Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là bảo tàng đầu tiên ở Nam Kỳ. Theo đó, năm 1883, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) được thành lập và thường xuyên tự xuất tiền mua nhiều cổ vật, dự kiến thành lập một bảo tàng. Do sự vận động tích cực của hội nên ngày 28.11.1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Nam kỳ, sau đó đổi tên thành Blanchard de la Brosse, do ông Jean Bouchot làm giám thủ đầu tiên. Bảo tàng xây dựng theo kiến trúc Đông Dương, do kiến trúc sư Delaval thiết kế và Hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thi công trong vòng 2 năm và được khánh thành vào ngày 1.1.1929.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trước đây là bảo tàng đầu tiên ở Nam Kỳ
|
Những ngày đầu khánh thành, bảo tàng trưng bày bộ sưu tập của dược sĩ Victor T.Holbé, gồm: nhóm hiện vật bằng ngà (vật trang trí, con dấu), bằng đá quý, gốm, thủy tinh (bình phong, gậy như ý, lọ hít), nhóm tượng Phật của Nhật Bản,
Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan; bộ sưu tập Malleret với nhóm hiện vật trang sức của văn hóa Óc Eo: nhẫn và khuyên tai vàng, chuỗi hạt bằng đá quý, cùng hơn 5.000 tác phẩm chuyên khảo quý hiếm về Đông Dương và vùng Viễn Đông.
TS Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết thêm về lần mở kho online hấp dẫn này của bảo tàng, rằng: “Các cuộc triển lãm trực tuyến hoặc kỹ thuật số, tái tạo, mở rộng và bổ sung các bộ sưu tập hiện vật bảo tàng đang dần trở nên phổ biến, tiềm năng được cung cấp bởi kỹ thuật số chuyển tải nội dung phong phú, đa dạng, vừa tạo sự tương tác trực tiếp với người xem để bảo tàng ngày càng hoàn thiện hơn".
Hiện vật trong bộ sưu tập của Victor Thomas Holbé (1857-1927) - một dược sĩ phục vụ trong Hải quân Pháp, Phó chủ tịch Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ, là vô cùng có giá trị
|
Nhóm hiện vật bằng ngà (vật trang trí, con dấu), bằng đá quý, gốm, thủy tinh đa dạng
|
Bộ sưu tập hiện vật quý hiếm có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật
|
Bộ sưu tập của Victor Thomas Holbé gồm 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia...
|
Bộ sưu tập đầu tiên được Bảo tàng Lịch sử TP.HCM giới thiệu trong kho mở online là của nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nổi tiếng Victor Thomas Holbé (1857-1927). Ông là dược sĩ phục vụ trong Hải quân Pháp, từng làm Phó chủ tịch Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Sau khi Holbé mất, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) vận động tiền mua lại bộ sưu tập của ông với giá 45.000 đồng Đông Dương, gồm 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia…, cùng với những hiện vật sẵn có của hội chính là cơ sở để thành lập Bảo tàng Blanchard de la Brosse năm 1929 (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM ngày nay).
Ấn "khánh ninh chi ấn" (núm cầm hình tam sơn) - cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; Dấu triện chữ thọ, "Bính Thân niên tạo" - năm 1896; Dấu triện chữ thọ, "Đinh Tỵ niên tạo" - năm 1857
|
Ống cắm, "Minh Mạng niên tạo" (1820-1840)
|
Tượng Phật Dược sư - thế kỷ 19 có xuất xứ Tây Tạng niên đại thế kỷ 19
|
Đặc biệt, ngày 1.1.1929 khi Bảo tàng Blanchard de la Brosse khánh thành đầu tiên ở Nam Kỳ thì bộ sưu tập Holbé được chọn trưng bày ngay đại sảnh phục vụ khách tham quan, một số hiện vật khác còn được trưng bày ở Pháp tại nhiều địa điểm nổi tiếng như Paris, tháp Eiffel, Buffalo Bill. Bộ sưu tập hiện vật này rất quý hiếm, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và gắn liền với sự phát triển của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nên cũng sẽ được chọn mở kho online đầu tiên.
Bộ sưu tập được giới thiệu tới công chúng bao gồm: Nhóm hiện vật chất liệu ngà, xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản; Ấn "khánh ninh chi ấn" (núm cầm hình tam sơn) - cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; Dấu triện chữ thọ, "Bính Thân niên tạo" - năm 1896; Dấu triện chữ thọ, "Đinh Tỵ niên tạo" - năm 1857; Ống cắm, "Minh Mạng niên tạo" (1820-1840). Nhóm hiện vật chất liệu đá ngọc Trung Quốc thế kỷ 18 -19: Vật trang trí hình đĩa (chạm rồng và nhũ đinh); Chén (chạm lộng cành hoa), chén (chạm rồng và nhũ đinh), chén (hình lá sen).
Khám thờ Hộ pháp - thế kỷ 19
|
Hũ vẽ màu - cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (gốm men nhiều màu).
|
Đĩa (gốm men xanh ngọc - thế kỷ 12-13), bình vôi (gốm men nhiều màu- thế kỷ 19), bát (gốm men xanh ngọc - thế kỷ 12-13)
Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
|
Nhóm tượng thờ: Tượng Thích Ca - thế kỷ 19, tượng Maha Kaccayana (Tán-đà Ca-chiên-diên) - thế kỷ 19 (đồng phủ sơn, phong cách
nghệ thuật Phật giáo Thái -Miến Điện), tượng Phật Dược sư - thế kỷ 19 (đồng phủ sơn, xuất xứ Tây Tạng); khám thờ Hộ pháp - thế kỷ 19, khám thờ Long vương - thế kỷ 19 (gỗ phủ sơn, xuất xứ Nhật Bản). Nhóm hiện vật chất liệu gốm, xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc: đĩa (gốm men xanh ngọc - thế kỷ 12-13), bình vôi (gốm men nhiều màu - thế kỷ 19), bát (gốm men xanh ngọc - thế kỷ 12-13), hũ vẽ màu - cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (gốm men nhiều màu)...
Tất cả hiện vật quý trên được giới thiệu tại địa chỉ www.baotanglichsutphcm.com.vn của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - bảo tàng đầu tiên ở đất Nam Kỳ xưa.
Bình luận (0)