Ăn mặc kín đáo để tự bảo vệ bản thân
“Khi còn là sinh viên năm nhất, lần đầu tiên đi xe khách từ tỉnh Bình Thuận vào TP.HCM, mình rất sợ bị quấy rối vì là con gái nên nhiều lúc không dám ngủ. Lần nào đi xe khách mình cũng mặc quần dài, áo khoác, trùm kín mền từ chân đến cổ, rồi đeo khẩu trang. Mình không bao giờ mặc quần đùi hay váy ngắn. Đó là những cách để mình tự bảo vệ bản thân”, Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ.
Bên cạnh việc mặc quần áo kín đáo, lịch sự thì Cúc cho biết thêm thường sẽ hẹn bạn đi cùng 1 chuyến xe. “Ở quê mình có nhiều bạn bè cũng học tại TP.HCM nên hẹn đi chung. Đi cùng người quen vẫn hơn, vừa đỡ buồn, nếu gặp chuyện gì cũng có thể giúp đỡ nhau”, Cúc nói.
Cũng lo sợ việc bị quấy rối, sàm sỡ khi đi xe khách đường dài, Nguyễn Thị Thu Tiên (22 tuổi), ở trọ trên đường Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3 (TP.HCM), chia sẻ: “Từ chỗ mình đi xe khách vào TP.HCM là khoảng 16 - 17 tiếng đồng hồ, rất lâu. Cho nên thỉnh thoảng lướt mạng xã hội thấy thông tin hành khách nữ bị sàm sỡ trên xe khách là mình lại sợ. Nhất là khi xem các đoạn clip được ghi lại”.
Để tự bảo vệ bản thân, cô nàng gen Z chọn ăn mặc kín đáo mỗi khi đi xe khách đường dài. “Mặc quần áo kín đáo nhưng vẫn thoải mái, bản thân mình cũng thấy an tâm hơn, không sợ ai dòm ngó. Hơn nữa, khi đặt mua vé xe mình sẽ ưu tiên nằm ở tầng trên vì bình thường phụ xe họ nằm ngủ dưới sàn. Những trường hợp bị quấy rối, sàm sỡ mình thấy đa số đều xảy ra đối với những hành khách nữ khi nằm tầng dưới. Vì hay lo xa nên mình chọn giường ở tầng trên cho chắc”, Tiên chia sẻ.
Nếu không may trở thành nạn nhân khi bị quấy rối hay sàm sỡ thì nên xử lý như thế nào? Cúc cho hay: “Tất nhiên là sẽ phản kháng lại ngay và la lên, nếu không làm gì thì họ sẽ càng lấn tới”.
Hành vi quấy rối, sàm sỡ người khác bị xử phạt như thế nào?
Vậy hành vi quấy rối, sàm sỡ người khác được pháp luật quy định như thế nào? Luật sư Nguyễn Trung Tín, thành viên chi nhánh Công ty luật TNHH Đặng và Cộng sự, cho biết quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật bảo vệ.
“Căn cứ khoản 1, Điều 20, Hiến pháp 2013 quy định như sau: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Và tại khoản 1, Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”, luật sư Tín thông tin.
Vì vậy, ông Tín cho biết hành vi quấy rối, sàm sỡ chính là việc cá nhân vi phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể, danh dự và nhân phẩm của người khác. Được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
“Căn cứ điểm đ, khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, người có hành vi sàm sỡ, quấy rối người khác sẽ có thể bị xử lý hành chính với mức phạt từ 5 - 8 triệu đồng. Đồng thời, phải buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 14, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trừ trường hợp nạn nhân không có đơn yêu cầu. Trong trường hợp nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác thì có thể truy cứu người có hành vi sàm sỡ người khác với tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, luật sư Tín cho biết.
Bình luận (0)