Lũ rút nhanh, mùa khô hạn ở ĐBSCL năm nay sẽ diễn biến thế nào?

Chí Nhân
Chí Nhân
01/12/2024 11:42 GMT+7

Mùa lũ ở ĐBSCL đã kết thúc và vựa lúa miền Tây đang bước vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn được dự báo có thể gay gắt hơn trung bình nhiều năm.

Mưa trái mùa giúp khô hạn đỡ gay gắt như năm trước

Trong bản tin tổng kết mùa lũ năm 2024, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Năm 2024 là một năm lũ nhỏ ở ĐBSCL, đỉnh lũ xuất hiện muộn và rút nhanh. Đỉnh lũ tại Tân Châu ghi nhận được vào ngày 4.10, đạt mức 3,38m, thấp hơn báo động 1 là 0,12m và thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,49m. Tại Châu Đốc đỉnh lũ xảy ra vào ngày 5.10, đạt 3,14m, cao hơn báo động 1 là 0,14m và thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,35m. Vựa lúa miền Tây bước vào mùa khô hạn và xâm nhập mặn được dự báo sẽ gay gắt hơn trung bình nhiều năm.

Lũ rút nhanh, mùa khô hạn ở ĐBSCL năm nay sẽ diễn biến thế nào? - Ảnh 1.

Mùa khô hạn năm nay dự báo gay gắt hơn trung bình nhiều năm

ẢNH: CÔNG HÂN

Tuy nhiên, do triều cường cao kết hợp lũ đầu nguồn nên đỉnh lũ vùng giữa và vùng ven biển thuộc vào năm lũ cao, phổ biến từ mức báo động 2 - 3 và trên mức báo động 3 vào thời kỳ triều cường giữa tháng 10 và giữa tháng 11. Điều này gây ra ngập úng nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh có địa hình thấp trũng và các khu vực ven sông.

Hiện tại, mực nước trên dòng chính sông Mekong tại trạm Kratie (Campuchia) đến ngày 30.11 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2023, nhưng cao hơn khá nhiều cùng kỳ các năm 2019 và 2015. Dung tích Biển Hồ (Campuchia) đến ngày 30.11 ở mức nhỏ hơn một chút nhiều so với năm 2023 và trung bình nhiều năm. Tương tự, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế giảm vào tuần cuối mùa lũ. Mực nước nội đồng cuối mùa lũ ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu đến ngày 30.11 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2023. Trong khi đó, triều cường dự báo các tháng mùa khô 2024 - 2025 ở mức cao, so với trung bình nhiều năm cao hơn khá nhiều đặc biệt trong tháng 12.2024 và 1.2025.

"Dự báo nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 - 2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng khả năng cao sẽ không gay gắt như mùa khô năm 2023 - 2024. Nguyên nhân do hiện nay đang xuất hiện trạng thái La Nina nhẹ và có thể kéo dài đến tháng 3.2025. Khả năng mưa trái mùa sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời kỳ này so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023 - 2024 và ít có nguy cơ xảy ra nắng nóng kéo dài như năm 2023 - 2024", SIWRP nhận định.

Thủy điện Trung Quốc tích nước nhiều kỷ lục

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mekong) cho biết: Vào tuần trước, mực nước tại đập Nọa Trát Độ của Trung Quốc, con đập lớn nhất trên lưu vực sông Mekong ghi nhận mực nước cao kỷ lục là 810,6m và dung tích khoảng 11,69 tỉ m3. Trong quá khứ, mực nước cao nhất tại con đập này từng được ghi nhận là 809,6m vào ngày 29.10.2018. Việc các con đập tích nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô đã ảnh hưởng đến nhịp lũ tự nhiên của dòng sông và gây tác hại nghiêm trọng lên hệ sinh thái đặc biệt vùng hạ lưu vực.

Trong tuần qua, các con đập cũng bắt đầu quá trình xả nước và một số đập khác ở phía dưới tranh thủ tích nước luân phiên. Có 16 đập xả nước và bên dưới có 7 đập tích nước; các đợt xả nước lớn nhất đến từ đập Tiểu Loan (Trung Quốc), 722 triệu m3, Cảnh Hồng (Trung Quốc), 144 triệu m3 và Nam Ngum 2 (Lào) 204 triệu m2. Các đợt tích nước lớn nhất được ghi nhận tại Hoàng Đăng (Trung Quốc), 162 triệu m3, Nọa Trát Độ (Trung Quốc), 332 triệu m3 và Nam Ngum 1 (Lào), 108 triệu m3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.