Hàn Quốc chứng kiến số lượng livestreamer ngày càng tăng với hàng loạt video phát trực tiếp hàng giờ chứa đựng đủ thứ nội dụng từ trò chuyện trực tuyến, chơi game, khiêu vũ, ca hát cho đến ăn uống, say xỉn hoặc thậm chí chỉ là ngủ online.
Đa số livestreamer nhắm vào giới trẻ và tự xem họ là những ngôi sao đáng tin cậy hơn so với các ngôi sao truyền thống. Một số livestreamer có thể kiếm được hơn 100.000 USD/tháng nhờ vào nội dung phát trực tiếp trên nền tảng AfreecaTV (Hàn Quốc) và YouTube.
Làm giàu ngay tại nhà
Từ gác xếp chật hẹp trong căn hộ ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), nam thanh niên Kim Min-kyo (24 tuổi) chơi game trên máy tính 15 giờ/ngày và kiếm tiền từ hàng ngàn người hâm mộ, theo AFP.
Khả năng chơi game pha trộn với bình luận hài hước giúp thu nhập của anh Kim tăng lên khoảng 50.000 USD/tháng. "Tôi không thực sự thích xe hơi hay tiêu nhiều tiền. Mẹ tôi quản lý toàn bộ thu nhập của tôi nên tôi không bao giờ có nhiều tiền trong người", anh Kim nói với AFP.
Mỗi ngày, anh Kim phát trực tuyến cảnh anh chơi game trực tuyến League of Legends (Liên minh huyền thoại) trong lúc mặc bộ đồ ngủ. Anh xây dựng nội dung trực tuyến của mình với các bình luận sinh động, hài hước và thậm chí nhạy cảm.
Anh Kim kiếm tiền từ sự đóng góp của người hâm mộ, nhà tài trợ và quảng cáo thông qua tải khoản YouTube với hơn 400.000 người đăng ký.
|
Dư luận Hàn Quốc thường tranh cãi về việc chính phủ thiếu các quy định quản lý hoạt động của livestreamer, từ quảng cáo ngầm cho đến hành vi bị xem là "dâm ô". Một số livestreamer đã bị lên án hoặc tẩy chay vì có những bình luận nhạy cảm, hành vi bạo lực và ăn mặc hở hang.
Một số livestreamer thậm chí đe dọa bạo lực và hẹn nhau ra ngoài giải quyết mâu thuẫn với đối thủ cạnh tranh.
“Nội dung của một số livestreamer ngày càng mang tính khiêu dâm và bạo lực hơn là vì họ muốn tìm kiếm sự chú ý nhiều hơn”, nhà nghiên cứu Hojin Song tại Đại học bang California (Mỹ) nhận xét.
Cơ hội kiếm tiền
Đối với livestreamer, đại dịch Covid-19 là cơ hội kiếm nhiều tiền. Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân ở nhà để kiểm soát đợt bùng phát dịch đầu tiên trong 4 tháng đầu năm 2020. Trong khoảng thời gian 4 tháng đó, thời lượng xem video trên smartphone của người dân Hàn Quốc tăng vọt, theo Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc.
|
YouTube cũng cho biết công ty chứng kiến lượng người xem trên toàn cầu tăng đột biến trong năm 2020, bao gồm ở Hàn Quốc. Riêng nền tảng AfreecaTV hiện có khoảng 17.000 livestreamer. Trong AfreecaTV, khán giả có thể quyên góp tiền trong lúc tương tác với livestreamer. Các khoản quyên góp đã tăng hơn 20% lên tới 41,5 tỉ won trong quý 3 năm 2020.
“Bất kỳ ai cũng có thể trở thành livestreamer nhưng chỉ một số người có thể kiếm được nhiều tiền”, ông Joshua Ahn, giám đốc công ty giải trí Starfish Entertainment (Hàn Quốc), cho biết. Ông Ahn (44 tuổi) đang quản lý hàng chục livestreamer hàng đầu Hàn Quốc, đồng thời sản xuất các chương trình ca nhạc cho một số đài truyền hình lớn.
Ông Ahn cho biết thêm các livestreamer do ông quản lý kiếm được "gấp đôi, thậm chí gấp ba" trong đại dịch Covid-19, tức hàng chục ngàn USD/tháng.
Bình luận (0)