Theo báo cáo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP): Tại vùng thượng nguồn của sông Cửu Long, mực nước tại các trạm đo Kratie và Biển Hồ (Campuchia) sau khi đạt đỉnh vào đầu và giữa tháng 10 hiện có xu hướng giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Đỉnh lũ đang bị lùi lại so với TBNN do tác động từ các đập thủy điện thượng nguồn. Sự biến đổi của mùa lũ cũng gây ra nhiều bất lợi về mặt tự nhiên và môi trường của dòng sông |
Chụp màn hình |
Tại vùng ĐBSCL, đỉnh lũ chính vụ năm 2022 ghi nhận được vào ngày 11 - 12.10. Tại Tân Châu là 3,64m (thấp hơn đỉnh lũ TBNN 0,27m) cao hơn báo động (BĐ) 1 là 0,14m. Tại Châu Đốc là 3,34m (thấp hơn đỉnh lũ TBNN 0,27m) cao hơn BĐ 1 là 0,34m.
Sau khi đạt đỉnh, mực nước giảm nhanh và biến đổi theo thủy triều, đến ngày 1.11 mực nước tại Tân Châu dao động ở mức 2,75 - 2,85m, thấp hơn TBNN từ 0,21 - 0,31m và thấp hơn BĐ 1 từ 0,65 - 0,75m. Tại Châu Đốc đạt 2,65 - 2,75m xấp xỉ TBNN từ 0,1 - 0,25m và thấp hơn BĐ 1 từ 0,25 - 0,35m.
Từ nay đến cuối tháng 11, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục giảm, dự báo ngày 30.11 tại trạm Tân Châu và Châu Đốc có thể ở mức 1,95 - 2,05m, thấp hơn TBNN từ 0,19 - 0,31m.
TP.Cần Thơ, một trong những địa phương bị ngập nặng do triều cường, dự báo ngày 25 - 26.11, triều cường sẽ ở mức cao |
Đình Tuyển |
Dù lũ đầu nguồn giảm nhưng ở vùng giữa và ven biển vẫn đối mặt với nguy cơ triều cường cao. Dự báo từ này đến cuối năm triều cường vẫn ở mức cao hơn khá nhiều so với TBNN và cao hơn đỉnh triều năm 2021. Cao nhất là kỳ triều cường 25 - 26.11, nguy cơ xảy ra ngập úng ở những vùng trũng thấp đặc biệt ở các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và các tỉnh ven biển.
Một lưu ý khác, dù năm nay mực nước lũ sông Mê Kông tương đối khá hơn so với nhiều năm gần đây tuy nhiên vẫn có nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô kế tiếp. Tuy nhiên, tình trạng hạn mặn sẽ ít căng thẳng như các năm cao điểm 2016 và 2020.
Bình luận (0)