Hàng triệu người dân xứ Catalonia ở Tây Ban Nha đang theo dõi diễn biến cuộc trưng cầu ở Scotland với sự quan tâm đặc biệt.
|
Anh Lluis Ballus biết rất rõ rằng Berga, một thị trấn nhỏ nằm dưới chân rặng Pyrenee ở xứ Catalonia vẫn là một phần của Tây Ban Nha. Chỉ có điều, cả anh và đại đa số 17.000 người sống ở đó không có cảm giác như thế. Đối với họ, Madrid cũng xa lạ như Paris hoặc London. Khi rời Catalonia để đi đến những khu vực khác trong nước, họ cảm thấy như đi đến một quốc gia khác. “Chúng tôi thường nói với nhau: Ngày mai, tôi phải đi Tây Ban Nha”, Ballus chia sẻ với tờ Finacial Times.
Tại Berga, rất khó tìm thấy biểu tượng chủ quyền Tây Ban Nha. Thậm chí, tòa thị chính không treo quốc kỳ. Thay vào đó, hội đồng thị trấn đã bỏ phiếu để treo Estelada, lá cờ của phong trào độc lập Catalonia. Lá cờ này xuất hiện khắp mọi nơi, ngoại trừ nhà thờ và đồn cảnh sát. Giống nhiều người bạn của mình, Ballus tin rằng Catalonia sắp tiến tới một cột mốc lịch sử - ly khai khỏi Tây Ban Nha. Được truyền cảm hứng bởi những gì xảy ra ở Scotland, chính quyền Catalonia đã lên kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu riêng vào ngày 9.11 tới.
Nằm ở đông bắc Tây Ban Nha, Catalonia hiện được quản lý bởi liên minh cầm quyền CiU, nhóm đảng từ lâu đã vận động đòi thêm quyền tự chủ cho xứ này. Phong trào đòi độc lập bắt đầu chuyển mình kể từ cuộc biểu tình của 1,5 triệu người Catalonia vào ngày 11.9.2012 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ở Tây Ban Nha, vốn đổ thêm dầu vào lửa cho suy nghĩ phổ biến của người dân Catalonia rằng những gì họ nhận được không tương xứng với đóng góp cho kinh tế quốc gia. Ngày 11.9 vừa qua, gần 2 triệu người ở đây đã xuống đường đòi ly khai ở Barcelona. Sở dĩ các ngày 11.9 luôn chứng kiến đợt biểu dương lớn của người Catalonia bởi ngày này được xem là “quốc khánh” của Catalonia, với tên gọi là Diada. Trái với thông lệ, Diada đánh dấu ngày Barcelona thất thủ trong cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha vào năm 1714.
Viễn cảnh đáng sợ
Trong 2 năm qua, chính quyền Catalonia đã liên tục kiến nghị chính phủ trung ương cho phép trưng cầu dân ý về độc lập nhưng luôn bị Madrid từ chối. Dễ thấy tại sao viễn cảnh Catalonia ly khai lại khiến Madrid lo sợ đến thế. Catalonia chiếm 16% dân số Tây Ban Nha và đóng góp gần 1/5 cho nền kinh tế. Nếu vùng này tách ra, Tây Ban Nha sẽ mất đi đầu tàu kinh tế và nguồn thuế quan trọng - Catalonia là nơi có nhiều tập đoàn lớn và viện nghiên cứu tốt nhất nước. Thủ phủ Barcelona là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, thu hút gần gấp đôi lượng du khách so với thủ đô Madrid. Thậm chí, một phần đáng kể các tuyển thủ bóng đá từng giành chức vô địch World Cup 2010 là người Catalonia.
Đóng góp về con người và kinh tế của Scotland cho Vương quốc Anh thấp hơn nhiều so với Catalonia đối với Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khác biệt quan trọng nhất là ngay cả khi người Scotland nói “có” với việc độc lập, thì cũng có ít nguy cơ Xứ Wales và Bắc Ireland tiếp bước. Trái lại, ở Tây Ban Nha, cuộc trưng cầu ở Catalonia đã châm ngòi cho những lời kêu gọi tương tự ở xứ Basque, ngòi nổ ly khai truyền thống ở nước này. Hơn thế nữa, một số người chủ trương ly khai thậm chí tuyên bố tham vọng cuối cùng của họ là thành lập xứ Catalonia rộng lớn như vào thời Trung cổ, bằng cách lôi kéo thêm quần đảo Baleares và xứ Valencia.
Nỗi lo sợ về hiệu ứng domino này được Madrid nhìn nhận một cách nghiêm túc. “Vương quốc Anh vẫn là Vương quốc Anh nếu không có Scotland. Tây Ban Nha không có Catalonia là một trường hợp hoàn toàn khác”, Lluis Bassets, nhà bình luận của tờ El Pais viết.
Điều này giải thích cho sự phản đối kịch liệt của Madrid ngay cả khi ý tưởng trưng cầu dân ý của Catalonia chỉ mới manh nha. Với một đất nước từng phải nhượng nhiều phần lãnh thổ trong nhiều thế kỷ, việc mất thêm Catalonia là điều ngoài sức tưởng tượng, theo tờ Financial Times. Nỗi lo lắng sâu thẳm nhất của các nhà hoạch định chính sách ở Madrid được gói gọn trong lời cảnh báo thẳng thừng của Bộ trưởng Tư pháp Alberto Ruiz-Gallardon: sự độc lập của Catalonia sẽ đặt dấu chấm hết cho Tây Ban Nha. Do vậy, nếu cuộc trưng cầu ở Catalonia diễn ra với đa số nói “có”, kết quả này sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Tây Ban Nha mà so với nó, mọi cuộc tranh cãi giữa London và Edinburgh chỉ là chuyện vặt vãnh.
Sơn Duân
>> Catalonia hướng đến ly khai Tây Ban Nha
>> Lá phiếu lịch sử của cử tri Catalonia
>> Thủ tướng Tây Ban Nha: "Catalonia đòi ly khai là vô lý
>> Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha
Bình luận (0)