Loạt dự án nông nghiệp xanh, năng lượng sạch nghìn tỉ đồng đổ về Đắk Lắk

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/03/2021 14:14 GMT+7

Chiều 12.3, Viện Kinh tế xanh và nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng xanh, sạch đã có buổi làm việc, trình bày loạt dự án đầu tư với lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk.

 

Những dự án dược liệu, năng lượng nghìn tỉ

Ông Lê Thành, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện Kinh tế xanh cho biết, đây là hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ hợp tác cấp quốc gia giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế xanh. Nhiệm vụ chính của Viện là kết nối các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao uy tín về đầu tư Tây Nguyên, khu vực giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiện quả.

Ông Lê Thành - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Kinh tế xanh tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thành thông tin: Viện Kinh tế xanh đã kết nối thành công các doanh nghiệp đến từ Vương quốc Bỉ chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư chuỗi kho lạnh thông minh hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu và Trung Đông cho khu vực ĐBSCL. Qua Viện Kinh tế xanh kết nối, Công ty CP Đầu tư Tân Thành Holdings cũng đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án “Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên - Mô hình điểm tại Đắk Lắk”. Dự án rộng hơn 1.000 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỉ đồng. Dự kiến, đây sẽ là chuỗi sản xuất dược liệu khép kín đầu tiên tại Việt Nam đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế. Thông tin tại buổi gặp gỡ, đại diện Tân Thành Holdings khẳng định dự án có thể tạo 2.000 việc làm cho người dân bản địa, mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ tài nguyên rừng, bảo vệ an ninh quốc phòng.
Dự án lớn thứ 2 là làm năng lượng sạch, đầu tư điện mặt trời Ea Súp do Công ty CP Năng Lượng Xanh Tân Thành làm chủ đầu tư với số tiền đầu tư ban đầu khoảng 46.000 tỉ đồng, bao gồm 16 nhà máy với tổng công suất lắp đặt lên đến 2.600 MWP, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 4,4 triệu MWH/năm, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu phát thải khí CO2, tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Đại diện nhà đầu tư trình bày dự án đầu tư

Đặc biệt, để tăng tối đa vai trò liên kết vùng, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thuận Việt và Tổng Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) đề xuất hợp tác đầu tư dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ông Võ Văn Bé - Chủ tịch Tập đoàn Thuận Việt và CIENCO 6, cho biết tuyến cao tốc này hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Nha Trang đến Đắk Lắk xuống còn chưa tới 2 giờ. Đây sẽ là cầu nối thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương, xuất khẩu. Ông nói: “Với năng lực và kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, tham gia hầu hết các công trình trọng điểm của cả nước, Thuận Việt và CIENCO 6 lựa chọn Đắk Lắk là khu vực đầu tư trọng điểm tiếp theo, đưa Đắk Lắk phát triển xứng tầm là thủ phủ và là trung tâm liên kết vùng khu vực Tây Nguyên”.

Tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đánh giá cao vai trò kết nối nguồn lực của Viện Kinh tế xanh và hoan nghênh các dự án mà tập đoàn Tân Thành Holdings, Tập đoàn Tân Mai, Công ty Năng lượng xanh Tân Thành, Công ty bất động sản Tân Thành, Thuận Việt và CIENCO 6 muốn đầu tư. Ông nhấn mạnh, sự nghiêm túc nghiên cứu, đầu tư của doanh nghiệp khi tìm đến địa phương không chỉ chứng tỏ họ nhìn thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển bền vững mà tỉnh đang hướng tới. Đó là làm nông nghiệp sạch bằng công nghệ cao, năng lượng xanh bền vững… Tỉnh hoàn toàn đồng ý và thống nhất để các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án như đề xuất và sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục trong thời gian sớm nhất.

Đại diện tỉnh Đắk Lắk hứa sẽ phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư phát triển dự án theo trình tự và quy định pháp luật

Ông Lê Thành, đại diện Viện Kinh tế xanh, nhấn mạnh: “Là tỉnh ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba. Với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Đắk Lắk giàu tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch, năng lượng... Đây không chỉ là nơi có năng suất cà phê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số hai toàn cầu mà còn có thể trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên, đi đầu trong xu hướng tăng trưởng xanh, bền vững”.
Bên cạnh các dự án nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, các dự án du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng ven hồ để phục vụ du lịch cũng được tính đến. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng bất động sản Tân Thành, nhận định: "Đắk Lắk sở hữu nhiều khu vườn quốc gia có diện tích lớn, văn hoá bản địa đa dạng, độc đáo… là nơi có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Nhưng Đắk Lắk vẫn chưa có mô hình du lịch xứng tầm để dẫn dắt ngành du lịch cả Tây Nguyên. Với kinh nghiệm đầu tư các khu nghỉ dưỡng sinh thái và dân cư cao cấp tại Đồng Nai và Lâm Đồng, hợp tác cùng các đối tác hàng đầu thế giới, bất động sản Tân Thành sẽ đẩy mạnh mô hình du lịch sinh thái ven hồ tại Đắk Lắk, khai thác tối đa lợi thế cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ của tự nhiên, mang đến những trải nghiệm du lịch đẳng cấp, thấm đẫm văn hoá địa phương đi liền với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sự sống. Trước mắt, công ty đã tiến hành khảo sát, lập đề án và đề xuất được đầu tư xây dựng, phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Knốp… với tham vọng sẽ biến nơi đây trở thành những khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ nổi tiếng thế giới như cách mà người Myanmar đã làm với Treasure Resort hay người Thái với The Float House River Kwai…".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.