EURO 2024

Lối chơi hiệu quả lên ngôi

15/07/2024 00:00 GMT+7

Một kỳ EURO đã khép lại với sự 'co cụm': quyền lực nghiêng hẳn về các nền bóng đá hùng mạnh phía tây. Lối chơi đơn giản, thiên về hiệu quả đã lên ngôi ở một giải đấu khá nặng về phòng thủ.

VẼ LẠI BẢN ĐỒ BÓNG ĐÁ CHÂU ÂU

Chưa bao giờ các đội từ phía đông châu Âu tề tựu ở VCK EURO đông đúc như giải năm nay (11 đội), nhưng chất lượng thi đấu thì lại tỷ lệ nghịch với số lượng. Có đến 5/6 đội chót bảng là những đại diện đông Âu. Hai đội hạng 3 có thành tích kém nhất (không được đi tiếp) cũng là các đội đông Âu. Bốn đại diện của khu vực này vượt qua vòng bảng thì đều dừng chân ngay vòng knock-out đầu tiên.

20a1.jpg

EURO 2024 là nơi phát hiện ra tài năng trẻ Lamine Yamal

AFP

Croatia già nua về tuổi tác và cũ kỹ trong cách chơi. Ba Lan nhạt nhòa. CH Czech và Serbia hoàn toàn không thể hiện được điều gì để gợi lại quá khứ oai hùng của họ. Dấu ấn đông Âu thật sự là không tồn tại ở kỳ EURO mà số lượng đội bóng đông Âu đạt đến mức kỷ lục này. Chẳng những không thành công ở khía cạnh thành tích, bóng đá đông Âu bây giờ còn quá khan hiếm tài năng cá nhân. Bao giờ mới lại có những Gheorghe Hagi, Andriy Shevchenko, Pavel Nedved, Hristo Stoichkov?

Các đội gây được chút bất ngờ thú vị là Áo, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ (nếu xem Thụy Sĩ là đội chỉ có đẳng cấp trung bình xưa nay). Thật ra, tất cả đều chỉ là bất ngờ nhỏ. Cái nhìn toàn cảnh cho thấy đây là kỳ EURO không có bất ngờ. Quyền lực dồn cả vào các nền bóng đá lớn ở phía tây. Khu vực bắc Âu cũng chỉ tồn tại lay lắt, với đại diện duy nhất là Đan Mạch vượt qua vòng bảng nhưng lập tức dừng chân sau trận knock-out đầu tiên. Na Uy (của Erling Haaland và Martin Odegaard), Phần Lan, Thụy Điển thậm chí còn không được phó hội.

Tất nhiên, không phải đội bóng tây Âu nào cũng thành công. Ý là đội gây thất vọng lớn nhất tại EURO này. Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan là các đội thành công hơn cả. Không chỉ tiến xa, họ còn giới thiệu những ngôi sao mới đặc sắc. Đây là lần đầu tiên đội tuyển Hà Lan lọt vào bán kết một giải đấu lớn, sau giai đoạn khủng hoảng khiến họ liên tục vắng mặt tại EURO 2016 và World Cup 2018.

NẶNG VỀ PHÒNG THỦ

Tỷ lệ ghi bàn tại EURO 2024 là không cao (2,3 bàn/trận), thấp hơn giải trước. Tính từ 30 năm nay, EURO 2024 chỉ có tỷ lệ ghi bàn cao hơn EURO 1996 và 2016. Lối chơi thiên về phòng thủ khá phổ biến, với Anh và Pháp là hai trường hợp điển hình. Cho đến trước khi gặp Tây Ban Nha ở vòng bán kết, Pháp vẫn chưa hề ghi bàn từ tình huống mở. Đội Anh thì lầm lũi tiến bước với phương châm "an toàn là bạn", trong khi Bồ Đào Nha không hề ghi bàn, cũng không thủng lưới trong cả 2 trận knock-out.

Ở vòng bảng, có hiện tượng bùng nổ số lượng bàn thắng từ những quả sút xa. Đấy cũng là hệ quả từ sự chắc chắn của các hàng thủ, khiến đối phương phải tăng cường sút xa, như một giải pháp chẳng đặng đừng. Phòng thủ dễ hơn tấn công - đây là lý thuyết bất di bất dịch trong bóng đá đỉnh cao. Và khi đa số đội bóng, bất kể đẳng cấp, đều ưu tiên hướng đến sự an toàn trong phòng thủ, thì đấy là chi tiết nói lên tầm quan trọng của các trận đấu tại EURO. Chất lượng chuyên môn của giải đấu này rất cao. Khi người xem cảm thấy thất vọng về các trận đấu đỉnh cao như Pháp - Bỉ (1-0) hoặc Bồ Đào Nha - Pháp (0-0), thì thật ra đấy là vì chất lượng chuyên môn của người trong cuộc thường… tỷ lệ nghịch với mức độ hấp dẫn trong mắt người xem. Trận đấu không hay vì trên sân các bên đều quá thành công trong việc phá lối chơi của nhau, không ai cho phép ai tỏa sáng!

20a2.jpg

20a2.jpgĐây có thể là kỳ EURO cuối cùng của chân sút Harry Kane

REUTERS

Đây là kỳ EURO thứ 2 liên tiếp mà người xem cảm nhận thật rõ: các đội hầu như không có hy vọng ghi bàn từ pha sút phạt trực tiếp (EURO 2016 có 4 bàn thắng được ghi từ sút phạt trực tiếp - hơn rất xa so với con số tổng cộng của EURO 2020 và EURO 2024). Điều này tương ứng với sự giảm dần về số lượng bàn thắng ghi từ pha sút phạt trực tiếp ở Champions League và 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Xu hướng chung bây giờ: người ta phối hợp (để ít ra vẫn làm chủ tình huống tiếp theo) hơn là sút thẳng. Phải làm thế cũng vì các đội bây giờ đều đã tập kỹ cách phòng thủ chống sút phạt.

KHÔNG RƯỜM RÀ

Nedim Bajrami (Albania) chỉ mất 23 giây để ghi bàn vào lưới đội Ý - đấy là bàn thắng sớm nhất trong lịch sử EURO. Các bàn mở tỷ số của Youri Tielemans (Bỉ, vào lưới Romania) hoặc Khvicha Kvaratskhelia (Georgia, vào lưới Bồ Đào Nha) cũng đều nằm trong tốp 5 các bàn thắng sớm nhất xưa nay. Rất nhanh, nhưng đấy đều là các đội phải sớm chia tay EURO.

Đặc điểm lớn của giải đấu năm nay là không chỉ có nhiều bàn thắng rất sớm, mà còn có rất nhiều bàn thắng rất muộn. Các đội ghi bàn thắng muộn, do công của cầu thủ vào sân từ ghế dự bị, mới là những trường hợp thành công hơn. Đây chính là cái hơn về lực lượng. Trừ Pháp, cả 7 đội còn lại trong hàng ngũ 8 đội mạnh nhất đều đã có cầu thủ dự bị vào sân và ghi bàn thắng.

Điểm chung trong cách ghi bàn tại EURO: rất trực tiếp, không rườm rà. Đây là lần đầu tiên sau 16 năm người ta chứng kiến đội Tây Ban Nha giữ bóng ít hơn đối thủ (trận ra quân gặp Croatia: Tây Ban Nha thắng 3-0). Hà Lan, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ là các đội khác đã để lại dấu ấn sâu đậm bằng lối chơi đơn giản, trực tiếp. Họ đều tiến đi xa hơn so với sự chờ đợi. Ngược lại, sự rườm rà trong cách chơi đã khiến Bồ Đào Nha, Bỉ hoặc phần nào là Đức, không thành công như mong đợi.

Cách chơi tốc độ, đơn giản, trực tiếp là những yếu tố đặc trưng của giới trẻ. Đây thực sự là kỳ EURO của giới trẻ, với các ngôi sao ở độ tuổi 22 trở xuống xuất hiện khắp các đội mạnh. Báo giới sẽ còn phải viết rất nhiều về Lamine Yamal, Nico Williams (Tây Ban Nha) hoặc Kobbi Mainoo, Jude Bellingham (Anh), Arda Guler (Thổ Nhĩ Kỳ)… Ngược lại, Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) hoặc Luka Modric (Croatia), dù rất cố gắng, đều phải chịu cảnh lực bất tòng tâm.

THAY ĐỔI RẤT LỚN

Tại EURO 2020, đội Tây Ban Nha của HLV Luis Enrique hoàn tất bình quân 781 đường chuyền/trận, đi bóng qua người bình quân 13,5 lần/trận. Tại EURO này, đội Tây Ban Nha của HLV Luis de la Fuente hoàn tất 490 đường chuyền/trận và đi bóng qua người 22 lần/trận. Đấy hẳn nhiên là sự thay đổi rất lớn về cách chơi. Nhìn chung, Tây Ban Nha tại EURO này không còn là đội chuyên về giữ và chuyền bóng nhiều nữa. Đối thủ của họ trong trận chung kết, đội Anh, cũng vậy. Anh và Tây Ban Nha là 2 đội mạnh nhất giải, nhưng đều không có tên trong "tốp 2" về giữ bóng, chuyền bóng, chuyền chính xác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.