Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ: Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số các ca Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của nhóm 0 - 2 tuổi là 2,5%; 3 - 12 tuổi là 8,9%; 13 - 17 tuổi là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0 - 2 tuổi là 0,19%; 3 - 12 tuổi là 0,06%; từ 13 - 17 tuổi là 0,09%. Việc tiêm vắc xin cho trẻ không chỉ có hiệu quả trong việc phòng ngừa mắc bệnh, nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong, mà còn giúp cho trẻ sớm được trở lại trường học và sinh hoạt trong bối cảnh bình thường mới hiện nay.
TP.HCM tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi từ ngày 27.10 |
Việc tiêm ngừa cho trẻ có độ tuổi từ 12-17 tuổi sẽ được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định, quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế. Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, thạc sĩ - bác sĩ Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, lưu ý một số điểm như:
Trước khi tiến hành tiêm chủng, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ sẽ phải thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này) theo mẫu ban hành. Trẻ sẽ được khám sàng lọc trước tiêm, tiến hành tiêm và theo dõi sau tiêm khoảng 15-30 phút tại điểm tiêm.
Một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình có thể gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ |
Độc Lập |
Vắc xin Pfizer phù hợp nhóm trẻ từ 12-17 tuổi
Loại vắc xin được khuyến cáo tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi là: nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới ((WHO)) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer-BioNTech là phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên, trẻ được tiêm 2 mũi với khoảng cách tiêm giống như người lớn. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng nhận được liều lượng vắc xin Pfizer-BioNTech Covid-19 giống như người lớn. Không có yêu cầu về trọng lượng của người được tiêm đối với tiêm chủng Covid19 và liều lượng vắc xin Covid-19 không thay đổi theo trọng lượng của người được tiêm.
Bộ Y tế 'chốt' tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ em từ tháng 11.2021 |
Tác dụng phụ sau tiêm
Một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình có thể gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ. Đây là những dấu hiệu thông thường cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch đang làm những gì mà nó phải làm. Các tác dụng phụ này thường sẽ biến mất sau 12 - 48 giờ. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ hoặc có thể sẽ gặp các tác dụng phụ sau liều tiêm thứ 2 khác với sau liều đầu tiên. Phụ huynh (cha mẹ hoặc người giám hộ) cần theo dõi các phản ứng ở trẻ như:
Trên cánh tay tại vị trí tiêm: Đau, ửng đỏ, sưng tấy. Một số trẻ có thể bị phát ban đỏ, ngứa, sưng hoặc đau ở vị trí tiêm, thường được gọi là dấu hiệu “cánh tay Covid”. Những nốt phát ban này có thể bắt đầu sau vài ngày đến hơn một tuần kể từ khi tiêm mũi đầu tiên. Nếu trẻ bị “cánh tay Covid” sau khi tiêm liều đầu tiên, trẻ vẫn nên tiêm liều thứ 2, không có chống chỉ định. Một số loại thuốc kháng histamine để giảm ngứa, hoặc acetaminophen hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể dùng để giảm đau dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Triệu chứng toàn thân có thể gặp như: Ớn lạnh, tiêu chảy, sốt hoặc vã mồ hôi, đau đầu, đau cơ, buồn nôn hoặc cảm thấy nôn nao, mệt mỏi. Một số trẻ em có thể sẽ xuất hiện sưng đau hạch bạch huyết (gọi là nổi hạch), thường ở vùng nách hoặc cổ.
Liều thuốc hạ sốt cho trẻ em dưới 11 tuổi cần hiệu chỉnh theo cân nặng của trẻ, đối với đối tượng từ 12 - 17 tuổi, cân nặng hơn 40 kg, có thể dùng liều thuốc hạ sốt như người lớn. Thường sử dụng nhất là acetaminophen (khuyến cáo không quá 75 mg/kg trong 24 giờ). Ibuprofen với liều hạ sốt khuyến cáo từ 10 - 15 mg/kg, cách nhau 4 - 6 giờ/ lần, tối đa 40 mg/kg/ngày. Không khuyến cáo sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ vì nguy cơ xuất hiện hội chứng Reye.
Để giảm đau và giảm khó chịu tại vị trí tiêm: Phụ huynh có thể đắp một chiếc khăn sạch, mát và ướt lên vùng da đó. Khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động nhẹ nhàng vùng cánh tay sẽ giúp sớm giảm cảm giác đau mỏi. Lựa chọn quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ cho trẻ. Nhiệt độ phòng có thể điều hòa ở mức 270C - 290C. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Có thể xen kẽ nước lọc với các loại nước cam, chanh, nước ép trái cây. Chế độ ăn uống vẫn duy trì như thường ngày, không cần kiêng một loại thực phẩm cụ thể sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Trường hợp trẻ xuất hiện triệu chứng khó thở, sưng mặt và cổ họng, tim đập nhanh, nổi ban nặng khắp cơ thể, hoặc chóng mặt và suy nhược, thường xuất hiện trong 30 phút đầu sau tiêm đến khoảng 4 giờ sau đó, người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ quan y tế gần nhất để được thăm khám. Nếu tình trạng ửng đỏ hoặc nhạy cảm đau ở vị trí tiêm của trẻ bắt đầu trở nặng sau 24 giờ, người chăm sóc cũng cần liên hệ với bác sĩ hoặc cơ quan y tế.
Việc mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em sẽ giúp sớm kiểm soát được dịch bệnh trong xã hội. Cha mẹ hoặc người giám hộ nên trò chuyện, giải thích cho trẻ về lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19 và những triệu chứng cần theo dõi sau tiêm, để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho trẻ.
Từ tháng 4.2021, đã có một số báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) về trường hợp viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim ở thanh thiếu niên sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên xem xét trên hàng trăm triệu liều vắc xin, tỷ lệ xảy ra rất hiếm và hầu hết các trường hợp báo cáo đều nhẹ và khỏi nhanh. Trẻ cần được hướng dẫn và báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ nếu có triệu chứng đau ngực, hồi hộp, khó thở, cảm giác buồn nôn,… để được đưa đến cơ quan y tế thăm khám kịp thời. CDC Mỹ cũng khuyến cáo vắc xin Covid-19 và các vắc xin khác giờ đây có thể được tiêm vào cùng một ngày.
Bình luận (0)