Lỗ hổng thuế bán hàng qua mạng

20/02/2023 06:35 GMT+7

Thời gian qua, cơ quan thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường thu thuế các tổ chức, cá nhân kinh doanh online hay có thu nhập từ mạng xã hội. Thế nhưng kết quả vẫn còn khá thấp so với thực tế.

THU NHẬP KHỦNG NHƯNG NỘP THUẾ BAO NHIÊU?

Không kể các kênh YouTube của nhiều công ty giải trí ở VN đang dẫn đầu về lượng người xem thì một số kênh cá nhân thời gian qua cũng khá "hot". Ví dụ, kênh NTN sau khi cán mốc 10 triệu lượt đăng ký vào đầu tháng 8.2021 đã trở thành cá nhân đầu tiên ở VN đạt nút Kim cương. Chủ nhân của kênh là Nguyễn Thành Nam (Thái Bình) còn có đến 3 kênh YouTube chính thức khác gồm Mr Nam Vlogs, Mr Nam Gaming và NTN Vlogs. Thống kê của trang Social Blade cho thấy, hiện kênh này có 10,2 triệu người theo dõi và thu nhập hằng năm trung bình ước tính trong khoảng từ 153.000 - 1,7 triệu USD, tương đương 3,7 - 40 tỉ đồng.

Lỗ hổng thuế bán hàng qua mạng  - Ảnh 1.

Thu thuế từ hoạt động bán hàng online và từ các YouTuber vẫn thấp so với thực tế

NHẬT THỊNH

Một kênh YouTube khác cũng có lượng fan "khủng" là Cris Devil Gamer với 10,6 triệu lượt đăng ký theo dõi và cũng đạt được nút Kim cương từ tháng 10.2021. Theo một ước tính trước đây cũng của Social Blade, mỗi năm doanh thu của người sở hữu kênh này là Phan Lê Vy Thanh từ 162.400 - 2,6 triệu USD, tương đương 3,9 - 62,4 tỉ đồng. Tương tự, kênh Thơ Nguyễn (tên thật Nguyễn Hồng Thơ), một cái tên quen thuộc trong làng YouTuber nhiều năm qua, hiện có 9,55 triệu người theo dõi. Ước tính, số tiền kênh này thu về mỗi năm từ 159.700 - 2,6 triệu USD, tương đương 3,8 - 62 tỉ đồng…

Đối với các tài khoản YouTube VN, ước tính số tiền nhận được mà trang Social Blade ghi nhận trong khoảng từ 0,25 - 4 USD cho mỗi CPM (tương đương 1.000 lượt xem). Tuy nhiên, số tiền các YouTuber nhận về không chỉ từ những quảng cáo trong các video họ đưa lên mà cả những quảng cáo ngay tại VN khi đã có được sự nổi tiếng và lượng người xem đông đảo.

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua khi dịch Covid-19 diễn ra, hoạt động bán hàng online phát triển mạnh hơn. Các cá nhân, shop online thường xuyên thực hiện livestream bán hàng, trở thành nghề kinh doanh hái ra tiền của nhiều người bình thường cũng như các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Thế nhưng sẽ không ai biết được số thu thuế của họ là bao nhiêu. Thực tế, chỉ thỉnh thoảng mới thấy công bố sau khi kiểm tra phát hiện một vài vụ. Đặc biệt, cơ quan quản lý thị trường nhiều tỉnh thành liên tục phát hiện các kho chứa hàng lớn có dấu hiệu hàng lậu, hàng giả mà cá nhân đó chủ yếu bán hàng online với doanh thu hơn nhiều lần các cửa hàng bán trực tiếp.

SỐ THUẾ THU ĐƯỢC QUÁ THẤP?

Quy định hiện nay, thuế suất thuế kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) với cá nhân, hộ kinh doanh dao động từ 1,5 - 10%. Nếu thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu 100 triệu đồng một năm trở lên thì phải nộp thuế. Ví dụ, người bán hàng online sẽ nộp thuế 1,5%/doanh thu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân). Riêng những người có thu nhập từ các trang mạng như Facebook, Google, YouTube... sẽ nộp mức thuế là 7% trên thu nhập (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân). Như vậy, giả sử thu nhập lên đến 40 tỉ đồng/năm thì số thuế phải nộp cho nhà nước khoảng 2,8 tỉ đồng.

Theo dữ liệu khai thác được từ Cổng thông tin TMĐT tại thời điểm quý 4/2022, có 14.875 tổ chức trong nước đăng ký bán hàng trên sàn; 53.208 cá nhân trong nước và 8 tổ chức nước ngoài cùng 4 cá nhân nước ngoài đăng ký bán hàng trên sàn. Số lượt giao dịch hơn 14,5 triệu với tổng giá trị giao dịch khoảng 4.500 tỉ đồng. Số thuế thu từ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số từ năm 2018 đến hết 2022 trong nước là 1.151 tỉ đồng. Con số này tăng dần và tăng nhanh qua các năm. Nếu năm 2021 thu thuế mới đạt 261 tỉ đồng, thì năm 2022 con số này đã tăng lên hơn 600 tỉ đồng.

Thế nhưng theo Bộ Công thương, năm 2022 quy mô thị trường TMĐT bán lẻ trong nước ước đạt 16,4 tỉ USD, tương đương 393.000 tỉ đồng, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, VN được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Với doanh số trên, ước tính số thuế TMĐT bán lẻ trong nước lên hơn 5.800 tỉ đồng/năm. Như vậy, con số thu thuế từ các tổ chức và cá nhân trong nước năm 2022 hơn 600 tỉ đồng chỉ là "muối bỏ biển".

Thực tế khá nhiều người thu nhập "khủng" từ các mạng xã hội nhưng "quên" đóng thuế. Đã có không ít cá nhân bị cơ quan thuế phát hiện và truy thu sau nhiều năm. 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 38 người có thu nhập từ Google với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp lên đến 169 tỉ đồng. Trong đó, một người có thu nhập "khủng" từ Google nhưng "quên" nộp thuế đã bị Chi cục Thuế khu vực Q.7 - Nhà Bè truy thu và phạt 31 tỉ đồng…

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), thừa nhận: Trong số hơn 53.000 người kinh doanh trên sàn TMĐT cũng có những người livestream đăng ký hoặc không đăng ký kinh doanh. Theo phân tích, nhóm 1 là doanh thu từ bán hàng, livestream chưa đến 100 triệu đồng/năm nên chưa phải nộp thuế. Nhóm thứ 2, không biết cách để đăng ký, kê khai, nộp thuế. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan thuế đã có kênh tuyên truyền, hỗ trợ người kinh doanh kê khai, nộp thuế triển khai thực hiện. Nhóm thứ 3 còn lại là cố tình không kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế có dữ liệu để cảnh báo rủi ro, chế tài và xử phạt nhóm này. Ví dụ, đối với hình thức livestream, cơ quan thuế có công cụ đếm lượt xem, dự đoán khả năng bán hàng và sau đó phối hợp với các cơ quan ban ngành thực hiện điều tra doanh thu.

"Do tính chất khó như vậy nên để thu được thuế những người bán hàng trên mạng, cần phải phối hợp với những cơ quan ban ngành khác mới đạt được hiệu quả. Các cá nhân kinh doanh hiện nay đã tuân thủ tốt các quy định về thuế. Lĩnh vực TMĐT còn nhiều tiềm năng khai thác, do TMĐT ngày càng phát triển nên số thu sẽ ngày càng tăng", bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.

Theo Tổng cục Thuế, hiện đã có 45 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và tổng số thuế thu được đến cuối năm 2022 là 3.444 tỉ đồng (sau 8 tháng đưa cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đi vào hoạt động). Các tập đoàn nước ngoài đóng thuế nhiều nhất là Meta (chủ sở hữu Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix và Apple. Đây cũng là những đơn vị đã chiếm khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại VN.

Báo cáo Vietnam Digital Marketing Report 2022 ước tính doanh thu quảng cáo trực tuyến của VN năm 2022 đạt hơn 1,37 tỉ USD, tăng trưởng 19% so với năm 2021. Như vậy, số thuế thu được từ các "gã khổng lồ" nói trên vẫn còn khá khiêm tốn so doanh thu tại VN. Năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn thừa nhận thực tế chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn TMĐT và kinh doanh công nghệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.