Loay hoay lối thoát “tàu 67”

Mạnh Cường
Mạnh Cường
28/10/2019 07:00 GMT+7

Từng được kỳ vọng là cơ hội để những ngư dân bám biển đổi đời, nhưng đến nay, thực tế nhiều ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 đang đứng trước nguy cơ bị kiện ra tòa vì không trả được nợ ngân hàng .

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Nam, toàn tỉnh hiện nay có 63 “tàu 67”. Trong đó, 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, 2 tàu composite. Đáng chú ý, có 6/63 tàu không hoạt động hoặc hư hại do sự cố thiên tai, tai nạn và nằm bờ. Tổng nợ xấu của hoạt động tín dụng liên quan “tàu 67” trên địa bàn tỉnh đã chạm mốc 215 tỉ đồng. Nhiều lý do được đưa ra như: tàu hoạt động không hiệu quả, phải chuyển đổi ngành nghề; những khó khăn vướng mắc trong việc đầu tư đóng mới và duy tu... cùng hàng loạt bất cập phát sinh đã khiến nhiều con tàu vỏ thép nằm bờ, ngư dân lâm nợ.
Trong khi đó, theo ngư dân, nguyên nhân là khi thiết kế tàu vỏ thép đã tính toán chưa kỹ càng, chưa sát thực tiễn nên khi đưa vào hoạt động thì xảy ra sự cố. Hậu quả là đánh bắt hải sản không đạt, vì vậy không lấy tiền đâu ra để trang trải (?). Nhiều ngư dân cũng cho rằng, điều khiến họ bất an và không còn mặn mà với “tàu 67” là đến nay vẫn chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép theo định kỳ...
Để tránh lãng phí nguồn lực, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai phương án chuyển chủ sở hữu những con “tàu 67” này cho chủ mới. Nhưng vấn đề này lại một lần nữa gặp rắc rối khi vướng đủ thứ pháp lý chằng chịt mà khó có người dân nào mặn mà và dám đánh cược, “nhận nợ” để duy trì “tàu 67”. Vì thế, phần nhiều “tàu 67” vẫn đang nằm bờ.
Mới thấy, một khi chính sách xa rời với chính những người hưởng thụ, chắc chắn tính hiệu quả sẽ không thể cao!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.