Lính biên phòng cắm bản

03/03/2014 03:00 GMT+7

Nơi sơn cước thâm u, nơi đồng bào thừa sự thật thà và lòng nhiệt thành nhưng thiếu cái ăn cái mặc, thì sự có mặt của những người lính biên phòng là “liều thuốc” để đổi thay cuộc sống.

Nơi sơn cước thâm u, nơi đồng bào thừa sự thật thà và lòng nhiệt thành nhưng thiếu cái ăn cái mặc, thì sự có mặt của những người lính biên phòng là “liều thuốc” để đổi thay cuộc sống.

Lính biên phòng cắm bản
Gần 2 năm cắm bản, trung úy Lê Văn Hiền thấm thía và chia sẻ bao nỗi khó khăn vất vả của bà con ở chốn “5 không” này - Ảnh: Nguyễn Phúc

Miền tây Quảng Trị vốn “nổi tiếng” với những bản làng heo hút, dân bản sống tự cung tự cấp, như tách biệt với bên ngoài. Pa Lin-Kỳ Nơi là một trong những địa danh như thế. Nhưng cụm bản ấy đã không hề bị “lãng quên” trong trái tim người lính. 

Vào chốn “nhiều không”

Trời lạnh giá không thể ngăn chúng tôi lên với Pa Lin-Kỳ Nơi. Đường sá xa xôi, xe phải xuất phát từ rạng sáng, khi những bóng đèn cao áp vừa kịp tắt... Trong chuyến đi này, chúng tôi “hành quân” cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị và nhà tài trợ mang lên một món quà to cho dân bản. Đó là cả cái... trạm xá quân dân y kết hợp, thứ bao năm nay bà con mơ ước. Bởi ai cũng biết, Pa Lin-Kỳ Nơi từng được mệnh danh là chốn 5 không (không đường, không trường, không trạm, không nước, không điện) và việc có chỗ để “bắt ma bệnh”, thì nơi đây sẽ bớt đi một “không”. Bà con không vui sao được!

Rù rì mãi, hết dốc “Mạ ơi” đến dốc “Cha ơi”, ngọn Pa Lin dần hiện ra báo hiệu cho chúng tôi biết rằng đã đến nơi cần đến. Người Pa Cô tập trung ở đầu bản đón đoàn mặc cho sương giá bao phủ. Già Hồ Phát, Trưởng bản Kỳ Nơi nói: “Ngoài bộ đội, lâu lắm rồi dân bản mới đón khách, lại đông thế này. Vậy nên bà con phấn khởi lắm”.

Trung úy Lê Văn Hiền, người lính biên phòng cắm bản ở đây gần 2 năm trời cũng vui không kém dân bản, anh bảo rằng già Phát nói không quá đâu. “Vì mùa mưa những bản trong này thường bị chia cắt, khi con suối Ka Lăng, khe A Hô không còn hiền hòa mà trở nên hung hãn với bao nhiêu nước... Quanh đi quẩn lại chỉ có dân bản, biên phòng và giáo viên”, trung úy Hiền cười bảo.

 Lính biên phòng cắm bản 2
Đối với đám trẻ con ở bản Pa Lin, trung úy Nguyễn Xuân Thế là một người anh, người chú hết sức gần gũi

No đói với dân

Vì đường sá cách trở nên Pa Lin-Kỳ Nơi vẫn là cái tên luôn được nhắc khi nói về những nơi nghèo khó nhất của H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Chốn rừng thiêng nước độc, đất đai cằn cỗi nên dù có cào cấu đến tứa máu tay thì người dân vẫn không đủ ăn trong 12 tháng. Có lên đây mới biết, ngoài tình cảm, thì thứ thừa thãi ở đây là sương mù và gió lạnh nên ta càng hiểu sức chịu đựng tuyệt vời của người Pa Cô, kể cả một đứa trẻ vẫn có thể mặc mỗi cái áo cộc giữa cái rét xuống 10oC.

Hôm ấy, trung úy Hiền đã cười tít mắt khi cùng dân bản đón cái... trạm xá. “Là bản xa, chỉ cắm vài người nên chúng tôi không có trụ sở. Suốt thời gian qua, tôi phải sống trong nhà dân, ăn ngủ với dân. Nhưng sướng nhất là có trạm xá, từ nay sẽ giảm được những cái chết oan nghiệt. Kể cả việc sẽ giúp người dân ở bên kia biên giới”, trung úy Hiền nói.

Còn trung úy Nguyễn Xuân Thế, Đội trưởng Đội vận động Quần chúng của Đồn biên phòng Pa Lin, người mỗi tháng bét nhất ở lại trên 20 ngày tại cụm bản này, nói điều anh tâm đắc nhất chính là việc đã kéo được bà con thoát ra nhiều hủ tục. Anh bảo: “Ngày trước việc gì bà con cũng cúng bái để đuổi... ma. Đặc biệt là khi có người đau ốm, lễ cúng có khi cả con dê, con heo. Vừa tốn kém mà có khi chết cả mạng người vì không chạy chữa kịp”.

Ở lâu trong bản, người lính cũng cảm nhận được cái nghĩa của đồng bào. Rằng người Pa Cô rất trân quý bộ đội, thường xuyên hợp tác, nhường cơm sẻ áo dù chính họ đang chưa đủ ăn. “Chuyện bộ đội cùng đói với dân là điều bình thường. Vì bà con chỉ ăn ngày hai bữa. Bà con không có ăn sao mình dám no nê”.

Rõ cái bụng của bộ đội biên phòng cắm bản, già Hồ Văn Miên, Trưởng bản Pa Lin phấn khởi khoe: “Nhờ có bộ đội “bắt tay chỉ việc” nên nay dân bản đã biết trồng lúa nước, biết trồng sắn năng suất cao và biết làm cả thủy điện mini... Dân nghe theo bộ đội vì luôn được ấm no, dân thương bộ đội vì bộ đội thương dân”.

“Công to” là vậy nhưng khi được hỏi về cái “nghiệp” của những cán bộ cấp dưới, đại tá Hồ Ngọc Hoàng, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị không tỏ ra bất ngờ mà chỉ tâm sự: “Tôi biết anh em vất vả nhưng làm lính biên phòng là vậy, đặc biệt là lính cắm bản thì phải ăn, phải ngủ, phải nói chuyện được bằng tiếng bản địa với dân là chuyện thường. Có vậy mới tạo nên được thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.”

Còn nói theo cái lý giản dị, chắc nịch của đồng bào vùng cao thì giờ đây những người lính biên phòng cắm bản gần gũi, cần thiết với đời sống của họ như cái rường, cái cột để dựng nên cái nhà sàn.

Nguyễn Phúc

 

>> Lính biên phòng xuống đồng cùng dân
>> Tình yêu của lính biên phòng
>> Lính Biên phòng với người Brâu
>> Hát với lính Biên Phòng
>> Làng lính biên phòng
>> Khoác áo xanh làm lính biên phòng 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.