng Triều Tiên sẽ phải chiến đấu theo một cách khác, theo Asia Times. Dù Bình Nhưỡng có số lượng quân nhân gần gấp đôi so với Seoul, nhưng học thuyết của nước này lại nghiêng nhiều về các biện pháp bất đối xứng và sử dụng các lực lượng biệt kích và tài sản mạng. Nhưng liệu Triều Tiên có thể chỉ huy, kiểm soát và điều phối một cuộc chiến tranh của thế kỷ 21?

Giống như Nga, Triều Tiên cũng sở hữu lực lượng pháo binh và tên lửa khổng lồ, nhưng liệu nước này có các khả năng hướng dẫn để sử dụng kho vũ khí này nhắm chính xác vào các mục tiêu hay không, theo Asia Times.

Chủ tịch Kim Jong Un cảnh báo Hàn Quốc, nói lực lượng răn đe hạt nhân Triều Tiên đã sẵn sàng

Cuộc tấn công bất đối xứng đa chiều

Một cuộc tấn công của lực lượng biệt kích Triều Tiên vào dinh tổng thống ở Seoul vào năm 1968 nhằm ám sát Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ Park Chung-hee đã không thành công, với các sát thủ bị bắn hạ. Người sống sót duy nhất, bị Hàn Quốc bắt, mới đây tiết lộ với Asia Times rằng nếu vụ ám sát thành công, một cuộc tiến quân lớn của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên sẽ được mở ra.

Thất bại trên, kết hợp với những rủi ro lớn của một cuộc tấn công qua khu phi quân sự liên Triều (DMZ), cho thấy một cuộc chiến trong tương lai sẽ rất khác. Tướng về hưu Chun In-bum, từng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Tác chiến đặc biệt của Hàn Quốc, tin rằng Triều Tiên sẽ sử dụng sự kết hợp của tài nguyên mạng và lực lượng đặc nhiệm cùng với hỏa lực từ pháo binh và tên lửa. Mục tiêu là làm tê liệt Seoul bằng cách không kiểm soát trong khi ngăn chặn quân tiếp viện của Mỹ. Mục tiêu đó có thể đạt được bằng cách đe dọa Washington về một cuộc tấn công hạt nhân trong khi khiến các kênh tiếp viện không thể sử dụng được. Trong khoảng thời gian đó, lực lượng Triều Tiên có thể thể đánh bại lực lượng Hàn Quốc.

Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng

AFP

Ông Chun cho rằng Bình Nhưỡng sẽ cần “tiến hành cuộc tấn công mãnh liệt và gây sợ hãi để áp đảo các sân bay, cảng biển và tổng hành dinh”. Ông lưu ý rằng Triều Tiên đã biết vị trí của tất cả những cơ sở này. “Nếu tiến hành một cuộc tấn công, họ sẽ sử dụng khả năng bất đối xứng của mình - không chỉ mạng và tên lửa, mà còn khả năng lập kế hoạch cho các nhiệm vụ một chiều.”

Triều Tiên được cho là có đội tin tặc và Hàn Quốc là một trong những xã hội tập trung vào kỹ thuật số nhất của thế giới. Nhưng những cuộc tấn công mạng đã không tạo ra tác động mang tính thay đổi cuộc chơi đối với Ukraine. Cơ sở hạ tầng của Ukraine, từ nguồn điện đến xe lửa và bệnh viện, vẫn tiếp tục hoạt động. Các chiến binh mạng của Nga cho đến nay vẫn không thể đánh lừa được các vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk, vốn cung cấp internet không dây quan trọng cho Ukraine.

Xem nhanh: Chiến dịch của Nga ngày 150, Ukraine có hy vọng 'ngược dòng' với vũ khí phương Tây

Tuy nhiên, theo ông Chun, Triều Tiên sở hữu thứ mà một số người tin là khả năng tiến hành những chiến dịch đặc biệt lớn nhất thế giới, với 200.000 quân. Khả năng đó, kết hợp với việc không cần thiết phải lên kế hoạch cho các hoạt động rút lui hoặc phục hồi cho các đơn vị biệt kích đã mang lại cho Bình Nhưỡng “một khả năng rất quan trọng”. Những đơn vị biệt kích của Triều Tiên có thể xâm nhập Hàn Quốc bằng đường không, đường biển hoặc trong trang phục thường phục.

Vì người Triều Tiên trông giống hệt người Hàn Quốc và nói cùng một ngôn ngữ, nên việc xâm nhập/do thám có vẻ rất khả thi, theo Asia Times. “Triều Tiên có các đơn vị chuyên trách với nhiệm vụ xâm nhập và tránh tiếp xúc. Chỉ bằng cách nhìn vào địa hình, bạn có thể biết được tài sản của đối thủ sẽ ở đâu, vì vậy họ sẽ đến đó và thông tin trở lại qua vô tuyến”, ông Chun nhận định.

Nhưng giai đoạn tập hợp, tấn công và duy trì chiến dịch sẽ được điều phối và chỉ huy như thế nào?

Trong những ngày đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân đội Nga đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng do không tập trung được lực lượng, thay vào đó họ đã tung ra nhiều đơn vị trên nhiều trục, theo Asia Times. Việc đó làm tăng tính phức tạp, làm loãng “cú đấm” và dẫn đến những thất bại nhục nhã về mặt hậu cần. Các tín hiệu được chứng minh là một điểm yếu bất ngờ. Các cá nhân và đơn vị của Nga đã được định vị bằng thông tin liên lạc, trong đó có nhiều thông tin được gửi bằng ngôn ngữ đơn giản mà không cần mã hóa.

Trong khi đó, máy bay không người lái (UAV) có thể là một giải pháp, theo Asia Times. Hai chiếc UAV của Triều Tiên từng xâm nhập thành công không phận Hàn Quốc dù bị rơi. “Họ có thể có những UAV khá tốt. Những máy bay không người lái này có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu và chuyển tiếp liên lạc”, ông Chun nói về Triều Tiên. Thật vậy, UAV đã được đề cập là một ưu tiên trong thông báo của đại hội đảng ở Triều Tiên hồi năm ngoái về việc phát triển vũ khí trong tương lai.

Cuộc chiến tranh tên lửa đến tối đa

Trong năm 2021, Triều Tiên công bố phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật nhưng vẫn chưa thử nghiệm. Và do thiếu chiều sâu chiến lược ở Triều Tiên, tức là địa lý hạn hẹp của bán đảo, câu hỏi được đặt ra là liệu những vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ có công dụng gì và liệu ông Kim có muốn tiếp quản một quốc gia bị ô nhiễm bởi các vùng nóng phóng xạ hay không.

Điều đó làm cho các loại vũ khí thông thường có thể phát huy tác dụng - và Ukraine đang phải hứng chịu những đợt bắn phá từ pháo chiến thuật cũng như tên lửa của lực lượng Nga. “Việc sử dụng tên lửa trong chiến tranh lớn nhất mà chúng tôi từng thấy”, theo lời của ông Ankit Panda, thành viên cấp cao của Chương trình Chính sách Hạt nhân thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ).

Trong giai đoạn thứ hai của chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã sử dụng hỏa lực để phá hủy hệ thống phòng thủ của Ukraine ở vùng Donbass và bằng chứng từ những hình ảnh về cảnh những khu vực bị tàn phá cho thấy phần lớn trong số các cuộc tấn công là cuộc bắn phá hàng loạt kiểu cũ. Về hỏa lực chính xác tầm xa, Nga đã tấn công thành công nhiều căn cứ và kho của Ukraine ở xa chiến tuyến bằng tên lửa. "Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky [ngày 13.7] nói rằng Nga đã sử dụng 2.960 tên lửa chống lại Ukraine", ông Panda cho hay. Tuy nhiên, bất chấp việc triển khai tên lửa chưa từng có của lực lượng Nga, ý chí và khả năng chiến đấu của Ukraine vẫn không bị sụp đổ.

Khích lệ và thách thức

Nhận thấy sự thất bại của Nga trong việc phá vỡ sự kháng cự của người Ukraine, ông Panda gợi ý rằng đối với Triều Tiên, “có những bài học”. Tại Hàn Quốc, các căn cứ rộng lớn của Mỹ, chẳng hạn như Trại Humphreys ở Pyeongtaek, cách Seoul khoảng 40 dặm về phía nam, sẽ cung cấp môi trường giàu mục tiêu cho bất kỳ cuộc tấn công đầu tiên nào. Cuộc tấn công đó có thể gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng. Nhưng một khi xung đột bắt đầu, những binh sĩ sống sót sau đó sẽ ẩn nấp, phân tán và triển khai, khiến các cuộc tấn công thứ hai kém hiệu quả hơn nhiều.

Ngoài ra, Triều Tiên gần như chắc chắn đang nghiên cứu việc Ukraine sử dụng các hệ thống vũ khí chính xác, tầm xa và ông Panda cho rằng Bình Nhưỡng có thể rút ra những bài học từ việc Kyiv sử dụng những vũ khí tầm xa chính xác cao do phương tây cung cấp. Có bằng chứng cho thấy chỉ có một số vũ khí tầm xa, độ chính xác cao, đặc biệt là hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, và lựu pháo di động Cesar của Pháp, đang có tác động. HIMARS được cho là đã tấn công các sở chỉ huy, các nút giao thông vận tải và các kho đạn dược của Nga ở phía sau mặt trận. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây đã ra lệnh cho các tướng lĩnh ưu tiên phá hủy tên lửa và pháo tầm xa của Ukraine.

HIMARS được khai hỏa tại một vị trí không được tiết lộ ở Ukraine

Reuters

Đối với Triều Tiên, tình hình chiến sự Nga-Ukraine như trên mang lại sự khích lệ lẫn thách thức, theo Asia Times. Về mặt khích lệ, Triều Tiên có một trong những lực lượng pháo binh lớn nhất hành tinh, bao gồm các loại lựu pháo tầm xa, tên lửa đạn đạo và hệ thống rốc két phóng loạt. Các mục tiêu quân sự và hậu cần của Hàn Quốc gần như chắc chắn đã bị phía Triều Tiên lập bản đồ bằng cách sử dụng thông tin nguồn mở và báo cáo ở thực địa từ các gián điệp.

Về thách thức, hiện không rõ Bình Nhưỡng có khả năng đến mức nào về chiến tranh mạng lấy mạng làm trung tâm. Ukraine gần như chắc chắn được cung cấp dữ liệu vệ tinh, tín hiệu tình báo và hệ thống dẫn đường GPS của phương Tây. Nước này cũng được hưởng lợi từ hệ thống GIS Arta, một ứng dụng Android dễ sử dụng, cho phép gửi dữ liệu nhắm mục tiêu gần như tức thời qua Internet không dây do vệ tinh cung cấp tới các đơn vị pháo binh, tên lửa và/hoặc máy bay không người lái. Sự kết hợp giữa chuỗi dữ liệu thời gian thực và các khí tài tầm xa, có độ chính xác cao là điều mà các lực lượng Nga đang phải vật lộn để đưa ra các biện pháp đối phó, theo Asia Times.

Trong khi đó, Triều Tiên được cho là không có tài sản nào trong số nói trên để sử dụng, dù Trung Quốc hoặc Nga có thể cung cấp cho họ dữ liệu vệ tinh do thám. Ngoài ra, dù tầm bắn của vũ khí Triều Tiên có thể được tính toán từ thiết kế và các cuộc thử nghiệm, nhưng độ chính xác và năng lực của các hệ thống dẫn đường của chúng vẫn chưa được rõ. Khi đề cập tên lửa dẫn đường, ông Chun dẫn lời một chuyên gia giấu tên nhận định Triều Tiên có thể xâm nhập vào mạng lưới dân sự. “Đối với GPS cấp quân sự, bạn cần mã truy cập, nhưng GPS cấp dân sự thì bất kỳ ai cũng có thể truy cập được", ông Chun giải thích, theo Asia Times.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.