Lớn lên dưới tán bồ đề

Cao Thị Nga
Hà Nội
25/09/2024 09:09 GMT+7

Chùa Chông hay còn gọi là Hồng Chung Tự, có lẽ chữ "chông" được dân gian đọc trại từ 'chuông' mà thành.

Đó là ngôi chùa quê nằm trong một khuôn viên rộng rãi và yên tĩnh ở xã Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương. Nhưng đằng sau cái vẻ trầm mặc cố hữu của chốn thiền môn ấy, có một không gian khác, "ồn ào" với những tiếng khóc cười của trẻ con. Đó là nơi mà những đứa trẻ bị bỏ rơi được các thầy tu ở đây nhận cưu mang từ lúc lọt lòng.

Lớn lên dưới tán bồ đề- Ảnh 1.

Chùa Chông không lúc nào vắng bóng trẻ thơ

ẢNH: Cao Thị Nga

Sư trụ trì chùa Chông tên đầy đủ là Phạm Thị Minh (còn được gọi là thầy Tâm), sinh năm 1986. Đó là một "cô gái đẹp" đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Minh xuất gia từ khi mới lên 3 tuổi, cả đời nguyện theo chân Phật, rời xa thế tục. Vậy mà chẳng thể ngờ có lúc một thầy tu bỗng dưng trở thành một "người mẹ" bất đắc dĩ.

Đó là vào năm 2014, khi đứa trẻ đầu tiên bị người ta bỏ lại chùa, rồi từ đó thi thoảng lại có trẻ bị bỏ rơi. Trẻ mỗi ngày một đông hơn, sư thầy đã cho xây một gian nhà ngang nho nhỏ ngay trong khuôn viên chùa để các con có nơi ăn chốn ở. Sau này có một số con được những người hiếm muộn nhận nuôi, số nữa đã trưởng thành bước vào đời tự lập. Rồi cứ hết lớp này lại đến lớp khác, ở chùa Chông không lúc nào vắng bóng trẻ thơ.

Nguồn thu nhập chủ yếu để nuôi trẻ là từ việc bán những nông sản nhà chùa tự trồng cấy được như các loại rau, hoa quả, lá é... rồi bán bỏng ngô, măng ớt tự làm... Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện bằng cách cấp thêm đất ruộng. Ngoài ra, còn có các nhà hảo tâm, nhân dân quanh vùng, các Phật tử gần xa cũng thi thoảng tặng quà cho các bé.

Thời điểm hiện tại, chùa đang cưu mang hơn chục đứa trẻ trong độ tuổi từ sơ sinh đến bậc tiểu học. Chịu trách nhiệm giám hộ chính là sư thầy Phạm Thị Minh, bên cạnh đó có chú tiểu nữ tên Nhiệm cùng hai bà vãi thay nhau chăm sóc các con.

Lớn lên dưới tán bồ đề- Ảnh 2.

Những đứa trẻ vô tư vui đùa cùng nhau

Ảnh: Cao Thị Nga

Sở dĩ tôi biết được điều này là qua Trần Thảo Linh, em nhận làm mẹ đỡ đầu cho một trong số những đứa trẻ ở đây. Thi thoảng em đón bé về nhà chơi vài ngày cho con được hưởng chút không khí của gia đình.

Thảo cũng là một Phật tử hay đến chùa làm công quả. Em thường đăng bài trên mạng xã hội bán các sản phẩm nông sản giúp chùa. Thi thoảng kêu gọi xin gom quần áo và đồ dùng đã qua sử dụng, xin sữa về tặng các con... Đặc biệt, thấy bọn trẻ nằm ngủ ở dưới nhà mái tôn rất nóng, em và hai người bạn góp tiền túi mua tặng một máy điều hòa không khí.

Tôi đến thăm chùa Chông vào một ngày tháng 7 âm lịch năm 2024, khi mà không khí của mùa vu lan báo hiếu đang tỏa lan, thấm nhuần trong từng nhành cây, ngọn cỏ nơi cửa Phật. Đón tôi là những đôi mắt trẻ ngây thơ, trong trẻo đến nao lòng. Khác với những đứa trẻ thông thường sẽ dè chừng người lạ, các con ở đây thấy khách đến thăm đều bày tỏ cảm xúc như quen thân tự bao giờ.

Bỗng dưng trong tôi cứ day dứt một câu hỏi: liệu rằng sau này trong suốt cuộc đời của những đứa trẻ kia có khi nào được tham dự một lễ vu lan đúng nghĩa? Bởi lẽ các con đâu biết cha mẹ mình là ai, sống chết ra sao? Bông hồng cài áo cho các con sẽ là bông hoa có màu sắc như thế nào đây?

Tôi đặc biệt chú ý đến một bé gái, nghe mọi người gọi con là bé Trứng, con rất xinh xắn, chưa biết nói và mới bước được vài bước đi chập chững. Thấy tôi, con nhào đến, sà vào lòng như thèm lắm một vòng tay của mẹ. Hành động và ánh mắt ấy đã khiến tôi không thể cầm lòng. Nghe nói con bị bỏ tại chùa lúc trên người vẫn còn nguyên dây rốn.

Lớn lên dưới tán bồ đề- Ảnh 3.

Tác giả bài viết và bé Trứng

ẢNH: TGCC

Cũng qua Trần Thảo Linh, tôi ngỏ ý muốn viết bài đăng trên mạng xã hội để kêu gọi mọi người ủng hộ tiền giúp thêm cho bọn trẻ. Em ngăn tôi lại và nói rằng sư thầy không muốn như vậy. Bởi lẽ việc làm đó nếu không khéo sẽ rất dễ gây nên những thị phi rồi có thể sau này sẽ làm tổn thương đến tâm hồn của những đứa trẻ. Hiện tại nhà chùa vẫn đủ sức nuôi các con dù chỉ bằng rau dưa đạm bạc.

Ở trên đời này ít có người mẹ nào lại không thương con, ấy vậy mà tại sao những đứa trẻ kia lại bị bỏ rơi như vậy? Có lẽ họ cũng vì những hoàn cảnh bất khả kháng khi phải rời xa những đứa con do mình rứt ruột sinh ra. Ngay cái việc chọn cửa thiền làm nơi để gửi gắm con mình cũng đủ thấy họ không phải hoàn toàn là những người vô cảm. Họ đáng trách mà cũng rất đáng thương.

Hãy thử hình dung, rất có thể những đứa trẻ đó là con của một bà mẹ tuổi vị thành niên bỏ nhà "đi bụi". Hoặc chúng sinh ra bởi "tai nạn nghề nghiệp" giữa một cô gái bán phấn buôn hương với khách giang hồ. Cũng có thể người mẹ chỉ là một sinh viên khờ dại, nhẹ dạ cả tin vấp ngã chốn tình trường khi mà xung quanh không một ai đồng tình ủng hộ... Rồi còn nhiều nhiều những câu chuyện éo le khác nữa mà ta không thể ngờ đến.

Giả sử những đứa trẻ phải lớn lên trong hoàn cảnh đó, được nuôi dạy bởi những bà mẹ đó thì thật khó có câu trả lời cho tương lai của chúng. Vậy thì việc bị "bỏ rơi" chưa hẳn đã là một điều không tích cực.

Bởi ít ra khi ở chùa các con sẽ được sống cùng những bạn bè cùng cảnh ngộ nên sẽ không có nhiều sự mặc cảm, được hưởng sự nuôi dưỡng, chăm sóc từ những "bà mẹ" có tấm lòng từ ái, được nghe giáo lý nhà Phật mỗi ngày... Chỉ bấy nhiêu cũng đủ tưới tắm cho những hạt giống thiện sẽ nảy mầm, bén rễ và tươi xanh.

Tôi rời chùa Chông trong một tâm trạng nhẹ nhàng và thư thái, trút bỏ hoàn toàn gánh nặng tâm lý trước khi đến. Sau khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống của bọn trẻ ở nơi này, tôi tin chắc các con sẽ lớn lên, bình yên và hạnh phúc.

Lớn lên dưới tán bồ đề- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.