Muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất ô tô, tạo nên một chiếc ô tô mang thương hiệu quốc gia cần phải xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô vững mạnh. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Công nghiệp hỗ trợ - chìa khóa vàng cho sự phát triển của nền công nghiệp ô tô Việt Nam” do Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) tổ chức tại TP.HCM.
|
Cụ thể, theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục công nghiệp Bộ Công Thương: “Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô có vai trò quan trọng không chỉ đối với công nghiệp ô tô mà còn phản ánh năng lực hồi sinh của nền kinh tế. Góp phần làm tăng giá trị sản phẩm nội địa, tăng sức cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia”. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế có thể thấy, đã qua hơn 10 năm kể từ khi manh nha hình thành, đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Trong vòng luẩn quẩn
Theo những số liệu được các chuyên gia công bố tại hội thảo lần này. Hiện nay, cả nước mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô. Bình quân mỗi DN lắp ráp ô tô tại VN có chưa đến 2 nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho mình. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc các DN nước ngoài cung cấp. Trong khi để làm ra một chiếc ô tô, phải cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện.
|
Hơn 90% các DN cung cấp linh kiện ô tô tại VN là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Trong khi, mới chỉ có một số DN trong nước tham gia vào mạng lưới cung ứng cho sản xuất, lắp ráp ô tô.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô VN như: Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung cấp trên thị trường vẫn còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự đa dạng trong khi giá thành vẫn đang ở mức cao…
Tin liên quan
‘Đột nhập’ nhà máy sản xuất xe Mazda hiện đại nhất Đông Nam ÁChính thức khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 3.2018, nhà máy Thaco Mazda có quy mô lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á, được quy hoạch trong phân khu các nhà máy lắp ráp ô tô thuộc KCN Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích 30,3 hecta với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng, công suất 100.000 xe/năm.
Điều này, khiến tỉ lệ nội địa hóa trên các dòng ô tô sản xuất tại VN khá thấp. Với dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi từng được đặt mục tiêu nội địa hóa 40% vào năm 2005 và tăng lên 60% vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt bình quân từ 7 - 10%, trong đó một số dòng xe do Trường Hải (THACO) lắp ráp đạt tỉ lệ nội địa hóa 15 - 18%. Ngay cả dòng xe du lịch như Toyota Innova đạt tỉ lệ nội địa hóa cao nhất hiện nay cũng chỉ mới dừng lại ở mức 37%. Do đó, theo tính toán của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện tại chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 20% so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… Điều này khiến giá bán ô tô trong nước khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
|
Trong khi đó, theo tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC): “Một trong những lý do khiến công nghiệp ô tô Việt Nam không phát triển được chính là do quy mô thị trường còn quá thấp. Hiện tại lượng tiêu thụ ô tô tại VN trong những năm gần đây chỉ khoảng dưới 300.000 xe/năm. Con số này lại phân bổ vào rất nhiều dòng xe khác nhau. Trong khi, về lý thuyết mỗi mẫu xe muốn gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, phải đạt sản lượng tối thiểu 50.000 xe/năm”.
|
Thực tế trong những năm gần đây, mẫu Toyota Vios bán chạy nhất thị trường Việt Nam cũng chỉ đạt doanh số hơn 22.000 xe/năm, Toyota Innova khoảng 12.000/năm, KIA Morning hơn 10.000 xe/năm… Quy mô thị trường khá nhỏ của ô tô lắp ráp trong nước kéo theo ngành ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô không thể phát triển. Bên cạnh đó, năng lực khoa học - công nghệ của các DN Việt vẫn còn yếu kém, quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn vẫn thiếu sự liên kết… Tất cả, hình thành nên chiếc vòng luẩn quẩn khiến công nghiệp hỗ trợ ô tô VN vẫn chưa thể phát triển.
Cần sự hỗ trợ để bứt phá
Theo ông Vũ Quang Tâm, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), ngành công nghiệp phụ trợ ô tô đang đối mặt nhiều thách thức từ nội lực của doanh nghiệp và cả chính sách.
|
Vì vậy, để đưa ngành công nghiệp ô tô thoát khỏi chiếc vòng luẩn quẩn, tạo nền tảng vững mạnh để phát triển ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất trong nước. Theo ông Vũ Quang Tâm, các chính sách phát triển ngành cần rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Bởi, đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các ngành khác.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ, bản thân DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô cần có sự đổi mới, đầu tư, hướng tới tự động hóa, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng. Các DN cần có chính sách đầu tư để đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô trong nước và từng bước tham gia vào hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô.
|
Bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup, phụ trách ngành ô tô, giám sát dự án sản xuất ô tô VinFast chia sẻ: “Thành công trong sản xuất xe hơi không chỉ dừng lại ở chính nội tại một nhà sản xuất mà phải là sự phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ của cả một mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo”. Ông Võ Quang Huệ còn ví von mô hình này với hình ảnh “đàn sếu đang bay”, khi đó các nhà sản xuất ô tô được coi là sếu đầu đàn, hàng trăm nhà cung cấp linh kiện là những con sếu phía sau xếp thành một đội hình hoàn chỉnh, tạo nên một nền công nghiệp bền vững.
Ông Võ Quang Huệ cũng cho biết thêm, với dự án VinFast mục tiêu dài hạn là đạt tỉ lệ nội địa hóa hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện. Vì vậy, VinFast có chiến lược phát triển nguồn linh kiện, ưu tiên các nhà sản xuất tại VN, tiếp theo là các nhà sản xuất trong khối ASEAN và trên thế giới. VinFast cũng sẽ hỗ trợ, hợp tác với các nhà sản xuất hiện nay ũng như các nhà sản xuất mới để đẩy mạnh việc sản xuất linh kiện với công nghệ hiện đại để có thể sử dụng cho sản phẩm của VinFast, tiến tới xuất khẩu.
Bình luận (0)