Lộ đề thi và chuyện du học sinh không về

08/08/2014 10:55 GMT+7

Thông tin về việc cuộc thi tuyển cán bộ, công chức vào làm việc tại Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương để lộ đề thi và một số thí sinh nghi là sử dụng nội dung đề thi đã bị lộ để trúng tuyến đang khiến dư luận băn khoăn.

>> Điều tra dấu hiệu làm lộ đề thi
>> Cơ quan an ninh điều tra vụ nghi vấn lộ đề thi tại TP.HCM
>> Tin đồn lộ đề thi tốt nghiệp
>> Việc lộ đề thi ở trường CĐ Nguyễn Tất Thành: SV vẫn chưa cung cấp được chứng cứ
>> Làm rõ chuyện "lộ đề thi" tại Ninh Thuận

Nhất là trong số thí sinh đó, có một số người là con em trong ngành công thương và có người còn là cháu của một vị là Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường thì nó càng khiến nhiều sinh viên ra trường, hàng trăm thí sinh khác đã dự cuộc thi tuyển này thất vọng về cách tổ chức thi cử ở một cơ quan nhà nước quan trọng như Bộ Công thương.

Đáng nói là những thông tin trên được cho là có cơ sở khi Cục An ninh Kinh tế tổng hợp, Bộ Công an vừa qua cũng đã kết luận về việc có vi phạm trong việc tổ chức thi tuyển công chức năm 2013 và căn cứ vào kết luận này, Cục Quản lý thị trường đã phải có thông báo đang xem xét kỷ luật ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng pháp chế và ông Nguyễn Đức Lê, Phó trưởng phòng pháp chế của cục này vì những hành vi vi phạm quy định về tổ chức thi tuyển. Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Người phát ngôn của Bộ Công thương cũng đã xác nhận những thông tin này là đúng.

Thế nhưng, với những sai phạm trên, theo các quy định của Luật Cán bộ công chức hiện hành, các cán bộ vi phạm này chỉ bị kỷ luật 2 tháng (cảnh cáo, khiển trách… tùy theo mức độ sai phạm) kể từ khi bị phát hiện có sai phạm hoặc nếu khẳng định có việc tuồn đề thi cho các thí sinh, cũng chỉ bị kỷ luật tối đa 24 tháng. Hiện cũng chưa có thông tin nào từ Bộ Công thương cho biết sẽ xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu hội đồng thi như ông Trương Quang Hoài Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển (nay ông Nam đã làm Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ).

Một vụ việc tương đối nghiêm trọng, đã được cơ quan chức năng xác định nhưng mức xử lý với những người vi phạm nhẹ như vậy và chưa xem xét hết trách nhiệm những người liên quan chắc chắn không đem lại niềm tin cho hàng triệu sinh viên khi ra trường là họ có thể tìm kiếm được việc làm thông qua việc thi cử, cạnh tranh bình đẳng với những người dự thi là con, em cán bộ lãnh đạo của các ngành, các cấp. Việc xử lý, kỷ luật “không đến nơi” như vậy, cũng khiến cho nhiều cán bộ, công chức trong bộ máy không coi trọng kỷ luật, kỷ cương, có thể kích thích các hành vi cố ý vi phạm vì lợi ích cá nhân.

Ở đây, có 2 vấn đề: một mặt, nếu quy định xử lý cán bộ, công chức với các hành vi ấy chưa đủ mức răn đe thì phải sửa lại Luật, Nghị định liên quan; một mặt, nếu có những quy định xử phạt có tính răn đe cao, đúng với tính chất vi phạm của các cán bộ trong Hội đồng thi tuyển thì phải áp dụng các quy định đấy. Hành vi vi phạm của các cán bộ trên hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức xử lý cao hơn vì nó có những dấu hiệu: lạm dụng quyền hạn trong thi hành công vụ hoặc cố ý làm trái quy định vì lợi ích riêng…

Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội mới đây, mỗi năm, có khoảng 162.000 người có trình độ đại học thất nghiệp. Trong số đó, có không ít sinh viên mới ra trường có trình độ, học giỏi nhưng chưa thể xin được việc làm. Việc thi tuyển không công bằng, được phản ánh ở không ít cơ quan nhà nước mà ở kỳ thi vừa qua của Cục Quản lý thị trường là một ví dụ có thể là một nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường đã không thể qua được các kỳ thi tuyển vào bộ máy nhà nước trong khi, có những người mua bán bằng cấp, năng lực không cao nhưng là “con ông, cháu cha” lại được tuyển dụng.

Phải chăng, đây là một trong những nguyên nhân khiến 12/13 em học sinh giành giải quán quân tại cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hàng năm, khi đi du học đã không về nước. Bởi vì, dù được học ở một môi trường giáo dục tốt, dù học giỏi nhưng khi về nước, không dễ gì xin được việc làm ở những nơi tổ chức thi cử theo kiểu cố ý để lộ đề cho “con, em…”, và như vậy sự lựa chọn ở lại làm việc tại nước ngoài của nhiều em là rất đáng được thông cảm.

Hà Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.