Lớp 10 chương trình mới: Để học sinh chọn đúng môn học

Lớp 10 chương trình mới: Để học sinh chọn đúng môn học

11/04/2022 08:31 GMT+7

Năm học tới bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT. Ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được quyền lựa chọn một số môn học, chuyên đề theo năng lực, sở thích và xu hướng nghề nghiệp.

Đây là vấn đề mới, phức tạp, gây lo lắng cho học sinh (HS), phụ huynh.

Ba vấn đề cần giải quyết

Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh đến phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết của người lao động, nhân cách công dân, khả năng tự học và học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống, có khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Để đạt được mục tiêu trên, không chỉ thay đổi nội dung chương trình, đổi mới phương pháp, phương thức dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá mà quan trọng là HS được quyền chọn môn học theo năng lực, sở thích, xu hướng nghề nghiệp của mình.

Năm học 2022 - 2023 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT bắt đầu với lớp 10

ĐÀO NGỌC THẠCH

Qua trao đổi, một số hiệu trưởng trường THPT ở TP.HCM, Tây nguyên và miền Trung cho rằng có 3 vấn đề cần giải quyết, đó là: Làm sao HS nhận biết được năng lực, khả năng của mình để chọn tổ hợp môn học phù hợp; đội ngũ giáo viên (GV) và cơ sở vật chất, thiết bị nhà trường đáp ứng yêu cầu HS; công tác quản lý dạy và học phải cần khoa học, linh hoạt, vừa đáp ứng yêu cầu của HS vừa đảm bảo việc làm của tất cả GV.

Năm vấn đề băn khoăn, lo lắng

Theo các chuyên gia giáo dục, sẽ có 108 tổ hợp môn học để HS lựa chọn. Điều này gây ra nhiều lo lắng, băn khoăn cho HS, phụ huynh, GV và nhà trường.

Trước hết, làm thế nào để HS biết được năng lực, sở thích, năng khiếu và định hướng nghề nghiệp của mình để chọn tổ hợp môn học phù hợp nhất. Nếu chọn không đúng, HS sẽ học không hiệu quả, dẫn đến chán và lên lớp 11 phải chọn lại, lúc đó sẽ khó khăn cho các em, vì phải học và kiểm tra môn mới trong hè.

Kế đến, có thể xảy ra tình trạng có môn học được HS lựa chọn quá nhiều dẫn đến không đủ GV để giảng dạy, ngược lại có môn HS ít lựa chọn nguy cơ thừa GV. Tình trạng thiếu và thừa GV cục bộ xảy ra không giống nhau trong từng năm học, gây nên sự xáo trộn trong dạy và học.

Thứ ba, có HS lựa chọn các môn học (âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2) mà trường chưa có GV, sẽ giải quyết như thế nào.

Thứ tư, việc bố trí, phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu sẽ khó khăn, HS học theo biên chế lớp cố định hay theo môn học. Bên cạnh đó, còn có hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương.

Thứ năm, việc kiểm tra, đánh giá HS và thi tốt nghiệp THPT như thế nào. Giáo dục nước ta vẫn mang nặng tư duy “thi gì, học nấy”. Chẳng hạn, chương trình hiện hành có 3 ban, nhưng đề thi theo ban cơ bản, nên 100% HS cả nước học ban cơ bản. Liệu đề thi và hình thức thi có phù hợp với đánh giá phẩm chất, năng lực, hướng đến các tư duy bậc cao như phân tích, đánh giá, sáng tạo như mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới hay chỉ dừng lại ở các tư duy bậc thấp (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) như đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay?

Cần đánh giá đúng năng lực HS, hướng nghiệp sớm

Đổi mới việc dạy và học ở cấp THPT càng cho thấy vai trò tất cả môn học ở cấp THCS rất quan trọng đối với HS, có thể kiến thức, kỹ năng môn học nào đó trở thành hành trang vào đời, vì lên THPT các em có thể không học môn đó. Việc đánh giá đúng năng lực và phát hiện năng khiếu, sở thích, xu hướng nghề nghiệp của từng HS thông qua kết quả học tập và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS là rất quan trọng với sự phát triển lâu dài của HS.

Hai năm lớp 8 và 9 nên là 2 năm dự hướng, nhà trường, GV và phụ huynh tạo điều kiện cho HS bộc lộ năng lực, năng khiếu và sở thích của từng cá nhân. Nhà trường có thể thực hiện trắc nghiệm hướng nghiệp để HS nhận biết khả năng, thế mạnh của mình và nghề nghiệp phù hợp. GV chủ nhiệm, GV hướng nghiệp tư vấn cho HS chọn môn học khi lên học THPT.

Trường THPT có vai trò quan trọng

Để việc tự chọn môn học phù hợp với HS, vai trò của trường THPT rất quan trọng, mang tính quyết định. Các trường cần thống kê tỷ lệ đăng ký thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH nhiều năm trước để nắm được xu hướng nghề nghiệp của HS học tại trường. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng 4 - 6 tổ hợp môn học và sẽ mở rộng dần khi có đủ GV. Trước hết là tổ hợp môn phù hợp với bộ phận HS sẽ đi học nghề hoặc ra cuộc sống. Chẳng hạn, 5 môn như (vật lý, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học). Kế đến các tổ hợp môn phù hợp với khối A, khối B, khối C, khối D và tổ hợp có môn nghệ thuật (nếu trường có GV). Riêng môn tin học nên là lựa chọn của nhiều HS, vì vai trò của nó rất quan trọng trong thời đại công nghiệp 4.0.

Trường thông báo đầy đủ các tổ hợp cho HS biết khi dự tuyển vào trường. HS đăng ký tổ hợp môn học (từ 1 - 3 nguyện vọng). Căn cứ nguyện vọng, năng lực học tập của HS, nhà trường xếp HS vào các lớp theo cùng nguyện vọng. Nếu có tổ hợp môn nào đó quá nhiều HS lựa chọn, nhà trường sẽ tư vấn với một số HS (có kết quả học tập lớp 9 thấp) chuyển qua tổ hợp theo nguyện vọng 2. Nhà trường cần bổ sung đội ngũ, nhất là GV 2 môn âm nhạc và mỹ thuật, bởi vì 2 môn học này kích thích sự sáng tạo và sẽ có nhiều HS lựa chọn và cả GV ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh.

Sau một năm học, nếu phát hiện ra việc chọn môn của mình không phù hợp, đến lớp 11, HS được chọn lại môn mới, nhà trường phối hợp với gia đình bổ túc kiến thức, kiểm tra, đánh giá môn mới chọn trong hè.

Chương trình mới cấp THPT

7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.

5 môn tự chọn từ 3 nhóm môn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học, bao gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật)).

Chuyên đề học tập: HS được chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Ngoài ra, HS học môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số hoặc ngoại ngữ 2.

Tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT nên thực hiện thế nào ?

Việc thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, HS có thể chọn thêm một trong các môn: Khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý hoặc tổ hợp các môn tin học, công nghệ, nghệ thuật. Các môn bắt buộc thi tự luận, môn tự chọn thi trắc nghiệm khách quan. Việc tuyển sinh vào trường chuyên, ngoài văn, toán, HS dự thi thêm môn chuyên.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần phải thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, HS có quyền lựa chọn thêm 3 môn trong các môn (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học, nghệ thuật). Giai đoạn 2022 - 2024, Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp để trường THPT và HS chủ động. Tuyển sinh ĐH, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giao cho các trường tự chủ hoàn toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.