'Loạn' giá mua máy xét nghiệm Covid-19

27/04/2020 04:43 GMT+7

Sự việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo CDC Hà Nội và doanh nghiệp bị khởi tố do sai phạm trong mua máy xét nghiệm Covid-19 đã làm “lộ sáng” nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch về sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị phòng chống dịch ở nhiều địa phương khác.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay khi có thông tin Bộ Công an làm việc với lãnh đạo CDC Hà Nội và nhiều doanh nghiệp (DN) liên quan đến việc mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm (XN) Covid-19, nhiều địa phương lập tức có những động thái bất thường.

Sau vụ CDC Hà Nội, Bộ Y tế yêu cầu báo cáo việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19

“Đồ đi mượn”

Từ ngày 20.4, Sở Y tế Hải Phòng có văn bản báo cáo Bộ Y tế, khẳng định địa phương này chưa thực hiện việc mua sắm hệ thống máy Realtime PCR. Trong khi đó, UBND TP.Hải Phòng cho biết từ 22.3, Hải Phòng đã vận hành máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động phục vụ XN xác định vi rút gây bệnh Covid-19.

Đủ loại giá!

Yên Bái: Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái, cho biết tỉnh này đã mua hệ thống máy Realtime PCR tự động của Đức từ năm 2018, giá 1,8 tỉ đồng.
Ninh Bình: Ngày 28.2, UBND tỉnh có quyết định chọn nhà thầu để cung cấp hệ thống XN Realtime PCR cho BV đa khoa tỉnh. Tiền mua hệ thống hoàn toàn tự động loại 96 giếng là 5,98 tỉ đồng.

Quảng Trị: Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết Sở Y tế giao cho CDC tỉnh mua 1 hệ thống máy XN Realtime PCR (giá
1,45 tỉ đồng) và 1 máy tách chiết mẫu tự động (giá 650 triệu đồng); hình thức mua “chỉ định thầu”. Loại máy CDC Quảng Trị mua xuất xứ từ Mỹ, XN tối đa khoảng 200 mẫu/ngày.
Đà Nẵng: Sở Y tế TP.Đà Nẵng thông qua hình thức chỉ định thầu mua hệ thống Realtime PCR nguyên khối (5 màu), model AriaMX, sản xuất năm 2020, xuất xứ Malaysia, do Tập đoàn Agilent (Mỹ) sản xuất với giá gần 1,4 tỉ đồng.
Lâm Đồng: CDC được một DN địa phương tặng hệ thống XN trị giá 950 triệu đồng, gồm máy Realtime PCR (nhãn hiệu CFX96 Real Sytem -C1000 Touch Themal Cycler) và máy vi tính đi kèm, cùng 200 kit XN trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Gia Lai: CDC được DN ở địa phương tặng hệ thống máy Realtime PCR xuất xứ Singapore, trị giá gần 2 tỉ đồng, công suất mỗi ngày có thể XN được khoảng 300 - 400 ca.
Bình Thuận: BS Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết toàn bộ gói mua sắm thiết bị cho phòng chống dịch Covid-19 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt là hơn 23 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu cung cấp gói thiết bị này là Công ty TNHH thiết bị y tế Bình Minh (ở đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM). Giá trúng thầu là hơn 23 tỉ đồng. Trong đó có máy XN Realtime PCR giá 1,6 tỉ đồng.
TP.HCM: Máy XN RT-PCR mà Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang sử dụng được điều từ cơ sở 2 BV Ung bướu qua. Còn máy XN RT-PCR của các BV (Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng TP) đều mua từ trước đó rất lâu... Riêng BV Nhi đồng 2 vừa mua máy XN RT-PCR của Hãng Bio-Rad (Mỹ) giá khoảng 1,7 tỉ đồng và máy chiết tách 1,9 tỉ đồng (Đức). Hiện máy RT-PCR của BV Nhi đồng 2 chưa XN Covid-19 vì đang chờ thẩm định.
An Giang: Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc BV đa khoa trung tâm An Giang, cho biết nơi đây có hệ thống XN Covid-19 (có cả hệ thống tách chiết tự động) nhập khẩu từ Đức là 4,129 tỉ đồng, công suất XN từ 400 - 500 mẫu/ngày.
Kiên Giang: Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh đã trang bị 2 máy XN nhanh Covid-19, do châu Âu sản xuất với giá 3 tỉ đồng/máy. Trong đó, 1 máy cho CDC tỉnh Kiên Giang do ngân sách nhà nước đầu tư, 1 máy cho Trung tâm y tế H.Phú Quốc do một công ty tài trợ.
Cà Mau: Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Sở Y tế có đề xuất mua máy XN, xây phòng XN... tổng cộng 5 tỉ đồng, nhưng tỉnh không đồng ý mà yêu cầu tận dụng máy móc, nhân lực các phòng thí nghiệm của Sở NN-PTNT, Y tế, KH-CN và chỉ mua thêm những bộ phận phụ còn thiếu.
Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng (thuộc Sở Y tế) nhận máy từ ngày 12.3; đến 20.3 trung tâm "đủ điều kiện để vận hành máy". Thời điểm đó, một số thông tin cho biết hệ thống máy Realtime PCR được Hải Phòng mua với giá 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, khẳng định: “Thông tin mua máy Realtime PCR với giá 10 tỉ là không đúng. Tôi khẳng định là Hải Phòng chưa mua. Hệ thống ở Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng là chúng tôi mượn của DN”. Theo bà Xanh, chủ trương mua máy XN Covid-19 ở Hải Phòng phải đến đầu tháng 3 mới có. Việc thẩm định dự toán mua máy cũng có nhiều khâu nên đến giờ vẫn chưa được phê duyệt. “Thời điểm đó, khi không có máy, chúng tôi phải chuyển mẫu lên Hà Nội XN. Rồi lại chờ đợi 1 - 2 ngày mới có kết quả. Sau đó, Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (Hà Nội, gọi tắt Công ty Phương Đông) đã chuyển một hệ thống máy Realtime PCR về cho Hải Phòng dùng thử trước khi mua”, bà Xanh cho biết thêm.
Ngày 26.4, Giám đốc CDC Lào Cai Nguyễn Văn Sửu khi được hỏi cũng khẳng định CDC Lào Cai chưa mua được máy XN Covid-19 Realtime PCR và hệ thống máy đơn vị này đang sử dụng là của DN "cho mượn". Cụ thể, máy XN Covid-19 được CDC Lào Cai đưa vào sử dụng từ 23.3 đến nay là của Công ty Tâm Việt "cho mượn". Đây cũng là 1/20 máy đầu tiên được Bộ Y tế công nhận đảm bảo chất lượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm XN Covid-19. Ngoài ra, Sở Y tế Lào Cai cũng tiếp nhận một thiết bị gồm bộ máy XN kỹ thuật Realtime PCR và máy tách chiết của một DN khác là Công ty An Việt "cho mượn" nhưng hệ thống này chưa được cơ quan chức năng công nhận đạt chuẩn nên chỉ sử dụng để sàng lọc mẫu.

Xét nghiệm PCR xác định vi rút SARS-CoV-2 tại Hà Nội

Ảnh: Thúy Anh

Mua xong mới “đàm phán” giảm giá!

Tại Thái Bình, trong quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp TBYT chống dịch Covid-19 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình vào cuối tháng 3 thì số tiền trúng thầu hệ thống máy Realtime PCR tự động là 6,48 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (số 7, ngõ 128 Hoàng Văn Thái, P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, lại cho biết số tiền mua hệ thống XN chỉ 5,85 tỉ đồng. “Chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều nơi. Giá trúng thầu cũng được hội đồng thẩm định của tỉnh phê duyệt rất kỹ. Sau đó, đơn vị cung cấp thiết bị đã đồng ý giảm tiền để hưởng ứng việc chung tay chống dịch”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi việc mua sắm, trúng thầu hoàn thành (6,48 tỉ đồng), ngày 15.4, Sở Y tế Thái Bình mời đơn vị trúng thầu rà soát, điều chỉnh lại giá thiết bị, từ đó mới có mức giá mới như nêu trên (5,85 tỉ đồng).
Việc điều chỉnh lại giá cũng được phản ánh tại Quảng Ninh. Theo đó, sau khi có kết quả thẩm định giá, Sở Y tế Quảng Ninh trình UBND tỉnh phê duyệt mua hệ thống máy Realtime PCR tự động với giá 8,4 tỉ đồng. Ngày 1.3, hợp đồng được ký. Đến 23.3, sau cuộc làm việc với C03 ngày 15.3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng, giảm giá thiết bị này xuống 7 tỉ đồng. Ngày 19.3, Sở Y tế chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21.4, bên trúng thầu đã hoàn lại số tiền tạm ứng này.
Ngày 26.4, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy XN với nhà cung cấp là liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao, đồng thời chưa có giá chính thức của bộ sản phẩm trên. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng quyết định “thanh tra” việc mua sắm máy XN Realtime PCR tự động.
Tại Quảng Nam, trả lời PV Thanh Niên hôm 26.4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã giao Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính báo cáo bằng văn bản. Chiều 29.4, UBND tỉnh dự kiến sẽ họp nghe 2 đơn vị này báo cáo cụ thể, sau đó mọi vấn đề liên quan sẽ được địa phương công khai minh bạch.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 27.3, Sở Y tế Quảng Nam phê duyệt quyết định lựa chọn Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt (trụ sở tại Hà Nội, văn phòng đóng ở Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) trúng gói mua sắm hệ thống XN Realtime PCR tự động với giá 7,23 tỉ đồng. Đây cũng là gói thầu được chỉ định rút gọn trong nước, không sơ tuyển... do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Hệ thống XN tự động bao gồm máy tách chiết DNA/RNA tự động, máy chia mẫu tự động (do Hãng Qiagen sản xuất, xuất xứ Đức), máy Realtime PCR (do Qiagen sản xuất, xuất xứ Malaysia), một số thiết bị phụ trợ (mua tại VN)… Hệ thống được đưa vào hoạt động từ ngày 1.4.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay UBND tỉnh phê duyệt kinh phí 7,56 tỉ đồng mua máy nhưng sau đó Sở thương lượng với nhà cung cấp giảm còn 7,2 tỉ đồng. Mức giá do nhà cung cấp đưa ra, Sở Y tế cũng tham khảo giá ở một số tỉnh thành khác. Trước đó, ngày 28.2, gói thầu mua sắm bổ sung TBYT phòng chống, dịch Covid-19 tại Quảng Nam cũng được UBND tỉnh phê duyệt với tổng giá trị hơn 55,5 tỉ đồng (gồm 5 gói nhỏ với 5 doanh nghiệp khác nhau trúng thầu). Nguồn vốn thực hiện các gói thầu mua sắm thời gian qua chủ yếu trích từ ngân sách tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.