Lối thoát cho Intel giữa nguy nan

29/08/2024 05:30 GMT+7

Từng đứng đầu thị trường chip bán dẫn, Intel gần đây liên tục đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí nguy nan, và phải chăng tập đoàn này sẽ "thoát hiểm" nhờ vào nguồn lực từ chính phủ Mỹ?

Họa vô đơn chí

Reuters ngày 27.8 đưa tin ông Lip-Bu Tan, thành viên HĐQT của Tập đoàn Intel, vừa đột ngột từ chức sau khi có bất đồng với Giám đốc điều hành (CEO) Pat Gelsinger và các lãnh đạo khác của tập đoàn này.

Lối thoát cho Intel giữa nguy nan- Ảnh 1.

Trụ sở của Intel ở Santa Clara (bang California, Mỹ)

Ảnh: Hoàng Đình

Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh Intel cách đây chưa lâu đã thông báo cắt giảm 15.000 nhân sự, đồng thời tiết giảm chi phí do kết quả kinh doanh thua lỗ hàng tỉ USD. Nguyên nhân được cho là vì tập đoàn này không theo kịp các đối thủ trong cuộc chạy đua về các loại chip bán dẫn tiên tiến, đặc biệt là chip bán dẫn đáp ứng sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Giá cổ phiếu của tập đoàn này cũng giảm khoảng 30% chỉ trong một thời gian ngắn. Theo CNBC, sự lao dốc quá nhanh của giá cổ phiếu khiến Intel phải nhờ đến sự cố vấn của các tập đoàn tài chính như JP Morgan để sẵn sàng các ứng phó bị giới đầu tư thao túng giá cổ phiếu. Không những vậy, thông tin dự án nhà máy sản xuất chip trị giá 30 tỉ USD của Intel ở Đức không thể theo đúng tiến độ càng khiến giới đầu tư lo ngại.

Trong khi đó, việc không theo kịp các đối thủ về chip bán dẫn tiên tiến khiến Intel phải tăng cường đầu tư vào các hệ thống sản xuất mới để cung cấp các loại chip tiên tiến nhằm tăng tính cạnh tranh. Thậm chí, công ty này còn mở rộng cả mảng đúc chip nhằm hướng đến tiếp nhận đúc chip cho các công ty khác trong ngành.

Điều đó khiến cho chi phí đầu tư gia tăng giữa lúc doanh thu sa sút dẫn đến tình hình thêm khó khăn. Theo một phân tích mới đây trên Reuters, Intel cần tính đến phương án B, tức phải thay đổi chiến lược đang theo đuổi.

Dự kiến, năm sau, Intel phải chi thêm các khoản đầu tư cho chiến lược hiện tại. CEO Pat Gelsinger đặt ra mục tiêu các khoản đầu tư này chỉ tương đương 25% doanh thu để đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả. Nếu như thế, doanh thu của Intel trong năm sau cần đạt khoảng 75 tỉ USD, con số này cao hơn 1/3 mức dự báo mà giới phân tích đưa ra đối với kết quả kinh doanh của Intel.

Lối thoát từ nguồn lực của chính phủ?

Mới đây, chuyên gia thương mại Claude Barfield, người có nhiều năm cố vấn cho Bộ Thương mại Mỹ, đã có bài phân tích cho Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ (AEI) về tình hình của Intel.

Theo đó, một số nhà đầu tư Phố Wall cho rằng công ty này nên loại bỏ hoạt động kinh doanh mảng đúc chip để tập trung phát triển chip. Nhưng ngược lại, một số nhà đầu tư và chuyên gia lại cho rằng Intel nên tập trung vào mảng đúc chip. Bất chấp những khó khăn hiện tại, ông Gelsinger bác bỏ việc rút khỏi một trong 2 mảng này.

Lối thoát cho Intel giữa nguy nan- Ảnh 2.

CEO Gelsinger trả lời báo chí hồi tháng 2

Ảnh: Hoàng Đình

Chuyên gia Barfield dẫn lại một bài phân tích "Intel: Too Big to Turn, Too Vital to Fail" (tạm dịch Intel: Quá lớn để thay đổi, quá quan trọng để thất bại) đăng trên tờ The Wall Street Journal ngày 10.8. Theo đó, vì vai trò quan trọng và quy mô của Intel, nhất là trong bối cảnh Mỹ cần tăng cường sự tự chủ ngành bán dẫn, nên tập đoàn này có thể sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ để vực dậy hoạt động kinh doanh. Bài phân tích của tờ The Wall Street Journal còn dự báo chính phủ Mỹ có thể sẽ là một nhà đầu tư lâu dài cho Intel.

Có vẻ như, nguồn lực vừa nêu là sự tiếp sức khả dĩ để Intel vượt qua nguy nan. Đạo luật CHIP & Khoa học của Mỹ cho phép Bộ Thương mại có khoản ngân sách lên đến 39 tỉ USD nhằm hỗ trợ phát triển ngành chip bán dẫn trong nước. Thực tế, Intel đã được Bộ Thương mại Mỹ cam kết khoản tài trợ lên đến 8,5 tỉ USD cùng khoản cho vay ưu đãi lên đến 11 tỉ USD.

Ông Gelsinger đã khẳng định chip tiên tiến mới nhất của Intel - với công nghệ in thạch bản cực tím mới - sẽ được hoàn thành vào năm 2025 và đạt sản lượng đầy đủ vào năm 2026. Khoảng 40 năm trước, ông Gelsinger từng là kiến trúc sư trưởng của dòng chip 80486 giúp Intel thăng hoa và rồi ông rời khỏi tập đoàn này vào năm 2009. Đến năm 2021, ông quay lại với hy vọng vực dậy Intel giữa khó khăn. Nhưng liệu mục tiêu sắp tới có đạt được không thì cần thêm thời gian để trả lời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.