Loạn phòng khám nam khoa 'chui': Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm

Duy Tính
Duy Tính
20/04/2024 06:31 GMT+7

Ba tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm với số tiền xử phạt hơn 2,7 tỉ đồng.

Báo Thanh Niên số ra các ngày 15, 16, 17 và 18.4 đăng loạt bài Loạn phòng khám nam khoa "chui" phản ánh tình trạng nhiều phòng khám nam khoa không phép quảng cáo không đúng sự thật về điều trị bệnh sinh lý nam..., ngay sau đó, Sở Y tế TP.HCM cũng vào cuộc kiểm tra, xử lý quyết liệt.

Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức, kiểm tra phòng khám nam khoa “chui” vào ngày 11.4

Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức, kiểm tra phòng khám nam khoa “chui” vào ngày 11.4

Trần Duy Khánh

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định Sở tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn với nhiều giải pháp, đồng thời cần thêm sự hỗ trợ, vào cuộc của các sở, ngành quận, huyện, TP.Thủ Đức, người dân và báo chí…

Đánh vào tâm lý "đẹp, rẻ, nhanh"

Sở Y tế đã và đang rất quyết liệt kiểm tra, xử lý phòng khám "chui" nhưng vì sao càng quản lý, càng xử phạt thì phòng khám "chui" vẫn quảng cáo rầm rộ? Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng cho rằng hiện việc quản lý quảng cáo trái phép, giả mạo trên mạng xã hội vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng mạng xã hội và cộng đồng người dùng.

Ông cho biết những vấn đề nổi cộm được Sở Y tế phát hiện và xử lý trong thời gian qua, gồm: quảng cáo sản phẩm, dịch vụ y tế chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, vi phạm pháp luật về quảng cáo trong lĩnh vực y tế; lan truyền phổ biến các thông tin không đáng tin cậy về các sản phẩm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) hoặc phương pháp điều trị không được kiểm chứng khoa học.

Trong đó, có nhiều quảng cáo trái phép, thậm chí giả mạo, được thiết kế nội dung và hình ảnh rất giống quảng cáo của các cơ sở y tế chính thống, đánh vào tâm lý một số người muốn sử dụng dịch vụ y tế "đẹp, rẻ, nhanh" hoặc đang gặp các vấn đề sức khỏe thầm kín. Những cơ sở này đưa ra những cam kết nghe rất "kêu" về tính hiệu quả của những phương pháp họ sử dụng để dẫn dụ người có nhu cầu đến những nơi không đảm bảo điều kiện hoạt động và hành nghề KCB. Cụ thể, các cơ sở này sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác), gây tổn hại về tài chính, sức khỏe và tính mạng của người sử dụng dịch vụ.

Phòng khám nam khoa “chui” vừa bị Sở Y tế và các cơ quan chức năng TP.Thủ Đức kiểm tra, xử lý ngày 11.4

Phòng khám nam khoa “chui” vừa bị Sở Y tế và các cơ quan chức năng TP.Thủ Đức kiểm tra, xử lý ngày 11.4

Trần Duy Khánh

Những phòng khám "chui" này có thể chẳng có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào hoặc chỉ có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (chẳng hạn dịch vụ spa, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp...), giấy chứng nhận đăng ký công ty (có mã ngành, nghề kinh doanh liên quan đến y tế nhưng không được Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động)... Ngoài ra, có trường hợp cơ sở y tế có giấy phép hoạt động của Sở Y tế trong phạm vi một chuyên khoa nhất định nhưng lại triển khai các dịch vụ "chui" khác không được phép hoặc một địa chỉ nhưng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau của những ngành, nghề kinh doanh khác nhau với nhiều giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác nhau nên dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng dịch vụ.

Các cơ sở hoạt động "chui" thường hoạt động lén lút, che giấu, do đó rất khó khăn để phát hiện. Việc xử lý các cơ sở vi phạm này còn gặp vướng mắc do thiếu chế tài xử phạt mạnh mẽ, đồng thời còn gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng vi phạm.

Cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ

Theo lãnh đạo Sở Y tế, một trong những hoạt động trọng tâm của Sở trong năm 2024 là triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội.

Một cơ sở KCB bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn nhận bệnh và bị kiểm tra, xử lý ngày 17.4

Một cơ sở KCB bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn nhận bệnh và bị kiểm tra, xử lý ngày 17.4

Sở Y tế cung cấp

Trong quý 1/2024, Thanh tra Sở Y tế đã ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân với số tiền xử phạt hơn 2,7 tỉ đồng, trong đó hầu hết vi phạm đều liên quan đến quảng cáo trên mạng xã hội, về điều kiện hoạt động, điều kiện hành nghề...

Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đã có kết quả tốt như trên là nhờ sự triển khai thực hiện nghiêm túc và thanh tra Sở Y tế đã tập trung nguồn lực cho công tác này. Quy trình phản ứng nhanh và công tác phối hợp phát huy hiệu quả kịp thời của Sở Y tế với lực lượng chức năng tại chỗ (gồm: phòng y tế, UBND phường, công an phường, công an quận, huyện và sự hỗ trợ của Công an TP.HCM), đặc biệt qua tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và của cơ quan truyền thông báo chí. Tuy nhiên, quảng cáo trái phép, giả mạo trên mạng xã hội vẫn là một vấn đề phức tạp và đa dạng, người dân vẫn khó nhận biết đâu là quảng cáo trái phép hay quảng cáo chính thống, đáng tin cậy.

Khám nam khoa 'chui': Lớn giọng với khách khi tư vấn nâng cấp 'cậu nhỏ' bất thành

Để tăng cường hiệu quả trong giải quyết vấn đề này, ngoài sự nỗ lực của Sở Y tế, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như Công an TP.HCM, Sở TT-TT, Sở KH-ĐT, UBND quận, huyện, Đội quản lý thị trường... trong việc quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm hoạt động liên quan đến KCB "chui". Bên cạnh đó, còn cần sự hợp tác, phối hợp của các nền tảng mạng xuyên biên giới cũng như sự cảnh giác, xem xét kỹ lưỡng thông tin quảng cáo của cộng đồng người tiêu dùng.

Ngoài kiểm tra định kỳ, Sở Y tế cũng đẩy mạnh phối hợp hiệu quả với các sở, ban ngành có liên quan, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức... trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hành nghề y, dược. Đặc biệt là phối hợp với Công an TP.HCM chọn những "vấn đề nóng" để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm có trọng điểm... Thanh tra Sở Y tế cũng đã lập danh sách các cơ sở hoặc địa chỉ có những vi phạm lặp lại, coi thường pháp luật để tiến hành các hoạt động kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và xử lý nghiêm hoặc chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 15.4, Giám đốc Sở Y tế cũng đã có quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về quản lý quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế trên mạng xã hội để ưu tiên nguồn lực và tăng cường các giải pháp sáng tạo nhằm phát huy hiệu quả cao hơn. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các dấu hiệu nhận biết quảng cáo trái phép, không đáng tin cậy trên mạng xã hội để người dân cảnh giác. Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Sở KH-CN, Sở TT-TT... nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để tự động hóa quá trình phát hiện và loại bỏ quảng cáo y tế trái phép trên mạng xã hội. Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền luật KCB, nghị định, thông tư hướng dẫn đến doanh nghiệp và người dân.

Quản lý quảng cáo trên nền tảng số

Hiện quảng cáo trên mạng xã hội (Zalo, YouTube, Facebook, TikTok…) gần như chưa có quy định điều chỉnh hoặc có nhưng chưa đầy đủ, gây khó khăn trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật đối với cơ quan quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Do đó, Sở Y tế đề xuất nhanh chóng nghiên cứu xây dựng đầy đủ nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo trên nền tảng số để đưa vào trong dự thảo luật Quảng cáo đang sửa đổi. Theo Sở, đây là việc làm cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Hiện Sở Y tế triển khai nhiều kênh để người dân có thể phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực y tế, trong đó có quảng cáo nghi ngờ trái phép, giả mạo trên mạng xã hội như: hotline 0989401155, e-mail thanhtra.syt@tphcm.gov.vn, app "Y tế trực tuyến"... Sở Y tế kêu gọi sự phối hợp, đồng hành của báo chí, cơ quan đoàn thể, đội ngũ chuyên môn ở các chuyên khoa khác nhau trong hệ thống y tế để kịp thời phát hiện các nội dung quảng cáo trái phép, sai sự thật... và thông tin cho Sở Y tế.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

.monica-writing-entry-btn-wrapper { position: absolute; right: 1px; bottom: 1px; pointer-events: all; cursor: pointer; user-select: none; -webkit-user-drag: none; } .monica-writing-entry-btn { display: flex; flex-direction: row; justify-content: center; align-items: center; transition: all ease 0.2s; border-radius: 20px; background: #ffffff; border: 1px solid rgba(115, 114, 120, 0.15); } .monica-writing-clickable-item { cursor: pointer; user-select: none; -webkit-user-drag: none; display: flex; flex-direction: row; justify-content: center; align-items: center; padding: 0 4px; height: 26px; color: #a0a0a0; } .monica-writing-clickable-item.monica-writing-first { border-top-left-radius: 20px; border-bottom-left-radius: 20px; } .monica-writing-clickable-item.monica-writing-last { border-top-right-radius: 20px; border-bottom-right-radius: 20px; } .monica-writing-clickable-item:hover { color: #3872e0; } .monica-writing-divider { background-color: #eeeeee; min-width: 1px; height: 12px; } .monica-writing-caret { width: 1.5px; background-color: #3872e0; pointer-events: none; position: absolute; border-radius: 1px; } .monica-writing-caret-head { background-color: #3872e0; width: 6px; height: 6px; border-radius: 6px; position: absolute; left: -2.25px; } @media print { .monica-writing-entry-btn { display: none; } }


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.