(TNO) Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ 1,1% vào sáng nay 13.8, đang dấy lên lo ngại Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn về tỷ giá, kéo theo mức nhập siêu gia tăng, hàng Trung Quốc tràn ngập nội địa và nhiều ngành hàng xuất khẩu rơi vào khó khăn.
Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ - Ảnh: AFP
|
Nông, lâm, thủy sản gặp khó
Như vậy, sau 3 đợt phá giá chỉ trong vòng 3 ngày, đồng nhân tệ đã giảm 4,6% so với USD. Tiến sĩ Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc không chỉ hỗ trợ xuất khẩu sau khi kim ngạch xuất khẩu của nước này đã giảm 8% trong các tháng đầu năm 2015. Quan trọng hơn, Trung Quốc đang muốn điều hành tỷ giá linh hoạt hơn theo thị trường để đồng nhân dân tệ trở thành một đồng tiền tự do chuyển đổi. Bởi quốc gia này đang cùng với Quỹ tiền tệ IMF đàm phán việc đồng nhân dân tệ có thể tham gia vào quyền rút vốn đặc biệt và là một trong những ngoại tệ cùng đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh, đồng Euro, đồng Yên Nhật trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.
Theo ông Phước, Việt Nam cần xem lại một cách kỹ lưỡng, xác lập một tỷ giá như thế nào để cho tình trạng nhập siêu của Trung Quốc không lớn hơn nữa.
Đồng quan điểm trên, theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ sụt giảm (kể cả khi Việt Nam đã tăng biên độ tỷ giá từ +-1% lên +-2%, do mức tăng thấp hơn). Cụ thể, hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Trung Quốc giảm mạnh.
Báo cáo phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) vừa công bố sáng nay cũng nhận định nhiều nhóm ngành của Việt Nam sẽ gặp bất lợi gồm: sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhập siêu sẽ gia tăng
Theo MBS, một số ngành gia công xuất khẩu có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giầy hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải. Còn theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lại được lợi. Đặc biệt, nguyên, nhiêu liệu và công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc.
Ông Nghĩa lo ngại, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục phá giá sẽ khiến thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng lên. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận: “Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới vài chục tỉ USD trong các năm qua là vấn đề vô cùng đáng lo ngại. Các đợt điều chỉnh này chắc chắn sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam và nguy cơ lấn át hàng nội, thâu tóm thị trường nội địa rất hiện hữu”.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực (hàm Phó tổng giám đốc BDVI) cho rằng, động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua tạo sự cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam không những với Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Lực do lệ thuộc thương mại quá nhiều với Trung Quốc, nên xuất khẩu Việt Nam bị tổn thương khi quốc gia này phá giá mạnh đồng nhân dân tệ; còn nhập siêu sẽ gia tăng do giá hàng hóa từ Trung Quốc giảm xuống.
Bình luận (0)