Lòng nhân ái của một người khuyết tật

31/10/2018 20:32 GMT+7

Không đầu hàng với dị tật từ lúc mới sinh, chị Trần Kim Phượng (39 tuổi, ngụ P.Lê Bình, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) vươn lên học nghề kết cườm làm kế sinh nhai và dạy nghề miễn phí cho người kém may mắn như mình.

Chị Phượng kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, riêng chị không may mắn, bị dị tật từ lúc mới sinh. Tay, chân teo tóp và co quắp, không đi lại được. Hiện tại, dù ở tuổi 39 nhưng chị chỉ cao khoảng 1 m, nặng 23 kg. Mọi sinh hoạt, đi lại đều phải có người thân hỗ trợ.
Năm 2014, nhận thấy cha mẹ già yếu nhưng suốt ngày phải lo chăm sóc mình nên chị mong muốn học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Sau nhiều lần thuyết phục, được cha mẹ đồng ý, chị nhờ em gái chở đi xin học nghề vẽ áo, nhưng đến chỗ nào cũng bị từ chối. Cuối cùng, may mắn cũng đến, chị được một chủ cơ sở kết cườm cảm thương và nhận vào dạy nghề miễn phí.
Chị Phượng cho biết trong quá trình học, chị phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Do tay yếu nên những lúc kéo dây để kết cườm chị không điều tiết được lực phù hợp, sản phẩm thường bị lỗi, không đạt yêu cầu. Còn khi vô móc khóa phải dùng kềm, vật dụng bén nên chị thường bị đứt tay. Tuy nhiên, bằng ý chí phấn đấu, sau gần 1 tháng học nghề, chị đã có thể kết được những con thú xinh xắn, đa dạng kiểu dáng, màu sắc để làm móc khóa...
Đầu năm 2015, chị Phượng tự kết cườm để bán tại nhà, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội. Sau đó, chị nhờ người thân chở đến các chợ trên địa bàn để bày sạp ra bán nhằm giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng rộng rãi hơn.
Năm 2016, chị thành lập cơ sở kết cườm tại nhà và nhận dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật để góp phần tạo công ăn việc làm cho họ. Tuy mỗi tháng chỉ kiếm được khoảng 2 triệu đồng từ nghề kết cườm nhưng đối với chị Phượng, đó là cả một sự cố gắng và làm chị rất vui.
Hiện, cơ sở của chị chuyên cung cấp nguồn hàng quà lưu niệm từ cườm như: bình hoa, giỏ xách, hình thú, móc khóa đủ hình dạng... Sản phẩm do chị và các học viên gia công được khách hàng ưa chuộng nên bán khá chạy.
Tiếng lành đồn xa, nhiều hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật... đã tìm đến xin học. Nhưng vì cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có chỗ cho học viên tá túc nên chị Phượng chưa thể nhận nhiều người một lúc. Chính vì vậy, điều chị mong mỏi là phát triển cơ sở quy mô, có chi phí để tìm chỗ ở cho học viên đến học nghề miễn phí.
“Phụ nữ ai cũng muốn bản thân mình có thể làm đẹp cho đời. Người lành lặn thì làm cách khác, riêng tôi có thể đem tay nghề hoặc đầu óc để tạo ra những sản phẩm nên đó cũng là một công việc có thể làm đẹp cho đời”, chị Phượng chia sẻ.
Chị Lê Bảo Ngọc (23 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) bị khiếm thị đang học nghề tại cơ sở bộc bạch: “Qua một số người bạn tôi biết được cơ sở dạy kết cườm miễn phí của chị Phượng nên đến xin học. Suốt nhiều tháng qua, nhờ chị Phượng tận tình chỉ dạy nên tôi đã kết cườm thành thục và có thể tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.