Về Sa Đéc nghe chuyện 'Người tình'

01/11/2022 13:00 GMT+7

“Anh về Sa Đéc mà không nghe những câu chuyện về Người tình là rất uổng phí!”, một người bạn yêu văn học đã nói như thế khi tôi đến thăm thành phố được mệnh danh là thủ phủ hoa của miền Tây.

Vâng, làm sao có thể bỏ qua những câu chuyện thú vị đã làm nên L'Amant của bà Marguerite Duras và sau này được đạo diễn Jean Jacques Annaud dựng thành phim với nữ diễn viên Jane March vai Marguerite và nam diễn viên Lương Gia Huy vai Huỳnh Thủy Lê. Bên tách cà phê tại một quán nhỏ gần ngôi nhà cổ của dòng họ Huỳnh, câu chuyện tình lãng mạn xuyên biên giới bỗng đâu lại về với những chi tiết từ sách, từ phim và từ cuộc sống.

Cảnh phim Người tình

chụp từ phim

Trong ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự Tây Âu nhưng lợp ngói âm dương, ở hai đầu mái cong vút lên như hình chiếc ghe biểu trưng của vùng sông nước miền Tây người con trai út mang tên Huỳnh Thủy Lê ra đời. Sau nhiều năm học ở Paris, chàng trở về nước và giúp cha kinh doanh. Trong một lần trên đường từ Sa Đéc lên Sài Gòn, khi qua phà Mỹ Thuận chàng đã rung động trước vẻ đẹp của một cô gái người Pháp tên là Marguerite Donnadieu. Chuyến phà định mệnh ấy là khởi đầu cho một cuộc tình lãng mạn nhưng cũng đầy bi thương.

Họ đi lại với nhau. Gia đình cô gái không đồng ý với mối quan hệ này. Đến nước chín muồi, chàng trai ngỏ ý với cha mình nhưng ông cương quyết không cho con cưới vợ Pháp vì đã chọn cho cậu ta một cô gái môn đăng hộ đối đã hứa từ trước. Mối tình say đắm nhưng đầy trái ngang giữa Marguerite và Huỳnh Thủy Lê rơi vào bẽ bàng. Hai trái tim lãng mạn không thể gắn kết với nhau vì những định kiến của xã hội đương thời. Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm, thời gian dần trôi qua, cô gái năm xưa đã trở thành một nữ sĩ già - Marguerite Duras. Một ngày tuyết rơi, người đàn ông khi xưa qua Pháp cùng với gia đình, gọi điện thoại thăm hỏi, bảo rằng mối tình ấy vẫn còn sống trong chàng. Bà nữ sĩ nhìn chiếc lư trầm nhỏ bé năm xưa chàng đã tặng và những dòng ký ức chợt ùa về với những kỷ niệm sâu lắng của một thời. Trong lòng mỗi con người, dù già hay trẻ cũng có một mối tình để sống. Hoài niệm về mối tình đầu sẽ không dễ nguôi ngoai cho dù ở phương Đông hay phương Tây cũng thế.

Trường tiểu học Trưng Vương (xưa là trường École de Jeunes Filles)

tgcc

Người tình, vinh dự nhận giải thưởng Goncourt, được dịch qua gần 50 thứ tiếng và được dư luận đón nhận với cái nhìn trong sáng, thành thật với những hình ảnh về cảnh vật, con người, lối sống vùng bằng sông Cửu Long, dàn trải từ Sa Đéc, xuống tận Hà Tiên, qua sông Cửu Long, lên Sài Gòn qua ngòi bút của nữ sĩ Marguerite Duras. Từ khi quyển tiểu thuyết và bộ phim Người tình lưu hành rộng rãi trên toàn cầu thì ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc trở nên nổi tiếng, đặc biệt là với du khách phương Tây. Ngôi nhà mà nữ sĩ gọi là Lâu đài xanh (Palais bleu) với vật liệu chính là gỗ quý, gạch bông chở từ Pháp qua và những trang trí nội thất mang đậm nét phương Đông. Đặc biệt cả ba gian đều trũng ở chỗ giữa vì theo quan niệm của người Hoa - Gia chủ mong muốn giữ lại của cải, không để thất thoát. Sự kết hợp kiến trúc Pháp - Hoa - Việt hài hòa với bàn tay tài hoa của những người thợ vùng Sa Đéc ngày xưa thật đáng thán phục.

Có một điểm thú vị là khi làm phim người ta phải tìm bốn ngôi nhà khác nhau để quay bối cảnh ngôi nhà của Huỳnh công tử! Thật là một thiếu sót nếu không nhắc đến trường École de Jeunes Filles (nay là trường tiểu học Trưng Vương, Sa Đéc) nơi mà bà giáo già - mẹ của Marguerite làm hiệu trưởng. Đứng trước cổng ngôi trường hiện nay, thật khó cho tôi mường tượng những gì đọc và xem - Trường học được miêu tả là giữa nơi hoang vu, hẻo lánh. Ngôi nhà cũ kỹ tạm cấp cho giáo viên ở tỉnh lẻ. Gia đình nghèo, bữa cơm dọn ra, hai cậu con trai giành ăn. Ban đêm, khi nhà bà giáo lên đèn nhiều loại côn trùng bay vào ánh đèn, bị hơi nóng làm cháy cánh, chết rơi tại chỗ... Đoàn làm phim phải đến tận Suối Tre (Đồng Nai) để có được tìm được bối cảnh thích hợp cho ngôi trường và ngôi nhà khiêm tốn của gia đình bà giáo. Một trong những cảnh lớn của phim là đám cưới xa hoa của chàng trai để tạo sự tương phản với kiếp nghèo của cô gái. Không gian bao la từ nhà lồng chợ qua con rạch Sa Đéc đủ để đáp ứng khung cảnh này. Tôi dạo bước trên con đường dọc theo bờ sông và nhớ đến chi tiết chàng trai và cô gái hướng mắt về nhau, không nói một lời nào và vội quay đi với biết bao day dứt…

Được biết, nhà văn Jean Mascolo - con trai của bà Marguerite Duras đã tìm đến Sa Đéc để tìm hiểu thêm về nơi bà ngoại mình từng sinh sống và làm việc - trường tiểu học Trưng Vương và không quên thăm nhà của ông Huỳnh Thủy Lê - người tình của mẹ ông thưở nào. Trong ngôi nhà cổ hiện nay, có rất nhiều hình ảnh liên quan đến câu chuyện tình xuyên biên giới này - hình bà Marguerite Duras và ông Huỳnh Thủy Lê, hình hai diễn viên chính trong phim…

Người tinh từ sách đến phim và những chi tiết bên lề thu hút rất nhiều người khi đến thành phố trẻ bên dòng sông Tiền. Đến đây, những người yêu văn hóa đọc sẽ có những trải nghiệm thú vị với không gian văn học đã làm nên một câu chuyện tình lãng mạn, có thêm kiến thức về chuyện đời và chuyện người Nam bộ trong những năm cuối thập niên hai mươi. Về Sa Đéc nhớ nghe chuyện Người tình nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.