Lo sợ nhầm lẫn đề thi

15/07/2012 04:00 GMT+7

Do đợt thi này có nhiều khối thi nên mối lo ngại của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các trường và cả thí sinh (TS) là chuyện lẫn lộn các môn thi.

* Đón đọc bài giải gợi ý các môn toán, vật lý, ngữ văn, lịch sử và sinh học trên số báo in ngày 16.7

Thi khối A, ghi khối A1

Trong ngày làm thủ tục dự thi CĐ, phần lớn những sai sót cần chỉnh sửa đều rơi vào trường hợp nhầm lẫn khối A và A1.

Trường CĐ Tài chính hải quan chỉ thi khối A, nhưng nhiều TS đã nhầm lẫn ghi trong hồ sơ là khối A1. Tiến sĩ Lê Trung Đạo - Trưởng phòng Đào tạo thông tin: “Những trường hợp nhầm lẫn khối thi A và A1, trường đã tự động chuyển sang khối A. Trong đó có một em có nguyện vọng chuyển lại sang khối D1 và trường cũng đã giải quyết”. Tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex cũng có một TS phải chỉnh sửa khối thi từ A1 sang A.

Tiến sĩ Lê Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, cũng cho biết có nhiều trường hợp đăng ký thi khối A nhưng trong dữ liệu lại ghi A1. Một TS từ tỉnh Cao Bằng khi đến trường làm thủ tục dự thi lại không có tên trong danh sách. Sau khi liên hệ với Sở GD-ĐT thì được biết Sở này chưa chuyển hồ sơ của TS. Tuy nhiên, đại diện Sở đã gửi thư cung cấp lại toàn bộ thông tin nên trường cũng đã giải quyết làm thủ tục cho TS này được dự thi. Thạc sĩ Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, thông tin: có 38 trường hợp sai sót trên giấy báo dự thi phải chỉnh sửa, trong đó lỗi sai mã ngành là phổ biến nhất.

 Sinh viên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng sáng ngày 14.7 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sinh viên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng sáng ngày 14.7 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phải kiểm tra kỹ môn thi theo lịch

Sáng 14.7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga và đoàn kiểm tra của Bộ đã đi kiểm tra công tác thi tại Trường CĐ Sư phạm Hà Nội và CĐ Cộng đồng Hà Nội.

Trao đổi tại các hội đồng thi, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: “Đây là đợt thi được đánh giá là phức tạp với nhiều khối thi vì vậy không được chủ quan trong khâu tổ chức. Bộ yêu cầu các trường cần thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không được để nhầm lẫn và sai sót trong tất cả các khâu: in sao, quản lý, phân phối và sử dụng đề thi. Các trường phải kiểm tra kỹ môn thi theo lịch thi, đồng thời hướng dẫn cán bộ coi thi thực hiện đúng quy trình, mở túi đề thi theo hướng dẫn trên túi đựng bài thi xem tên môn thi, khối thi trên túi đựng đề thi có trùng với tên môn thi, khối thi của buổi thi hay không”.

Trong đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra của Bộ cũng đặc biệt lưu ý với các trường về việc kiểm soát điện thoại di động của TS. Thứ trưởng Ga cho biết trong 2 đợt thi vừa qua các trường hợp bị đình chỉ thi là do mang điện thoại vào phòng thi. Vì vậy đợt thi này, giám thị phải kiểm soát kỹ để không cho TS mang điện thoại vào phòng thi.

Hiểu chưa đúng về quy chế

Thứ trưởng Ga cũng đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quy định về các vật dụng được mang vào phòng thi. Ông Vũ Ngọc Phương - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho biết: “Nhà trường đã tập huấn với giám thị là nếu TS mang những vật dụng như máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi thì phải báo cáo công khai và để trên bàn. Nếu dùng máy đó quay thì sẽ bị lập biên bản. Sau đó trường sẽ thu vật dụng lại để kiểm tra xem thiết bị đó có được phép không và 10 ngày sau mới trả. Nếu TS mang vào mà không công khai thì khi bị phát hiện là vi phạm quy chế”.

Ông Ga nói: “Năm nay, quy chế cho phép TS được quyền giám sát giám thị. Nếu TS mang các thiết bị được phép vào thì phải được để tự do vì nếu giám thị không nghiêm túc thì TS có quyền làm việc này (ghi hình - PV). Nhà trường không nên cấm họ và không quá khắt khe trong trường hợp họ sử dụng đúng mục đích”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu nhà trường thu vật dụng của TS trong 10 ngày để kiểm tra thì có đúng quy chế hay không, Thứ trưởng Ga khẳng định: “Quy chế tạo điều kiện cho TS thực hiện chức năng giám sát kỳ thi. Họ được quyền sử dụng trong trường hợp cần thiết. Nếu nhà trường thu giữ vật dụng của TS là không đúng quy định”.

Trong khi đó nhiều trường CĐ tại TP.HCM đã chuẩn bị sẵn giấy cam kết dành cho TS có nhu cầu mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Nội dung phải cam kết là TS mang những thiết bị không có chế độ truyền, phát tin tại chỗ; khi ghi âm, ghi hình phải đảm bảo không ảnh hưởng tới nội quy phòng thi, nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ. 

Tỷ lệ làm thủ tục dự thi thấp

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong ngày 14.7, số TS đến làm thủ tục dự thi: 259.690 (đạt tỷ lệ 63,59%. Tổng số TS đăng ký dự thi: 408.391).

Hà Nội: CĐ Sư phạm T.Ư: 67,1%; CĐ Cộng đồng: 63,3%;  CĐ Sư phạm Hà Nội: 70%; CĐ Điện lạnh: 70%.

TP.HCM: CĐ Giao thông vận tải 3: 60,9%; CĐ Kinh tế đối ngoại 55%; CĐ Công thương TP.HCM 60%; CĐ Tài chính hải quan 57,5%; CĐ Kỹ thuật Cao Thắng 65%; CĐ Viễn Đông 60,3%; CĐ Văn hóa nghệ thuật 50,71%; CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex 62%; CĐ Sư phạm Trung ương 73,1%.

Đà Nẵng: CĐ Kỹ thuật - Y tế II 70,2%; CĐ Thương mại 62%; CĐ Phương Đông 60%; CĐ Việt - Hàn 64,27%.

M.Quyên - D.Hiền - V.Thơ

Nhiều chỗ ở miễn phí

Trường CĐ Bách Việt có 500 chỗ ở miễn phí và 2.000 chỗ trọ giá rẻ (20.000 - 50.000 đồng/đêm) cho TS. Trường còn chuẩn bị 1.000 ly mì tôm, 500 suất cơm và 500 chai nước suối miễn phí để phát cho TS và phụ huynh vào buổi trưa của ngày thi đầu. Đồng thời, trường đã thuê xe buýt để chở TS từ ký túc xá tới địa điểm thi.

Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn có 1.000 chỗ ở miễn phí và 2.000 chỗ giá rẻ. TS nào có nhu cầu nên liên hệ với sinh viên tình nguyện tại các điểm thi. Ngoài ra, trường còn phục vụ  miễn phí bữa ăn nhẹ gồm bánh bao và nước suối cho toàn bộ TS dự thi vào trường.

Mỹ Quyên

Vũ Thơ - Mỹ Quyên

>> Khuyến khích tuyển sinh riêng
>> Tuyển sinh năm nay, hẹn gặp lại năm sau!
>> Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1, ngày đầu tiên: Không quá khó nhưng lạ
>> TP.HCM: Công bố điểm thi tuyển sinh lớp 6 trường THPT Trần Đại Nghĩa
>> Phải tiếp nhận đơn phúc khảo tuyển sinh lớp 10 đúng quy định
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Lần đầu tiên thí sinh thi khối A1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.