Lo âu quá mức gây chóng mặt, làm sao để xử lý?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
30/09/2022 09:04 GMT+7

Hầu hết chúng ta đều từng bị lo âu vào một thời điểm nào đó trong đời. Lo âu có thể kèm theo một số triệu chứng, trong đó có chóng mặt.

Lo âu là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Những cơn lo âu cấp tính xảy ra rất phổ biến và không kéo dài, chẳng hạn như lo âu trước khi thuyết trình tại công ty hay thi cử, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Lo âu quá mức có thể gây chóng mặt và các triệu chứng như đau dạ dày, mệt mỏi, chán ăn và nhức đầu

SHUTTERSTOCK

Trong khi đó, lo âu mạn tính lại kéo dài, dẫn đến các rối loạn lo âu. Các thống kê ở Mỹ cho thấy khoảng 40 triệu người nước này bị rối loạn lo âu. Dù là lo âu mạn tính hay cấp tính thì đều có thể gây đau dạ dày, mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu và cả chóng mặt.

Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) xem lo âu là phản ứng bình thường của con người. Đôi khi, lo âu là phản ứng hữu ích để con người ứng phó với khó khăn.

Dưới góc nhìn tiến hóa, lo âu là cách cơ thể cảnh báo chúng ta với các mối nguy hiểm xung quanh, từ đó gia tăng mức độ cảnh giác và giúp tăng khả năng sống sót trong môi trường tự nhiên. Nếu lo âu thông thường có ý nghĩa sinh tồn thì rối loạn lo âu lại ảnh hưởng lớn đến đời sống và cần được điều trị.

Người bị rối loạn lo âu sẽ trải qua trạng thái căng thẳng tâm lý kéo dài, lo sợ và cảm giác lo lắng thái quá về vấn đề nào đó trong cuộc sống. Rối loạn lo âu gồm ám sợ, rối loạn hoảng loạn và rối loạn lo âu lan tỏa.

Các nghiên cứu ở Mỹ ước tính khoảng 30% người trưởng thành nước này có rối loạn lo âu và trở thành một trong những vấn đề tâm lý được chẩn đoán nhiều nhất.

Phụ nữ dễ bị rối loạn lo âu hơn nam giới. Các triệu chứng của rối loạn lo âu rất đa dạng và khác nhau ở mỗi người, từ khó ngủ, sợ hãi, tim đập nhanh, buồn nôn đến chóng mặt. May mắn là các phương pháp điều trị lo âu có thể mang lại hiệu quả cao.

Với những người xuất hiện triệu chứng chóng mặt khi bị lo âu, cơn chóng mặt có thể xuất hiện nhiều lần và khiến họ rất căng thẳng. Để giảm chóng mặt, người bị lo âu có thể cần được tham vấn, trị liệu tâm lý, dùng thuốc, vật lý trị liệu hay áp dụng các phương pháp như chánh niệm, thiền định.

Chánh niệm và thiền định có thể làm dịu cảm giác căng thẳng, lo âu. Trong khi đó, áp dụng chế độ ăn lành mạnh, đủ chất sẽ giúp cơ thể ở trạng thái thể chất tốt. Tập luyện thể thao thường xuyên sẽ giúp tăng cường hoóc môn hạnh phúc endorphin và giảm hoóc môn gây căng thẳng, nhờ đó mà ngăn ngừa chóng mặt, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.