Mong muốn trả ơn
Anh Trịnh Công Sơn (35 tuổi), hiện là giáo viên thể dục ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Sau những giờ lên lớp, anh đến câu lạc bộ (CLB) Thể dục, thể thao Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú để dạy võ miễn phí cho các bạn trẻ. Hoạt động này diễn ra ngót nghét cũng hơn 10 năm nay, vào thứ hai, tư, sáu hằng tuần, từ 18 giờ - 19 giờ 30. Hiện tại, lớp võ của anh Sơn đang “tuyển sinh” mọi lứa tuổi, miễn bạn là người đam mê với bộ môn judo.
Anh Sơn khởi động cho các em học sinh tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu |
Tấn Đạt |
Cẩn thận uốn nắn, chỉ bảo từng động tác, nhưng không kém phần nghiêm khắc khi học trò làm sai quá nhiều, anh Sơn cho hay từ nhỏ bản thân đã có niềm yêu thích vô bờ bến với judo và may mắn được các thầy, cô truyền đạt, dạy bằng hết tấm lòng, không thu tiền. Sau những năm tháng miệt mài luyện tập, anh Sơn đem về nhiều bằng khen, huy chương cho mình.
Năm 2012, với mong muốn trả ơn cũng như tìm ra những thế hệ trẻ giỏi, đam mê môn judo tiếp theo, anh Sơn mở lớp dạy võ miễn phí cho đến nay.
“Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn về vật chất, đồng thời một số em không có điều kiện mua đồng phục, dụng cụ. Nhưng tôi may mắn được các anh chị ở Q.Tân Phú hỗ trợ về nơi dạy... và tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ hết sức, miễn các bạn siêng năng luyện tập, đam mê và nghiêm túc với môn võ mà mình theo đuổi”, anh Sơn nói.
“Hiện tại, lớp tôi có hơn 30 em. Với các bạn đang học lớp 1, 2, những ngày đầu vào học còn ham chơi lắm. Tôi chủ yếu cho khởi động, luyện những bài tập nhẹ nhàng. Trong lớp của tôi, mỗi năm đều có em thi võ judo và đạt giải cấp quận, thành phố...”, anh Sơn tự hào nói.
Anh Sơn còn chia sẻ: “Một số phụ huynh gọi hỏi “sao thầy không thu tiền, nếu làm vậy lấy gì mà sống”. Tôi dứt khoát nói không, vì bản thân chỉ thích dạy miễn phí thôi, miễn các bé đến với tôi bằng niềm đam mê tập võ là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”.
Tại lớp dạy võ miễn phí, ngoài những hoạt động chuyên môn, anh Sơn luôn muốn trò của mình trở thành một công dân tốt cho xã hội, dùng võ đúng trường hợp, cứu người. “Một số em ra trường hay không còn học lớp học võ nữa đôi khi lại nhắn hỏi thăm tôi. Rồi đến những ngày lễ, tết, sinh nhật, có em quay về thăm hỏi, chuyện trò… Với tôi, những thứ đó đã quá đủ và hạnh phúc”, anh Sơn tâm sự.
Người cha thứ hai
Trần Hữu Chí, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, đã quay trở lại lớp, hỗ trợ anh Sơn dạy võ cho các em nhỏ, sau khi bản thân lập nhiều thành tích về judo nhiều năm nay.
“Chúng tôi như một gia đình, thầy Sơn không khác gì người cha thứ hai của mọi người. Tôi vẫn nhớ như in, hồi năm lớp 4 bản thân còn ham chơi, cúp học, đánh nhau, thường xuyên bị nhà trường mời phụ huynh, nhưng từ khi tôi tham gia học võ cùng thầy Sơn thì bản tính của mình điềm tĩnh hơn”, Hữu Chí nói.
Cô Nguyễn Thị Quế Hương, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), cho biết cô rất cảm động trước những hoạt động dạy võ miễn phí của anh Sơn cho cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ ở trường.
Còn anh Nguyễn Thanh Nhân, Chủ nhiệm CLB Thể dục, thể thao Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú (TP.HCM), chia sẻ CLB luôn hết mình hỗ trợ từ cơ sở vật chất, tạo mọi điều kiện để các hoạt động xã hội của anh Sơn thuận lợi nhất có thể. “Với tôi, lớp học võ miễn phí của anh Trịnh Công Sơn mang một ý nghĩa rất nhân văn, tạo ra nhiều thế hệ học trò vừa giỏi võ vừa có tài, đức”, anh Nhân nói.
Hơn 10 năm, trải qua biết bao nhiêu thế hệ học trò, nhưng anh Sơn vẫn như thế. Một người thầy vừa cứng cỏi vừa hiền từ, luôn cố gắng làm sao để truyền đạt những bài judo đến các em nhỏ, đào tạo ra nhiều tài năng mới. Và ít ai biết rằng, cũng ngần ấy thời gian, ngoài những buổi dạy võ miễn phí bên ngoài, anh Sơn còn đề xuất với nhà trường nơi mình đang công tác, được dạy thêm võ miễn phí cho các em khiếm thị.
“Những bạn khiếm thị thì tôi dạy nhiều và phải “cầm tay chỉ việc”. Từng cái tay di chuyển như thế nào, bước chân ra sao. Dù không nhìn thấy, nhưng các em vẫn cố gắng luyện tập, một số bạn có đam mê thì chỉ mất vài ngày làm quen”, anh Sơn cho biết.
Vợ anh Sơn là giáo viên dạy trẻ tự kỷ và anh thường xuyên dắt hai con nhỏ của mình đến trường gặp các bạn khiếm thị, tự kỷ để chúng thấy rằng trong cuộc sống vô thường này, ta còn rất may mắn. “Tôi luôn dạy các con, nếu gặp bạn bị khiếm thị, khuyết tật trí tuệ thì hãy luôn chủ động giúp đỡ hoặc là mình chơi cùng người ta, không được xa lánh”, anh kể.
Bình luận (0)