Lỡ yêu rồi, liều luôn
Mười ba năm trước, chị Nguyễn Thị Thơm (47 tuổi, quê Hà Nam) và anh Nguyễn Văn Cúng (56 tuổi, quê Sóc Trăng, cao 1m4) gặp nhau ở Sài Gòn khi cả hai đều bán vé số mưu sinh.
Từ mơ ước có được một mái ấm như bao người bình thường khác và đồng cảm với người con gái có hoàn cảnh giống mình, anh Cúng quyết tâm theo đuổi và nói lời yêu thương, dẫu biết rằng có nhiều thử thách, khó khăn.
|
Họ yêu nhau thầm lặng và giản dị, sẻ chia từng miếng bánh, ly nước trong những lần đi bán vé số chung. Tình yêu ấy càng ngày càng lớn, anh Cúng và chị Thơm quyết định kết duyên chồng vợ.
Hay tin anh chị về chung một nhà, bạn bè ai cũng mừng. Những tưởng anh chị sẽ nhận được sự chấp thuận, chúc phúc từ ba mẹ hai bên, nào ngờ mọi chuyện ngược lại.
|
“Bởi lẽ, cha mẹ lo là mình khuyết tật, yêu và lấy người khuyết tật nữa thì khó khăn sẽ chồng chất. Cha mẹ sợ khi tôi và anh Cúng về với nhau lại không tìm được hạnh phúc, lại càng tủi thân nhiều hơn nếu lỡ có chuyện trục trặc trong lúc chung sống xảy ra, phần lo cho cuộc sống của cả hai sẽ thiếu thốn trăm bề”, chị Thơm kể.
“Lỡ yêu rồi, làm liều, “vượt rào” đến với nhau. Muốn xa cũng không được”, anh Cúng nói. Bởi cả hai sinh ra chỉ là những mảnh ghép lưu lạc và tình yêu chính là chất kết dính các mảnh ghép đó lại với nhau, để cả hai có được niềm hạnh phúc trọn vẹn.
|
Hạnh phúc nhân đôi
Ngày về sống chung một nhà, cuộc sống của anh chị vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn. Nhưng họ đã cố gắng dìu dắt, nương tựa vào nhau mà bước tiếp. Niềm vui nhân đôi khi chị mang thai đứa con đầu lòng.
“Đối với những người bình thường, chăm sóc một đứa trẻ đã là một công việc vất vả. Nhưng với vợ chồng tôi, cả hai đều khuyết tật, công việc sinh con, chăm sóc lại càng khó khăn bội lần. Ngay cả việc bế bồng, tắm gội cho con cũng không hề đơn giản”, anh Cúng nói.
|
Khi đó, cuộc sống của anh chị còn gian truân lắm, thiếu trước hụt sau, phải lo chạy ăn từng bữa, phải lo tiền sửa tiền tả cho con… Anh Cúng luôn tự nhủ bản thân dù có tàn cũng không thể phế, nghị lực đã thúc đẩy anh vươn lên. Bởi hơn ai hết, anh hiểu rõ trách nhiệm của một người chồng, người cha sau mỗi lần đi bán vé số về nhìn thấy vợ và con đang chờ ở nhà.
Suốt một thời gian dài chị sinh con đầu lòng, anh Cúng là trụ cột gánh vác mọi việc gia đình. Ban ngày anh đi bán vé số đến tận nửa đêm, về nhà lao vào giặt đồ cho vợ, giặc áo quần, pha sữa cho con.
“Có những ngày không có tiền mua tã lót cho con, phải xin tã vải về giặt, lót cho con đến 2-3 giờ sáng mới được ngủ. Sáng thì phải dậy sớm đi mua đồ ăn cho vợ rồi về đi bán vé số tiếp”, anh Cúng nói.
Những bữa cơm vội vàng gần sáng, những giấc ngủ chớp nhoáng, rồi trời lại sang ngày mới, anh lại tiếp tục với công việc bán vé số. Vì theo anh, ngày nào không đi bán, thì vợ con sẽ phải chịu khổ.
Hạnh phúc của hai phận người bé nhỏ ấy đơn thuần giờ đây là hai cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi học. Đối với anh chị chỉ cần nhìn các con chăm ngoan, khỏe mạnh đó đã là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho anh chị trong cuộc sống này.
Anh chị tâm sự rằng dù có cực khổ khó khăn hơn nữa, cũng sẽ cố lo cho cho hai con ăn học đàng hoàng. Vì anh chị sinh ra đã không may mắn, gia đình lại nghèo không thể cho con được gì, đành phải chia cho con con chữ để làm vốn liếng sau này.
Hiện tại, anh chị vẫn chăm chỉ từng ngày lo cho các con ăn học. Dù sống trong căn nhà thuê cùng với những người anh em họ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) nhưng gia đình vẫn luôn vui vẻ, hòa đồng.
13 năm lấy nhau, sống với nhau như vợ chồng, nhưng anh chị chưa có đủ tiền để làm một cái đám cưới đơn sơ như niềm mơ ước của bất kỳ ai trước khi đến với nhau.
Mới đây, anh chị được tổ chức một đám cưới tập thể cùng với 41 cặp đôi khuyết tật khác. Những giọt nước của anh chị trong ngày cưới, dù đã có với nhau hai mặt con, khiến bất kỳ ai nhìn vào cũng phải xúc động.
Bình luận (0)