Lũ quét 'xóa sổ' thêm 1 ngôi làng ở Quảng Nam

Mạnh Cường
Mạnh Cường
08/11/2020 05:47 GMT+7

Một lần nữa, lũ lại quét ngang xã Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam), đã “xóa sổ” thêm 1 ngôi làng nơi đây khiến nhiều căn nhà bị cuốn trôi. Rất may là không thiệt hại về người.

Xã Trà Leng lại nhận thêm 1 cơn lũ quét kinh hoàng. Nước cuồn cuộn đổ về vào chiều 6.11 đã cuốn trôi hoàn toàn 12 căn nhà, 8 căn hư hỏng (70%) ở làng Tăk Pát (thôn 2). Chỉ cần 1 trận mưa nữa thì 8 căn nhà này cũng sẽ bị cuốn trôi hoàn toàn.
Hiện nay, ngôi làng này đã bị “xóa sổ” hoàn toàn, bởi trước đó trong bão số 9 cũng đã có 12 căn nhà ở đây bị cuốn trôi khi lũ quét qua. Không chỉ nhấn chìm nhà cửa của dân, trận lũ quét chiều 6.11 còn khiến điểm trường tiểu học và một chốt bảo vệ rừng khu dân cư Tăk Pát đổ sập.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Phải xây dựng làng mới

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, lo lắng: “Khi trận lũ quét đổ về chỉ nghe tiếng nước ầm ầm đổ xuống. Cùng với đó là tiếng từng ngôi nhà dần sụp đổ, rồi biến mất trong dòng nước lũ ám ảnh mãi không dứt. Chưa có năm nào thấy cảnh kinh hoàng như thế. Không biết đến bao giờ cái cảnh này mới chấm dứt”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho hay trận lũ quét xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 6.11. Rất may, các hộ dân này đã được di dời trước đó nên không thiệt hại về người. Hiện một số đang tạm trú tại nhà người thân ở làng khác, một số khác thì được địa phương bố trí ở tại các điểm trường học, nhà văn hóa thôn. Đồng thời, cung cấp lương thực để bà con tạm sinh sống trong những ngày không có nhà. Huyện cũng đã sơ tán hơn 1.500 hộ dân với khoảng 10.000 người ở 10 xã có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Theo ông Dũng, về lâu dài địa phương sẽ họp dân rồi chọn địa điểm phù hợp để xây dựng làng mới, đưa những hộ dân ở Tăk Pát (thôn 2) và những hộ dân ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) bị sạt lở trước đó vào chung một làng. “Địa phương dự kiến sẽ chọn khu đất gần xã Trà Leng, nhưng thuộc xã Trà Dơn (H.Nam Trà My) để xây dựng làng mới cho người dân. Từ kinh nghiệm của đợt này, việc sắp xếp dân cư cần phải đảm bảo những yếu tố tiên quyết tránh việc sạt lở có thể xảy ra bất ngờ”, ông Dũng nói.
Một số người dân làng Tăk Pát ở tạm nhà văn hóa thôn

Một số người dân làng Tăk Pát ở tạm nhà văn hóa thôn

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay với lượng mưa lớn đổ xuống, không thể lường trước chuyện gì có thể xảy ra. “Như nóc Ông Đề, có ai nghĩ là tan hoang chỉ sau một cơn lũ. Làng ở đó cả mấy chục năm rồi, chưa hề xảy ra chuyện gì. Vì vậy, phải sơ tán người dân đến những nơi khả dĩ an toàn nhất”, ông Bửu nói.
Trà Leng, nơi nổi tiếng với rừng quế cổ thụ, thương hiệu “quế Trà My” nay hoang tàn sau những đợt lũ dữ. Những nơi chắc chắn như nóc Ông Đề (thôn 1) phải chứng kiến tang thương do sạt lở núi khi có đến 9 người chết, 13 người còn mất tích mà lực lượng chức năng đến hôm qua (7.11) vẫn đang nỗ lực tìm kiếm.

Tìm thấy thi thể bé gái mất tích trong vụ sạt lở ở Trà Leng

Yêu cầu người dân hạn chế đi lại vì phát hiện nhiều vết lở trên núi

Ngày 7.11, ông Hồ Văn Trọn, Phó chủ tịch UBND xã Húc (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), cho biết vừa có báo cáo nhanh gửi cơ quan chức năng H.Hướng Hóa về việc trên địa bàn xuất hiện các điểm nứt nẻ có nguy cơ sạt lở cao.
Theo đó, tình trạng mưa lũ kéo dài vừa qua đã khiến hàng chục điểm trên tuyến tỉnh lộ 587 đoạn qua xã Húc bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt tại đỉnh đồi đoạn Km 8, xuất hiện nhiều vết nứt nẻ, sụt lún có nguy cơ gây sạt trượt đất đá xuống đường bất cứ lúc nào. Tỉnh lộ 587 là tuyến đường độc đạo dẫn vào các thôn, bản của xã Húc nên lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Trước tình trạng này, UBND xã Húc đã yêu cầu người dân hạn chế đi qua đoạn đường trên, đặc biệt là lúc trời mưa to.
Trước đó, sạt lở đất đã khiến 9 người trên địa bàn xã Húc tử vong và 1 người bị thương nặng. Địa bàn xã này bị chia cắt, cô lập trong nhiều ngày vì sạt lở đất và hàng loạt đập, ngầm tràn qua suối bị lũ cuốn trôi.
Sáng cùng ngày, ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn (H.Hướng Hóa), xác nhận vào chiều 6.11, 3 phụ nữ ở thôn Nguồn Rào (xã Hướng Sơn) khi đi qua cầu tràn Nguồn Rào thì bị nước lũ đổ về cuốn trôi. Rất may, một số người dân địa phương dũng cảm kịp thời ứng cứu nên 3 người phụ nữ được đưa lên bờ an toàn.
Nguyễn Phúc
 

Thường trực nỗi lo... đất nổ

Tan hoang ở ngôi làng bị lũ kinh hoàng “xóa sổ” chỉ sau 2 phút

Trong chiều tối 6.11, những ngọn đồi no nước lại “vặn mình” rồi bất ngờ tiếp tục đổ xuống khiến việc thông đường vào các xã bị cô lập là Phước Thành và Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam) vốn đã khó lại khó thêm bội phần. Hiện công tác tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi ở xã Phước Lộc phải tạm dừng vì mưa lớn.
Chị Hồ Thị Phương Thảo (ở xã Phước Kim, H.Phước Sơn) cho biết mỗi lần đồi núi đổ xuống là phát ra tiếng nổ, rồi đất đá ầm ào chảy xuống. Vì thế, cả đêm cứ thấp thỏm âu lo. “Trong đêm 6.11, có không dưới 3 lần nghe tiếng đất nổ ràn rạt ở sát mình. Lo lắm, cứ nghĩ giờ mà chạy cũng chẳng biết chạy về đâu khi 4 bề đều là núi”, chị Thảo lo lắng.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Dang, Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh (H.Nam Trà My), cho biết bão số 9 kèm theo mưa lớn những ngày qua đã khiến 1.035 cây sâm Ngọc Linh loại từ 3 - 6 tuổi (sâm làm giống) của 9 hộ dân tại thôn 3 bị thiệt hại do nước lũ cuốn trôi, sạt đất vùi lấp. Ngoài ra, bão cũng khiến nhiều cây cổ thụ ngã đổ, đè dập các vườn sâm của người dân. Trước đó, bão số 6 cũng khiến nhiều vườn sâm ở thôn 2 (xã Trà Linh) bị vùi lấp, cuốn trôi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói về những nhân tai gây ra sạt lở, lũ lụt miền Trung

 

Bình Định: Sạt lở bất thường ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh

Ông Bùi Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Thạnh (Bình Định), cho biết mưa lớn vào sáng 6.11 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở, đất đá đổ xuống mặt đường với khối lượng rất lớn. Nghiêm trọng nhất là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm H.Vĩnh Thạnh đi xã Vĩnh Kim có 13 điểm sạt lở, đi xã Vĩnh Sơn có 15 điểm sạt lở… Hiện việc đi lại trên những tuyến đường này rất khó khăn, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe máy.
Sạt lở tại khu vực thủy điện Vĩnh Sơn 5 ẢNH: NGUYỄN LỢI

Sạt lở tại khu vực thủy điện Vĩnh Sơn 5

ẢNH: NGUYỄN LỢI

Sáng 7.11, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã đi kiểm tra công tác khắc phục sạt lở đất tại H.Vĩnh Thạnh. Chỉ đạo di dời dân đến nơi an toàn, ông Dũng yêu cầu Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn trong vòng 3 ngày phải thông tuyến các điểm sạt lở.
Cũng trong hôm qua, Sở Công thương tỉnh Bình Định có văn bản gửi Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) báo cáo nhanh về sự cố sạt lở tại thủy điện Vĩnh Sơn 5 (xã Vĩnh Kim, H.Vĩnh Thạnh). Theo báo cáo, ngày 6.11, mưa lũ đã gây tắc nghẽn một số vị trí cục bộ trên kênh dẫn nước vào Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 do đất đá, cây cối phía bờ phải kênh dẫn nước sạt xuống vùi lấp. Ngoài ra, hệ thống đường vận hành, đường bê tông từ nhà làm việc đến đập Vĩnh Sơn 5 đang bị tắc nghẽn giao thông, khu vực nhà máy bị sạt lở nhẹ, bùn cát phía trên chảy vào trạm biến áp và một số nơi tại nhà máy. Hiện thủy điện Vĩnh Sơn 5 tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố.
Hoàng Trọng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.