Lợi ích của 5 loại hạt 'góp vui' trong khay mứt ngày tết

Lê Cầm
Lê Cầm
22/01/2023 09:10 GMT+7

Các loại hạt như hạt dưa, hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí, hạnh nhân,… không chỉ góp vui trong khay mứt ngày xuân, mà còn là nguồn thực phẩm tự nhiên bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hầu hết các loại hạt đều có những giá trị dinh dưỡng đáng kể. Chúng cung cấp protein, chất xơ, chất béo không bão hòa, chất chống oxy hóa và nhiều hợp chất khác.

"Trong đó, các loại hạt như hạt dưa, hạt điều, hướng dương, bí, hạnh nhân không những là món ăn “cho vui miệng” trong ngày tết, mà còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe, giúp cho tinh thần sảng khoái, xuân tình tươi vui", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Hạt dưa đỏ

Hạt dưa đỏ được xếp vào các món ăn may mắn ngày tết. Màu sắc đỏ tươi luôn kết nối với các hỉ sự, sự cát tường, thịnh vượng, nên sắc đỏ thấm của hạt dưa sẽ mang lại thật nhiều niềm vui và hạnh phúc đến với mọi người. Chính vì thế, hạt dưa đỏ luôn được ưu ái để hiện diện trong khay mứt của mỗi gia đình dịp xuân về tết đến.

Theo Đông y, hạt dưa hấu khi chưa rang chín có vị ngọt, tính mát, sau khi rang chín có tính bình, tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng cường sinh lực. Nếu dùng chữa bệnh thì dùng hạt dưa luộc tốt hơn hạt dưa rang.

"Theo nghiên cứu Tây y, trong hạt dưa chứa các chất protein, chất béo, glucid, vitamin nhóm B, E, canxi, sắt, selen, phốt pho... giúp cải thiện rối loạn lipid máu, cải thiện viêm gan, chắc xương, tốt cho trí não và hệ thần kinh, ngủ ngon hơn...", bác sĩ Vũ cho hay.

Trong hạt dưa chứa các chất protein, chất béo, glucid, vitamin nhóm B, E

lê cầm

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, chất béo trong hạt dưa phần nhiều là axid béo không bão hòa, có lợi trong phòng chống xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ và giảm cholesterol xấu có trong rất nhiều món ăn của ngày Tết. Bên cạnh đó, ăn hạt dưa rất phù hợp cho người ăn kiêng do lượng calo thấp và cần nhiều thời gian để cắn hết một nắm 400 hạt dưa, trong khi chỉ cần vài phút để ăn một túi khoai tây chiên có lượng calo tương đương.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý việc ăn quá nhiều hạt dưa có thể làm phá huỷ men răng và tạo thành cao răng hoặc gây mất tiếng, khàn giọng, chướng bụng đầy hơi.

Hạt điều

Hạt điều với hình dáng căng tròn, mượt mà, mang ý nghĩa của một năm với nhiều vận may và sự viên mãn cho cả năm.

Hạt điều có vị ngọt bùi và hương thơm nhẹ nhàng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Theo Đông y, hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, trừ đàm. Hạt điều rất tốt cho người suy nhược cơ thể, đau họng, ho do phong hàn, nhiều đàm. Theo nghiên cứu Tây y, trong hạt điều chứa chất béo, chất đạm, carbohydrat, chất xơ, đồng, magiê, mangan, kẽm, phốt pho, sắt, selen, thiamine, vitamin K, B6,…

Đây là món ăn giúp cân bằng hệ tiêu hóa sau những bữa tiệc ngày tết, có các lợi ích như cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu và trái tim khỏe mạnh hơn, hỗ trợ cơ bắp khỏe mạnh và xương trong cơ thể, và đặc biệt là giúp sản xuất sắc tố melanin tốt cho da và tóc,…

Ngoài ra, hạt điều chỉ chứa chất béo chưa bão hòa, không gây béo cho người sử dụng nên rất được các chị em phụ nữ ưa chuộng, không sợ tăng cân khi ăn. Nói chung, hạt điều tương đối an toàn cho chế độ ăn uống của hầu hết mọi người.

Hạt hướng dương

Hạt hướng dương có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, cầm máu, sát trùng, thúc phát ban

shutterstock

Hạt hướng dương được sinh ra từ các đầu hoa lớn của cây hướng dương, có hương vị nhẹ, thơm. Trong hạt hướng dương chứa chất béo (chủ yếu là chất béo không bão hòa, ít chất béo bão hòa), chất đạm, carbohydrat, chất xơ, vitamin E, B6, folate, đồng, magiê, mangan, kẽm, selen, chất chống oxy hóa… giúp giảm huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu, tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa lão hóa, đặc biệt giúp phụ nữ kéo dài sức khỏe và tuổi thanh xuân nhờ vào vitamin E có nhiều trong hạt.

Ngoài ra, hạt hướng dương còn giúp cải thiện sức khỏe xương, trị giun kim, suy nhược thần kinh, mất ngủ,…

Theo Đông y, hạt hướng dương có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, cầm máu, sát trùng, thúc phát ban.

Tuy nhiên, do chứa nhiều chất béo nên hạt hướng dương dễ gây nấm, mốc làm xuất hiện các chất gây ung thư như: Aflatoxin, ozchatoxin… Do đó, hãy luôn nhớ thực hành an toàn thực phẩm và thưởng thức hạt trước khi hết hạn sử dụng.

Hạt bí

Bên cạnh việc dùng ngọn, lá bí ngô làm rau xanh, dùng quả làm thực phẩm bổ dưỡng, thì hạt bí ngô thường được rang ăn, dùng nhiều nhất vào dịp liên hoan, dịp tết để tiếp khách.

Trong hạt bí rang có chứa protid, lipid, glucid, các chất khoáng (canxi, phốt pho, sắt, Mg, Zn, Selen, Mn, Cu…), caroten, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP… chất xơ; các axit béo không no như omega-3 và omega-6; vitamin E, tiền chất prostaglandin, tryptophan và một số axit amin khác...

Hạt bí rất giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng ngừa loãng xương, cải thiện chức năng bàng quang (giảm tiểu són, tiểu rát và đái dầm thường gặp ở người cao tuổi, của cả hai giới), kháng viêm, ngừa sỏi thận, bảo vệ tuyến tiền liệt và làm giảm đi những khó khăn trong tiểu tiện do phì đại tuyến tiền liệt, phòng ngừa và điều trị chứng rối loạn lipid máu, làm chậm tiến triển chứng xơ vữa động mạch. Tryptophan trong hạt bí có tác dụng chống trầm cảm, tăng cường cảm xúc tích cực, cải thiện tâm lý vui vẻ. Chính vì thế rất thích hợp để góp vui cho ngày xuân thêm vui tươi.

Hạt bí có tác dụng chống trầm cảm, tăng cường cảm xúc tích cực, cải thiện tâm lý vui vẻ

shutterstock

Theo Đông y, hạt bí có vị ngọt, béo, tính bình, tác dụng sát khuẩn, tẩy giun sán, giải nhiệt, giảm căng thẳng thần kinh. Thường xuyên ăn hạt bí sẽ giúp trừ giun sán, dịu thần kinh và giúp cho sinh hoạt tình dục được cải thiện tốt hơn. Theo sách Trung dược thực đồ giám, hạt bí sao chín rồi sắc uống, dùng chữa phụ nữ bị phù tay chân sau khi sinh, và hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Liều dùng mỗi ngày 60 - 120g.

"Hạt bí ngô có hàm lượng chất béo cao nên dễ bị nấm mốc, nên bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh ánh sáng mặt trời. Trẻ nhỏ ăn hạt bí ngô nên cẩn trọng vì dễ bị hóc. Mặc dù hạt bí có rất nhiều tác dụng tốt nhưng không nên lạm dụng để đảm bảo chế độ ăn lành mạnh cân bằng", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Hạt hạnh nhân

Hạt hạnh nhân và sữa hạt hạnh nhân

shutterstock

Hạnh nhân được ví như "nữ hoàng của các loại hạt" nhờ chứa nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người.

Trong hạt hạnh nhân sẽ chứa nhiều chất xơ, protein, chất béo, vitamin E, B2, mangan, magie, đồng, phốt pho, flavonoids... có tác dụng chống lão hóa, trẻ hóa da, phòng ngừa nhiều bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ trong máu, giúp kiểm soát huyết áp… Mặc dù hạnh nhân chứa nhiều chất béo, nhưng dường như không gây tăng cân. Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần cho thấy ăn hạnh nhân 43 gram hằng ngày làm giảm đáng kể cảm giác đói và cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân.

Mức tiêu thụ hạnh nhân lý tưởng hàng ngày theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ là khoảng 40 gram. Nếu tiêu thụ nhiều hạnh nhân, có thể gây táo bón, đầy hơi và khó chịu cho dạ dày. Tiêu thụ quá mức có thể gây độc với các vấn đề về hô hấp, nghẹt thở, suy nhược thần kinh, thậm chí tử vong do có chứa acid hydrocyanic. Trong hạnh nhân có mangan, có thể ảnh hưởng đến thuốc nhuận tràng, thuốc huyết áp và thuốc kháng sinh. Cần thận trọng, nghiêm ngặt đối với phụ nữ mang thai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.