Như bác Ba tôi hồi đó chèo tam bản mui lợp lá chầm ngược xuôi đi hớt tóc dạo. Sau này bác Chín cũng rời miếng ruộng khô cằn thất bát nối gót phiêu bạt đời gạo chợ nước sông. Nhiều anh chị họ con bác Tám, bác Tư tôi cũng mỗi người xuống một chiếc ghe hàng rong ruổi miệt Thới Bình, U Minh, Cái Nước.
Ghe bán hàng trên sông nước miền Tây |
Bình Hòa |
Hồi con lộ đan chưa về thôn ấp, việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy, ghe hàng bông, tạp hóa trên sông qua lại dập dìu. Cho đến tận bây giờ, con kênh trước nhà thi thoảng vẫn còn ghe buôn chạy ngang. Lâu lâu má lại sai cháu tôi chạy ra đón ghe hàng để mua tiêu, tỏi.
Hồi còn nhỏ tôi cũng thường ra mé sông đón ghe hàng cho má. Luôn thích thú khi được bước xuống mũi ghe nhìn cơ man quà vặt treo lỉnh kỉnh, có khi ghe đã chạy xa mà vẫn còn thấy mớ quần áo ướt, khăn mặt mắc trên sào dây giăng dọc mạn sườn. Má biểu hồi còn con gái, má với dì tôi cũng đi ghe hàng mai kênh này mốt rạch kia. Buổi trưa đậu lại bến nào mát mẻ bóng cây nhóm bếp lò xô nấu nướng.
Đời tha hương cầu thực sống nhờ chiếc ghe, nhọc nhằn nhưng có những điều cắt nghĩa ra thì vui lắm. Cũng là bán mua nhưng không đơn thuần chỉ là chuyện kiếm lời. Như mấy anh chị tôi đi qua hết tận cùng ngóc ngách riết quen mặt hết người miệt thứ Cà Mau, từ những nơi dân cư giàu có đông vui cho đến những con rạch bé tẹo heo hút, chỉ thưa thớt vài ba nóc nhà xập xệ.
Với khách thương hồ, những nơi xa xôi, hẻo lánh, đi lại bất tiện thì bà con ở đó càng cần mình hơn nữa. Nên ở đâu ghe hàng cũng tới, trở thành người bạn không thể thiếu của nhiều gia đình. Lắm khi thân quen đến nỗi chỉ cần cập bến là biết nhà đó món nào còn hết. Giao thông cách trở, điện đài không có, những chiếc ghe hàng còn trở thành cầu nối liên lạc giữa xóm này với xóm kia.
Còn như bác Chín tôi, hồi đi hàng bông dưới Cà Mau đã gặp người tứ xứ và kết thân không biết bao nhiêu bạn bè anh em. Ngày mỗi ghe tẻ một tuyến sông quen, đêm về neo chung bến đậu. Mỗi người bán một thức, ban đầu là trao đổi mua hàng lẫn nhau. Sau đến hỏi thăm nhà cửa quê quán dần dần ra quan hệ thân hữu, thậm chí kết duyên rồi thành máu mủ ruột thịt.
Sông sâu nước chảy, kiếp trôi nổi phù sinh, cảm phận nhau nên kẻ thương hồ sống thành “xóm” và sẵn sàng ra tay tương trợ. Đời gieo neo không biết trước sóng gió sự cố: sơ sẩy mạng gửi hà bá, va quẹt chìm ghe là mất sạch vốn liếng nên nhắc nhau từng chỗ hiểm, xoáy nước, miễn sao chiều về còn được ngồi chung chiếu lai rai là mừng. Nhậu mà không phải để say, chỉ cốt trút bầu tâm sự.
Không chỉ khách thương hồ với nhau kết giao tình nghĩa mà kẻ mua người bán trở thành thân sơ bè bạn cũng nhiều. Như bác Chín có chập đậu bến nhà cô Sáu Cà Mau, khách mối rồi ngày đôi ba tiếng chuyện thành thân lúc nào hổng biết. Bác Chín có máu tài tử, đêm nhớ quê đem cây đờn ghi ta phím lõm ra gảy vài ba câu vọng cổ cho đỡ buồn. Cô Sáu Cà Mau có chút vốn liếng cải lương cũng ra góp lời ca tiếng hát.
Mỗi lần về quê đám giỗ bác Chín lại đem câu chuyện cô Sáu Cà Mau giỏi giắn mà hoàn cảnh mẹ góa con côi ra kể. Cầm lòng hổng được ai cũng thấy thương. Giỗ xong lắm khi má đùm bánh tét, bánh bông lan gởi cô Sáu Cà Mau vì cũng thường cho đôi vợ chồng nghèo tha hương con tôm cái tép. Rồi hồi nào có mớ khô cá sặc ngon cô Sáu Cà Mau cũng gởi về cho má ăn lấy thảo dù chỉ biết nhau qua lời kể của bác Chín. Cứ qua lại như vậy mà kể như thân. Chưa bao giờ đi đến xứ nhau lại có thể hình dung hết được bụi chuối hàng cau, rừng đước rừng tràm chạy dài bất tận.
Những câu chuyện chủ khách thương hồ tương tự như vậy ở xứ tôi thì nhiều lắm. Như hồi lần có ông Út bán tủ quê Long Xuyên xuôi xuống hốc bà tó, thấy trước nhà tôi phong cảnh hữu tình cây xanh bóng mát nên xin neo nhờ. Cũng chuyện trò thăm hỏi công ăn chuyện mần, hoàn cảnh mà tía và ông Út kết nghĩa anh em. Tưởng bèo nước vậy thôi đâu dè cách lâu hổng thấy ông Út đi ngang, một ngày tía biểu má chuẩn bị gà vịt, tía cắp giỏ đệm theo địa chỉ ông Út ghi trước lúc nhổ sào bắt xe đò lên Long Xuyên tìm gặp. Sau này bác Ba Tài, anh rể của ông Út cũng theo nghiệp thương hồ có lần xuôi xuống đây cũng được tía tiếp đãi kể như người trong nhà.
Chập nào bác Ba xuống, trên bờ có gì ngon đều mang xuống biếu. Dưới sông chị Hằng con bác Ba có nấu bún cá thì cũng mời cả gia đình tôi xuống ghe ăn chung cho vui. Ăn xong đàn bà con nít nói chuyện chơi, đàn ông ngồi trên mui của chiếc ghe chòng chành làm “lớt lớt” vài xị.
Đã mấy chục năm chiều dài nhưng giao tình ngày cũ dường như vẫn chưa bao giờ mất. Tía thi thoảng lại nhắc cố nhân rồi chậc lưỡi thương hết sức, phận thương hồ lang bạt trăm miền. Ông Út giờ “giải nghệ”, còn bác Ba cách lâu có xuôi xuống ghé lại tìm nhau. Bác kể với tía, gần hết cuộc đời mặc dầu lênh đênh nhưng thấy nơi nào cũng sống được. Bởi khắp xứ miền Tây này đâu đâu cũng đầy ắp tình người.
Bình luận (0)