Lớp học 80 sinh viên thì có tới 60 bị cận thị

15/05/2023 15:31 GMT+7

Không thể nhìn rõ khi đi dưới mưa hay ăn đồ nóng, cũng không thể tham gia nhiều hoạt động thể chất và còn nhiều bất lợi khác khi đeo kính. Và chỉ cần nhìn qua một lớp học hay một tấm hình chụp chung, rất dễ nhìn thấy lượng người trẻ ngày nay bị cận thị rất nhiều.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ mắc cận thị đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á với tỉ lệ 39% ở năm 2020 và có khả năng tăng lên 65% vào năm 2050. Và cận thị càng xuất hiện nhiều hơn ở môi trường học đường, đặc biệt là học sinh và sinh viên. 

Mỗi lần đo mắt đều lên độ 

Đã bị cận 7 năm, Trương Lê Vĩnh Phúc, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cho biết thời gian đầu mắt lên độ khá nhanh, mỗi lần đo mắt định kỳ đều lên 0.5 độ và hiện tại độ cận của Phúc lần lượt với mắt trái 3.25 độ và mắt phải 3.75 độ.

Người trẻ bất lực vì “mờ mờ ảo ảo” bởi… cận thị - Ảnh 1.

Hiện nay, hầu như mỗi nhóm bạn trẻ thường sẽ có rất nhiều trường hợp bị cận thị

TUYẾT NHI

"Bị cận do mình ngồi học không đúng tư thế, không đủ ánh sáng và có thói quen xem truyền hình nhiều buổi tối. Mỗi lần, chạy xe dưới mưa như cực hình, vì mắt kính bị ướt gây cản trở tầm nhìn nên rất nguy hiểm. Còn hôm trời lạnh, lúc đeo khẩu trang thì mắt kính bị hấp hơi", Vĩnh Phúc cho biết.

Do đặc thù ngành học nên các bạn của Phúc đều bị cận, với một lớp có 80 sinh viên thì có tới 60 bị cận ở các mức độ. "Những lúc chụp hình, cả nhóm hầu như đeo kính hết, mọi chuyện sẽ bình thường nếu như không nghe phải mấy lời như: "Chắc mấy đứa này rủ nhau chơi game nhiều nên toàn mắt cận". Điều này khiến mình rất khó chịu", Phúc nói.

Còn với Trần Thị Thanh Hằng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM: "Chẳng may mình quên mang kính thì gặp người quen cũng hóa lạ, rất dễ bị phàn nàn vì có thái độ làm ngơ do mình không thấy gì. Người bị cận như mình, nếu không đeo kính thì tai cũng trở nên kém hơn và như bỏ kính ra giống như bị điếc vậy".

Người trẻ bất lực vì “mờ mờ ảo ảo” bởi… cận thị - Ảnh 2.

Kính bị hấp hơi do nhiệt độ, bị bám nước mưa, dễ gãy vỡ, tính thẩm mỹ và nhiều nguyên nhân khác khiến người trẻ sợ bị cận thị

THƯỢNG HẢI

Đã 13 năm đeo kính từ khi học lớp 3, Trần Hoàng Tuyết Nhi, sinh viên Trường ĐH FPT TP.HCM cho biết hồi bé thích xem truyền hình, đọc sách truyện nhiều nên bị cận.

"Với thời đại công nghệ phát triển, việc cận thị ngày càng trẻ hóa là hiển nhiên vì đa số bạn bè mình quen từ THPT đến đại học đều bị. Kể đến 10 năm về trước, tuổi thơ của mình không gắn liền với chiếc điện thoại, máy tính bảng như bây giờ cũng dính phải, nên việc bị cận sớm hiện nay lại là vấn đề khá nổi trội và đau đầu", Tuyết Nhi bày tỏ.

Đồng cảm với chuyện cận thị, Đào Bảo Minh, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết vì mắt bị cận loạn nên có nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống, từ những chuyện lặt vặt như: đi dưới mưa thì phải tấp vào lề, ăn đồ nóng thì hơi bốc lên khiến kính mờ cho đến chơi thể thao bị rơi vỡ hoặc một ngày quên không mang kính thì không thể thấy gì.

"Trong lớp mình có rất nhiều bạn bị cận, ở độ tuổi này mà bị cận thì khá sớm vì người trẻ vẫn còn có thể trải nghiệm nhiều thứ nhưng vì xã hội ngày càng phát triển và việc học tập dựa trên máy móc như: laptop, điện thoại… khiến họ phải tiếp xúc chúng liên tục. Theo mình, ngoài những thói quen xấu hại mắt thì việc học tập ngày nay có rất ít hoạt động thực tế mà thuần lý thuyết với việc xem những trang giáo trình dày, khiến cho mắt luôn điều tiết nên dễ bị cận sớm", Bảo Minh chia sẻ.

Đừng quá lo lắng nếu mắc cận thị

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết cận thị thường xuất hiện khi trẻ bước vào độ tuổi đi học và thường ổn định khi trẻ 15 tuổi. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cận thị cũng có thể khởi phát ở người trên 18 tuổi, với tỷ lệ khoảng ước tính ngày nay khoảng 15%.

"Đối tượng thường gặp là người trẻ tiếp xúc nhiều với khoa học máy tính, kỹ thuật và các ngành học yêu cầu nhìn gần nhiều. Tốc độ tiến triển cận thị ở nhóm 18 đến 25 tuổi khoảng 0.25D/năm (0,25 độ cận/năm)", bác sĩ Huy cho hay.

Người trẻ bất lực vì “mờ mờ ảo ảo” bởi… cận thị - Ảnh 3.

Người trẻ nên hạn chế việc tiếp xúc các thiết bị điện tử thường xuyên để hạn chế cận thị

BÁC SĨ TRẦN ĐÌNH MINH HUY

Cũng theo bác sĩ Huy thói quen sinh hoạt và điều kiện giáo dục cũng ảnh hưởng đến cận thị, đặc biệt tỉ lệ cận thị cao hơn ở các quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển, do người trẻ được tiếp cận giáo dục áp lực cao từ sớm, lượng bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ học ở trường nhiều. Ngoài ra, việc nhìn gần và sử dụng các thiết bị điện tử với cường độ cao cũng đến gia tăng tình trạng cận thị.

Để hạn chế cận thị, bác sĩ Huy chia sẻ: "Người trẻ cần đảm bảo ít nhất 2 giờ sinh hoạt dưới ánh nắng mặt trời mỗi ngày vì có thể trì hoãn khởi phát và làm chậm tốc độ tiến triển cận thị. Đồng thời hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử với chế độ thư giãn hợp lý khi làm việc bằng cách áp dụng nguyên tắc 20-20-20, sau mỗi 20 phút nhìn gần cần nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6 mét), trong 20 giây".

Người trẻ bất lực vì “mờ mờ ảo ảo” bởi… cận thị - Ảnh 4.

Người trẻ cần tham gia các hoạt động ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời để giảm độ cận thị

VĨNH PHÚC

Cũng theo vị này, ngày nay có nhiều phương pháp hạn chế tốc độ tăng cận thị cho người dưới 18 tuổi như: thuốc nhỏ mắt liều thấp, kính áp tròng mềm hoặc kính gọng đa tiêu cự. "Người cận thị trên 18 tuổi có thể chọn phẫu thuật khúc xạ giúp cải thiện thị lực và không cần mang kính, nhưng phương pháp này không thể ngăn chiều dài trục dài ra của nhãn cầu. Nên việc mổ cận cần được tư vấn từ bác sĩ với nhu cầu và thể trạng phù hợp của mỗi người", bác sĩ Huy bày tỏ.

Theo bác sĩ Minh Huy, đừng quá lo lắng nếu người trẻ mắc cận thị mà cần có thực hiện phương pháp khoa học để bảo vệ cho mắt. "Hãy chuẩn bị cho mình một chiếc kính đúng độ để sinh hoạt thật thoải mái bằng cách thăm khám ở các trung tâm uy tín. Tiếp theo, áp dụng chế độ sinh hoạt hợp lý và bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, omega-3 tốt cho mắt như: dầu cá, rau xanh đậm, thực phẩm có màu vàng hoặc đỏ. Cuối cùng, khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để theo dõi tình trạng cận thị và đề phòng các biến chứng ở mắt do cận thị", bác sĩ Huy cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.