Từ tiệm tạp hóa, hàng rong, đến chợ dân sinh, hay mạng xã hội, ở đâu cũng bắt gặp thực phẩm “nhà làm”. Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hạn chế đi lại khiến nhiều người sắm tết qua mạng.
Ngược lại, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chỉ cần thao tác đơn giản, một người người bán tạp hóa, tiểu thương ở chợ hay nhân viên văn phòng đều có thể lập tài khoản trên Facebook, Zalo… bán hàng “handmade”, từ rau củ quả, thịt cá, hoa quả, bánh kẹo, đến đặc sản các vùng miền…
Thế nhưng, điều đáng nói là việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm “nhà làm” đang bị bỏ ngỏ, nhất là với các sản phẩm đang được chào bán trên “chợ mạng” với những lời quảng cáo “hàng sạch”, thực phẩm hữu cơ của nhà làm hoặc ở quê gửi lên...
Trên thực tế, hầu hết những sản phẩm này được sản xuất mang tính nhỏ lẻ, không được kiểm tra chất lượng và được người bán cam kết bằng miệng, chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay chứng nhận an toàn thực phẩm. Còn người mua hàng dựa trên niềm tin, khi đến tay, hàng thường trong tình trạng “3 không”: không nhãn mác, không hạn sử dụng, không địa chỉ.
Việc quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến mang tính thời vụ, mua bán thực phẩm “nhà làm” đang bị buông lỏng. Đây là nguyên nhân khiến thực phẩm bán tràn lan, khó kiểm soát, không bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, làm lung lay niềm tin của khách hàng. Đã có không ít người là nạn nhân mua phải thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Nhưng thay vì trình báo, phản ánh với cơ quan chức năng, người tiêu dùng lại chọn cách im lặng hoặc tìm mối khác.
Theo khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), người dân khi mua hàng trực tiếp nên tìm hiểu các cơ sở kinh doanh uy tín, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Còn trên mạng xã hội, hãy lựa chọn những tài khoản có lịch sử bán hàng lâu dài, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công thương.
Tuy nhiên, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng nếu chỉ đưa ra khuyến cáo thôi thì chưa đủ, việc mua bán thực phẩm “nhà làm”, nhất là thực phẩm online do sản xuất nhỏ lẻ, không có địa chỉ rõ ràng nên hiện mới chỉ quản lý được 20%. Trong khi luật pháp chưa quy định quản lý chặt chẽ, cơ quan chức năng phải chủ động hơn nữa trong bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc mua bán thực phẩm online, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần.
Vì thế, về lâu dài, cơ quan chức năng cần có hành lang pháp lý, với các quy định cụ thể đã kinh doanh mặt hàng thực phẩm bắt buộc phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, công khai giấy phép kinh doanh, có địa chỉ hóa đơn chứng từ đầy đủ. Từ đó, có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, tẩy chay thực phẩm không rõ nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai.
Bình luận (0)