Long An cần phát huy tốt các nội lực

Bắc Bình
Bắc Bình
26/07/2023 06:37 GMT+7

Ngày 25.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự, chỉ đạo Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2023.

Long An cần phát huy tốt các nội lực - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thực địa kiểm tra việc thi công tại Dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Long An

BẮC BÌNH

Long An là địa phương thứ 10 trong cả nước và là tỉnh đầu tiên ở khu vực phía nam được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Long An hoàn toàn có thể tự lực tự cường, đi lên từ nội lực về con người, về thiên nhiên và vị trí trung tâm kết nối về kinh tế của tỉnh.

Trong triển khai các giải pháp, tỉnh phải bám sát mục tiêu trong quy hoạch đã được phê duyệt; gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là phải ưu tiên bố trí nguồn lực đồng bộ, hiệu quả để có không gian phát triển theo mô hình "1 trung tâm, 2 hành lang, 3 vùng kinh tế - xã hội và 6 trục động lực".

Trong đầu tư, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần triển khai tổng hòa từ các nguồn lực trong đầu tư công, hợp tác công - tư, nguồn lực từ doanh nghiệp (DN) và người dân. Trong đó, phải lấy đầu tư công kích thích nguồn đầu tư tư nhân để kích hoạt hết các nguồn lực của xã hội nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ nhất. Ngoài ra, Long An cần hết sức chú trọng liên kết với các vùng, với các tỉnh, thành lân cận và giữa các hành lang kinh tế…

Song song đó, Long An cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa. Rà soát lại tất cả thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển mà không làm phiền hà người dân và DN. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó cần chú trọng hơn đầu tư cho giáo dục đào tạo. Bởi, dù các nguồn lực có tốt mà nhân lực chưa tốt thì khó có thể phát triển được. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, đồng thời củng cố hệ thống chính trị vững mạnh hơn nữa và không có cán bộ tham nhũng, tiêu cực.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, cho biết toàn tỉnh có gần 16.000 DN đang hoạt động. Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 156.000 tỉ đồng, xếp thứ 12 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 90 triệu đồng/người. Tỉnh đã thu hút đầu tư FDI đạt hơn 10 tỉ USD, thuộc top 10 cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 10 trong cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR index) hạng 8 cả nước…

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2023, có 9 dự án được tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 40.000 tỉ đồng và biên bản cam kết quan tâm đầu tư với nhiều nhà đầu tư cho các dự án khác với tổng vốn ghi nhớ gần 100.000 tỉ đồng.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thực địa kiểm tra việc thi công tại công trường Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua tỉnh Long An, nằm trên địa bàn H.Bến Lức, dài 6,84 km. Tại công trường, Thủ tướng lưu ý tỉnh Long An trong việc giải phóng mặt bằng, khuyến khích tái định cư tại chỗ, nếu không thì phải làm tái định cư sao cho người dân hài lòng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến thăm một số hộ gia đình có công với cách mạng và viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An.

Trong chương trình công tác tại Long An, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết, xử lý một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, nhằm giúp địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Cùng dự có các Ủy viên T.Ư Đảng: Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư và tỉnh Long An.

Theo Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam bộ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.