Thất thu thuế từ nhà hàng, khách sạn
Chị Thụy Vy (Q.7, TP.HCM) sau khi đi ăn ở một nhà hàng chay trên địa bàn Q.3 thấy đắt hơn nên xem kỹ lại phiếu tính tiền thì thấy bị tính thêm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 8% và phí phục vụ 5%. Với những món ăn khoảng 1 triệu đồng thì phần thuế và phí trả thêm lên hơn 100.000 đồng. Chị Vy thắc mắc, không lấy hóa đơn tại sao phát sinh thêm thuế thì nhận được phản hồi là khách hàng có lấy hay không lấy hóa đơn thì nhà hàng vẫn tính thuế GTGT. Dù vậy, chị cũng không lấy hóa đơn vì "cũng không biết để làm gì". Rất nhiều người như chị Vy, bị tính thuế GTGT dù không lấy hóa đơn và đây chính là lỗ hổng gây thất thoát thuế lâu nay.
Chưa hết, để giấu doanh thu, một số điểm nhà hàng, khách sạn yêu cầu người tiêu dùng (NTD) chuyển khoản thanh toán vào tài khoản cá nhân thay vì công ty. Chị Mai Phương (Q.7, TP.HCM) kể, đầu tháng 11 đi chơi cùng đồng nghiệp ra Hà Nội 2 đêm, cả đoàn thuê 4 phòng ngủ khách sạn ở trung tâm thành phố với giá 6,9 triệu đồng. Nếu quẹt thẻ tín dụng thì khách sạn tính thêm phí thẻ gần 2%, chị Mai Phương đề nghị chuyển khoản. Lúc này, nhân viên khách sạn cung cấp thông tin tài khoản của một cá nhân. "Tất nhiên, tôi cũng không lấy hóa đơn vì mình bỏ tiền túi đi chứ có ai thanh toán cho đâu mà lấy", chị Mai Phương nói.
Tương tự, chị Thanh Vân (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết thường khi đi ăn uống, ở khách sạn nếu không được công ty thanh toán chi phí tiếp khách thì chị gần như không lấy hóa đơn. "Lấy để tham gia chương trình Hóa đơn may mắn thì khả năng cao là không trúng giải. Trường hợp quy định cho phép cá nhân được phép trừ đi chi phí trước khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì kiểu gì tôi cũng phải lấy cho được hóa đơn", chị Vân cười.
Vài năm trở lại đây, cơ quan thuế đã triển khai các biện pháp chống thất thu thuế đối với nhà hàng, khách sạn… Chẳng hạn chương trình Hóa đơn may mắn được cơ quan thuế các tỉnh thành trên cả nước triển khai hằng quý nhằm khuyến khích người dân lấy hóa đơn, và cũng nhằm thực hiện nghiêm việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, tránh thất thoát nguồn thu.
Cần triển khai thêm các giải pháp
Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú nhận xét, kinh doanh quán ăn, nhà hàng, khách sạn… dù có mạng lưới lớn trên các tỉnh thành, có những nơi đông khách nhưng số thu thuế thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng ngân sách. Ngoài các doanh nghiệp (DN), còn có hộ kinh doanh tham gia vào những lĩnh vực này. Đặc điểm của hộ kinh doanh là khoán thuế nên việc kê khai doanh thu thấp hơn để có thể bù đắp những khoản đầu vào không có hóa đơn. Thêm vào đó, thương mại điện tử đang phát triển mạnh, DN hay hộ kinh doanh chỉ cần một địa điểm nhỏ mở cửa hàng, còn lại có thể kinh doanh online nên việc nắm bắt doanh thu tính thuế là khó. Chính vì vậy, theo ông Tú, chương trình Hóa đơn may mắn, hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền chỉ mang tính chất khuyến khích. Đa số người đi ăn nhà hàng, ở khách sạn không lấy hóa đơn nên thất thu từ mảng này vẫn lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, để DN, hộ kinh doanh kê khai đầy đủ, cơ quan thuế cần tính đến điểm yếu của những nhà hàng, khách sạn… là nhiều khoản chi phí không hợp thức hóa được các chi phí đầu vào, ví dụ mua những nguyên vật liệu chỉ có ở chợ, ở hộ bán hàng không có hóa đơn. Vì vậy, phải làm sao có giải pháp cho họ hợp thức hóa được những chi phí này. Thêm vào đó, cần có quy định công khai giá niêm yết sản phẩm, dịch vụ của các điểm kinh doanh có thuế hay chưa thuế, tránh hiện tượng khi NTD yêu cầu lấy hóa đơn thì đơn vị kinh doanh tính thêm thuế GTGT trên giá bán. Việc công khai giá cũng nhằm tránh hiện tượng chặt chém, đưa giá lên cao không quản lý được.
"Hiện giá hàng hóa, dịch vụ cứ tù mù thì làm sao chống được thất thu thuế. Đối với việc không công khai giá niêm yết, cần có mức xử phạt hành chính nặng. Đồng thời, cơ quan thuế công khai số điện thoại ở những cửa hàng ăn uống, khách sạn… với vị trí dễ nhìn nhất để tránh trường hợp NTD yêu cầu xuất hóa đơn mà đơn vị đó viện lý do chưa xuất ngay được, hẹn xuất hóa đơn sau rồi không gửi", ông Tú kiến nghị.
Tuy nhiên, ông Tú cho rằng những giải pháp trên là gián tiếp, nên cần áp dụng giải pháp trực tiếp, đó là cho phép NTD đưa các chi phí vào trước khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN. Khi cho phép người nộp thuế được trừ đi một khoản nhất định chi tiêu cho cuộc sống thì họ sẽ yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp hóa đơn. Đây là giải pháp hiệu quả, chống thất thu thuế đối với các hoạt động bán lẻ. "Các giải pháp cần kết hợp một cách đồng bộ thì tôi tin rằng đơn vị kinh doanh không thể nào giấu được doanh thu", ông Tú cho biết.
Cùng quan điểm, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: Những giải pháp khuyến khích lấy hóa đơn hiện nay còn một số hạn chế như một quý mới triển khai quay thưởng 1 lần tìm hơn chục giải trong hàng chục, hàng trăm triệu hóa đơn phát hành thì sẽ làm nản NTD không trúng giải, sau này họ sẽ không lấy hóa đơn. Hơn nữa, đơn vị áp dụng hóa đơn, tính thuế GTGT trên giá sẽ có giá cao hơn những nơi không xuất hóa đơn, giá sản phẩm, dịch vụ thấp hơn.
Điều này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì vậy về lâu dài, khi sửa đổi luật thuế TNCN cần cho phép người nộp thuế được khấu trừ chi phí. Lúc này NTD sẽ chịu khó lấy hóa đơn hơn. Tuy nhiên, giải pháp có thể triển khai ngay là cơ quan thuế dành một phần ngân sách triển khai chương trình thu thập hóa đơn đổi phiếu mua hàng. Ví dụ, NTD lấy hóa đơn có trị giá khoảng 3 triệu đồng, có thể đổi được bao nhiêu phiếu mua xăng.
"Giải pháp này ngân sách sẽ không mất vì cơ quan thuế sẽ thu được thuế GTGT từ những hóa đơn này. Chỉ cần triển khai giải pháp này vài năm, doanh thu của các đơn vị kinh doanh sẽ bộc lộ hết. Ngân sách sẽ thu nhiều hơn, môi trường kinh doanh sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, cũng như không phát sinh tiêu cực khi triển khai các biện pháp khoán thuế", ông Trần Xoa cho hay.
Tính từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.10.2023, ngành thuế đã tổ chức trao 2.888 giải thưởng với tổng số tiền là 7,7 tỉ đồng. Số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,6 tỉ hóa đơn, trong đó có hơn 1,62 tỉ hóa đơn có mã và hơn 3,98 tỉ hóa đơn không mã. Đối với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến cuối tháng 10.2023, có 35.565 DN, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hơn 51,6 triệu hóa đơn.
Bình luận (0)