VietnamWorks đã có thống kê dựa trên kết quả phân tích khảo sát của hơn 1.000 người lao động và 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An...
Doanh nghiệp sụt giảm doanh thu
Theo đó, 9 ngành thuộc lĩnh vực sản xuất được khảo sát gồm sản phẩm công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng/thực phẩm, dệt may/da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ cao, nông lâm nghiệp, tự động hóa/ô tô, dược phẩm/công nghệ sinh học.
Bà Trần Thị Hoàn, Phó giám đốc Navigos Search miền Bắc, nhận định: "Thông qua báo cáo, các doanh nghiệp thuộc 9 ngành trọng điểm lĩnh vực sản xuất đều ghi nhận bị ảnh hưởng, thể hiện rõ qua việc doanh thu bị sụt giảm. Có ít nhất 50% doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu ở mỗi ngành, trong đó có ngành bị ảnh hưởng cao nhất lên đến 91% doanh nghiệp. Có hơn 50% doanh nghiệp mỗi ngành bị sụt giảm từ dưới 10% đến trên 40% tổng doanh thu".
Theo bà Hoàn, khi đối mặt với khó khăn này, hầu hết doanh nghiệp sản xuất lựa chọn duy trì hoặc thu hẹp quy mô. Chẳng hạn, ngành công nghệ cao có 56% doanh nghiệp cắt giảm lao động, trong khi đó có 52% doanh nghiệp ngành dệt may, da giày cắt giảm giờ làm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng/thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng vừa cắt giảm lao động vừa giảm giờ làm.
Từ đó, có đến 58% người lao động lĩnh vực sản xuất bị cắt giảm 30-50% tổng lương. Nhiều người lao động bị giảm giờ làm, giờ tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.
Muốn được tuyển dụng phải nâng cao kỹ năng
Theo khảo sát, để ứng biến với tình thế khó khăn, 60% người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt, 37% làm thêm bên ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Chung, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Termo Việt Nam, cũng nhìn nhận: "Có thể thấy thị trường sản xuất có xu hướng giảm theo cùng với sự suy giảm chung của nền kinh tế. Trong 7 tháng đầu năm, ngành sản xuất điện tử, máy tính, linh kiện chỉ đạt được 30,7 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, và ngành điện thoại linh kiện, chỉ đạt được 27,8 tỉ USD, giảm sâu đến 18%".
Theo ông Chung, đợt tuyển dụng lớn hàng năm của các ngành sản xuất thường rơi vào khoảng 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, để dự đoán về tình hình tuyển dụng năm nay, ông Chung cho rằng những tháng cuối năm sẽ càng gặp khó khăn hơn khi tình hình kinh tế trở nên ngày càng khắc nghiệt.
"Để giữ được việc làm, hoặc được tuyển dụng, người lao động phải chọn cách nâng cao kỹ năng và tay nghề để duy trì lợi thế cạnh tranh. Trong đó có kỹ năng quản lý, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng sử dụng công nghệ vào sản xuất", bà Trần Thị Hoàn chia sẻ.
Ngoài ra, theo bà Hoàn, người lao động cũng như sinh viên mới tốt nghiệp hoặc chuẩn bị tốt nghiệp cần phải cập nhật kiến thức và kỹ năng để thích nghi với tự động hóa. Đồng thời học hỏi thêm các kỹ năng cần thiết như giao tiếp hiệu quả, công nghệ và kỹ thuật, quản lý thời gian...
Bình luận (0)