Hai thủy điện lớn nhất sông Mekong tích đầy nước, ĐBSCL bị tác động ra sao?

Chí Nhân
Chí Nhân
10/11/2024 17:25 GMT+7

Hai con đập lớn nhất trên dòng sông Mekong là Tiểu Loan và Nọa Trát Độ ở Trung Quốc lần đầu tiên tích đầy nước. Điều này ảnh hưởng thế nào đến mực nước sông Mekong và vùng ĐBSCL?

Mùa lũ sông Mekong bị biến đổi vì thủy điện

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong), lượng mưa dồi dào ở Trung Quốc đã giúp đập Nọa Trát Độ lần đầu tiên tích đầy nước 100% sau 6 năm đi vào hoạt động. Nọa Trát Độ là con đập thủy điện có hồ chứa lớn nhất trên sông Mekong với sức chứa khoảng 11,35 tỉ mét khối, đã tích đầy nước từ cuối tháng 10. Đứng ở vị trí thứ 2 là đập Tiểu Loan với sức chứa trên 11 tỉ mét khối cũng đã tích đầy nước trong tuần đầu của tháng 11.

Hai thủy điện lớn nhất sông Mekong tích đầy nước, ĐBSCL bị tác động ra sao?- Ảnh 1.

Hai thủy điện lớn nhất trên dòng sông Mekong đã tích đầy nước, dự báo hoạt động xả nước phát điện sẽ khiến mực nước sông cao bất thường trong mùa khô sắp tới

ẢNH: TL

Trong mùa lũ năm nay, đỉnh lũ sông Mekong ghi nhận vào cuối tháng 10, trễ hơn khoảng một tháng so với thông thường những năm trước khi có các đập thủy điện. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp do ảnh hưởng của các con đập thủy điện khiến nhịp lũ sông Mekong bị trễ so với quy luật tự nhiên trước đó. Năm nay, phần diện tích ngập lũ ở hạ lưu vực sông Mekong khoảng 19.200 km2, ít hơn gần 1.000 km2 so với trung bình trước đây.

Hai thủy điện lớn nhất sông Mekong tích đầy nước, ĐBSCL bị tác động ra sao?

Bên cạnh 2 con đập lớn nhất thì hầu hết những con đập khác trên dòng Mekong cũng đã tích đầy nước trong mùa mưa năm nay. Trong tuần qua, một đợt xả nước nhỏ với lượng khoảng 101 triệu mét khối đã được ghi nhận từ đập Hoàng Đăng của Trung Quốc và đập Ubol Ratana ở Thái Lan. "Các con đập thủy điện sông Mekong sẽ bắt đầu quá trình xả nước để sản xuất điện trong mùa khô năm 2025 sắp tới. Điều này sẽ khiến mực nước sông dâng cao đáng kể và gây ra sự thay đổi cực kỳ tiêu cực đối với các quá trình sinh thái ở hạ lưu", các chuyên gia của MDM dự báo.

ĐBSCL lũ rút nhanh nhưng triều cường vẫn cao

Theo Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP), vùng thượng nguồn sông Cửu Long, mực nước lũ đang giảm nhanh. Tại trạm Kratie (Campuchia) giảm với cường suất trung bình 23,7cm/ngày. Đến ngày 7.11, mực nước là 11,62m so với trung bình nhiều năm thấp hơn 0,5m và thấp hơn năm 2023 là 0,54m. Tương tự mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) đạt 7,16m, thấp hơn 0,78m so với trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2023 là 0,31m.

Tại trạm Tân Châu và Châu Đốc, mực nước cũng đang có xu thế giảm và biến đổi theo triều cường. Đến ngày 6.11, mực nước tại Tân Châu là 2,39m, so với trung bình nhiều năm thấp hơn 0,49m và cao hơn năm 2023 là 0,11m. Còn tại trạm Châu Đốc, mực nước là 2,36m, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,34m nhưng cơn hơn năm 2023 là 0,06m.

Tuy lũ hiện nay trên các trạm thượng nguồn Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long đã xuống thấp nhưng triều cường từ nay đến cuối năm 2024 dự báo ở mức cao. Đặc biệt là kỳ triều cường giữa tháng 11 sắp tới. Bên cạnh đó, trên Biển Đông có thể tiếp tục đón liên tiếp 2 cơn bão, có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Gây ra diễn biến mưa, lũ phức tạp trong giai đoạn cuối mùa nên người dân cần thường xuyên theo dõi các diễn biến thời tiết tiếp theo để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.