Những hình ảnh người đàn ông lớn tuổi có những hành động gần gũi, tắm bùn, thậm chí chụm đầu ăn chung que kem “kiểu Ý”… với các nữ học viên theo học đàn tranh thời gian qua được lan truyền và gây xôn xao mạng xã hội. Nhiều người bức xúc cho rằng đây là hành vi phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt.
Người đàn ông trong những tấm hình đó được cho là nghệ nhân Vĩnh Tuấn (ở ấp 1, xã Phước Bình, H.Long Thành, Đồng Nai); còn các cô gái là học viên đến học khóa đàn tranh. Từ những ý kiến bức xúc trên mạng xã hội, PV Thanh Niên đã tới nơi để tìm hiểu thực hư về lớp học “dị biệt” này.
Không dành cho người “phàm phu”
Nghệ nhân Vĩnh Tuấn (75 tuổi) được biết đến là thầy dạy nhạc dân tộc, đặc biệt là nhã nhạc cung đình Huế. Trước những ý kiến bức xúc trên mạng xã hội, nghệ nhân Vĩnh Tuấn nói về khóa học đàn tranh “dị biệt” của mình: “Tôi chẳng quan tâm với chuyện họ nói trên mạng ra sao. Cách dạy nhạc của tôi không dành cho người “phàm phu”, chỉ hướng đến những người đã đạt đến “cõi ngộ”. Học viên không màng tới thị phi”.
Giải thích về cách học tắm bùn hay “ăn kem theo kiểu Ý”, nghệ nhân Vĩnh Tuấn cho rằng việc tắm bùn ở đây là để cho học viên cảm nhận được tận cùng của mùi hôi tanh, nhưng ở đó vẫn có những đóa hoa sen khoe sắc. Ý nghĩa việc này cho thấy rằng không phải ở vị trí hay môi trường nào cũng xấu, điều quan trọng là tâm hồn mình luôn cảm thấy đẹp. “Còn việc “ăn kem theo kiểu Ý”, tôi chỉ áp dụng cho đa số học viên là người từ nước ngoài về. Thực ra ở nước ngoài họ không quá xa lạ với hình thức này”, ông Vĩnh Tuấn lý giải.
|
Một điểm lạ nữa là khóa học đàn tranh nói trên diễn ra trong thời gian ngắn. Mỗi người chỉ được dạy trong khoảng 3 ngày, bao gồm các kỹ năng cơ bản, sau đó tự tập. “Mỗi người chỉ được phép học trong 3 ngày. Nếu sau 3 ngày vẫn không học được, tức họ không có năng khiếu. Đến nay tôi đã đào tạo 344 học viên”, ông Vĩnh Tuấn nói.
Học viên tên L.Mai (29 tuổi ngụ Hà Nội) sau khi kết thúc khóa học của nghệ nhân Vĩnh Tuấn cho hay mỗi người có một bài học khác nhau nhưng bài duy nhất mà ai cũng phải trải qua là “tắm bùn” để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, ai vượt qua được bài học này thì mới học được đàn từ nghệ nhân Vĩnh Tuấn.
|
Người trong giới chuyên môn nói gì?
Nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra bức xúc với cách dạy đàn tranh này của nghệ nhân Vĩnh Tuấn với những bình luận như: “Học đàn thôi mà phải ôm ấp thế á?”; “Thoát tục đâu chả thấy, chỉ thấy dung tục”; “Chưa bàn đến chuyên môn, nhưng cách giao tiếp giữa thầy và trò như thế là đã trái đạo lý rồi”…
Trong khi đó, GS Hồ Thụy Trang (đang định cư Pháp) - một trong số ít nghệ sĩ Việt được Chính phủ Pháp công nhận và cấp bằng giáo sư dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nói: “Theo kinh nghiệm giảng dạy đàn tranh tại nước ngoài của tôi, không hề tồn tại phương pháp dạy theo kiểu “ăn kem Ý” này”. Bên cạnh đó, GS Trang chỉ ra ở nước ngoài cũng như trong nước, sự liên hệ mật thiết và gần gũi vượt giới hạn giữa thầy - trò là không phù hợp thuần phong mỹ tục. “Điều này, đã làm tôi vô cùng bức xúc. Ngay đối với bạn bè và học trò tại Pháp, người Pháp cũng không thể chấp nhận “phương pháp” này. Còn đâu là thuần phong mỹ tục?”, GS Trang lên tiếng.
|
GS Trang cho rằng việc giảng dạy của nghệ nhân Vĩnh Tuấn, thông qua những hình ảnh phản cảm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực của giới nghệ sĩ luôn đau đáu cho sự trường tồn của văn hóa Việt nói chung và âm nhạc cổ truyền nói riêng. Trước quan niệm cho rằng “dạy 3 ngày là đủ”, GS Trang rất bất ngờ vì âm nhạc là chuyên ngành được đào tạo lâu năm, và muốn trở thành một nghệ sĩ biểu diễn giỏi không thể dưới 10 năm rèn nghề và phải khổ luyện hằng ngày.
GS Trang cho biết thêm vào năm 2017, Đại hội đàn tranh thế giới đã diễn ra tại Paris (Pháp), thu hút hơn 75 nhạc sĩ, giảng viên và học sinh các nước tham gia, nhằm mục đích trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Ban đầu, ông Vĩnh Tuấn có tên trong danh sách khách mời để thuyết giảng nhạc miền Trung, nhưng ban tổ chức đã rút lại thư mời sau khi xem qua Facebook của ông. Một năm sau, nhân dịp ông Vĩnh Tuấn đến châu Âu, một hội đoàn có nhã ý mời ông sang Paris biểu diễn, nhưng một lần nữa những hình ảnh phản cảm của ông trên Facebook đã khiến buổi biểu diễn không thể diễn ra như dự tính. “Những gì diễn ra cho thấy dù ở nước ngoài, với quan điểm cởi mở như các quốc gia phương Tây, họ vẫn không thể để một người như ông đứng trên sân khấu hay bục giảng”, theo GS Trang.
Ông Phan Hữu Phước - Trưởng công an xã Phước Bình, H.Long Thành, Đồng Nai, cho biết gia đình ông Vĩnh Tuấn từ miền Trung vào sinh sống trên địa bàn ấp 1, xã Phước Bình gần 40 năm qua. Hiện tại gia đình ông Tuấn có kinh doanh quán cà phê sân vườn do con ông làm chủ. Với cá nhân ông Vĩnh Tuấn được người dân biết đến là nghệ nhân đàn tranh, ông thường đi khắp nơi, ít khi có ở nhà. Còn việc ông dạy đàn thì xã chưa thấy ông Tuấn mở cơ sở hay thông báo chiêu sinh gì, lâu lâu ông có đưa một vài người về chơi trong khu nhà của mình, việc này công an địa phương có nắm bắt thông tin, nhưng chưa có vấn đề gì xảy ra. “Hiện tại công an xã cũng chưa nhận được đơn thư phản ánh hay khiếu nại gì về việc ông Tuấn dạy đàn tranh ra sao, hay gia đình ông ở đây như thế nào cả”, ông Phước nói.
|
Bình luận (0)