Ở Trung Quốc, trà gừng có lịch sử khoảng 5.000 năm, được gọi là Khương mẫu trà (薑母茶). Vào triều đại nhà Đường, người ta cho thêm hương liệu vào trà hoặc kết hợp với hành tây, vỏ cam, đinh hương và bạc hà để khử vị đắng của gừng.
Người Nhật gọi trà gừng là shōgayu (sinh khương thang), họ có thể hòa tan gừng trong nước nóng hoặc sencha (tiễn trà), điều chỉnh bằng những gia vị để uống. Tỷ lệ và số lượng gia vị thêm vào có thể khác nhau tùy thuộc ý muốn của người chế biến.
Trà gừng (shōgayu) ở Nhật Bản, dùng chung với mật ong và chanh |
norecipes.com |
Người ta có thể nấu gừng với tinh bột khoai tây hoặc sắn dây cho đặc lại để sử dụng, nhằm cải thiện khả năng giữ nhiệt. Ở đất nước này, có rất nhiều thức uống từ trà gừng. Không chỉ uống trà, người Nhật còn dùng gừng thái nhỏ để tắm.
Ở Hàn Quốc, trà gừng được gọi là saenggang-cha (sinh khương trà). Người ta thường uống trà gừng bằng cách đun sôi các lát gừng tươi trong nước hoặc hòa nước gừng với nước nóng, ngoài ra có thể dùng táo, lê và tỏi đun sôi chung với gừng, nêm đường hoặc những chất tạo ngọt khác.
Ngày nay, người Hàn Quốc còn chế biến nhiều loại trà gừng ở dạng bột hòa tan, bán rộng rãi trên thị trường. Tùy theo sở thích, có thể sử dụng gừng tươi để làm trà hoặc cắt gừng thành từng lát mỏng, bảo quản với mật ong vài tuần rồi đem ra dùng.
Người Ấn Độ gọi trà gừng là Adrak ki chai. Họ chế biến gừng thành một loại trà đen, uống chung với sữa và đường hoặc làm trà chanh gừng bằng cách thêm củ gừng vào nước chanh ấm. Có thể uống riêng trà gừng hoặc dùng chung với các món ăn nhẹ của Ấn Độ như pakoras (bánh chiên), aloo tikki (bánh khoai tây chiên), cốt lết rau củ, medu vada (bánh chiên lăn bột) hoặc samosas (bánh gối nướng hoặc chiên).
Người Brunei, Malaysia và Singapore gọi trà gừng là teh halia, tuy nhiên đây không phải là trà gừng nguyên chất, vì nó được pha bằng trà đen có đường với sữa hoặc sữa đặc. Người Indonesia gọi trà gừng là teh jahe.
Ở đảo Java, dân địa phương thường uống một loại trà gừng đặc biệt làm từ thân rễ gừng tươi, cắt lát mỏng gọi là wedang jahe. Họ dùng trà này chung với đường thốt nốt, đường mía, lá dứa thơm và gia vị như sả, đinh hương, và thanh quế, ngoài ra có thể thêm sữa tươi hoặc sữa đặc.
Trà gừng (saenggang-cha) ở Hàn Quốc, có thể sử dụng táo, lê và tỏi đun sôi chung với gừng, nêm đường, mật ong hoặc những chất tạo ngọt khác |
Trà gừng (Adrak ki chai) ở Ấn Độ, uống chung với sữa và đường hoặc làm trà chanh gừng bằng cách thêm củ gừng vào nước chanh ấm. |
youtube.com |
Ở Philippines, dân địa phương gọi trà gừng là salabat. Theo truyền thống họ chế biến loại trà này khá đơn giản, chỉ cần gọt vỏ gừng, cắt lát mỏng hoặc đập dập đun sôi trong nước vài phút là có ngay trà để uống. Người ta còn tạo ra mùi vị bằng cách thêm đường, mật ong và calamansi – quýt lai giữa kim quất và một loại cam, chanh, thêm những hương liệu khác nếu muốn. Họ có thể sử dụng bột gừng xay với nước sôi.
Nhiều người cho rằng trà gừng còn có thể giúp cải thiện chất lượng giọng hát của con người. Vì vậy mà một số người quyết định sử dụng loại nước uống này để tìm kiếm cơ hội trở thành người của công chúng. Còn các ca sĩ hát hay cũng thường xuyên chọn uống loại trà gừng để cho… ngọt giọng và cao vút.
Lợi ích sức khỏe của trà gừng
Loại trà nổi tiếng này chứa một lượng lớn vitamin C, magiê và các chất dinh dưỡng khác nhờ vào củ gừng, đã được chứng minh là vô cùng có lợi cho sức khỏe của bạn.
Thứ nhất là tăng khả năng miễn dịch, một loại thuốc giải độc lý tưởng cho cảm cúm, sốt và thậm chí cả đau bụng kinh. Trà gừng còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Thứ hai là giảm buồn nôn. Khi đi du lịch việc uống trà gừng có thể giúp tránh được cảm giác buồn nôn do say tàu xe.
Trà gừng (salabat) ở Philippines sử dụng dạng bột hoặc gọt vỏ gừng tươi, cắt lát mỏng hay đập dập đun sôi trong nước vài phút là có ngay trà để uống |
islamercado.kpmaco.com |
Ngoài ra, trà gừng còn làm tăng hiệu quả hoạt động của dạ dày, giúp hấp thụ thức ăn và cải thiện tiêu hóa, tuy nhiên loại trà này có thể gây đầy hơi nếu dùng quá nhiều.
Nhìn chung, trà gừng rất hữu ích, có thể chống viêm, giúp cải thiện lưu thông máu, làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, giúp bớt căng thẳng và mệt mỏi, ngăn ngừa chất béo tích tụ trong máu, các cơn đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, trà gừng còn giúp phụ nữ bị đau bụng kinh giảm bớt sự khó chịu do kinh nguyệt…
Bình luận (0)