Bản tin đột xuất về bão Trà Mi đối với mực nước lũ sông Mekong

Chí Nhân
Chí Nhân
24/10/2024 14:05 GMT+7

Liên quan đến cơn bão Trà Mi trên Biển Đông đang mạnh dần lên và có khả năng đổ bộ vào miền Trung nước ta. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) vừa phát đi bản tin đột xuất về ảnh hưởng của cơn bão này đến mực nước lũ sông Mekong và vùng ĐBSCL của Việt Nam.

Cơn bão Yagi vừa qua đã đẩy mực nước lũ sông Mekong lên cao và kết quả giúp đỉnh lũ ở ĐBSCL lên mức báo động 1. Còn cơn bão Trà Mi này sẽ tác động thế nào đến mực nước lũ miền Tây trong những ngày tới?

Bản tin đột xuất về bão Trà Mi đối với mực nước lũ sông Mekong- Ảnh 1.

Dự báo hướng đi và sức ảnh hưởng của cơn bão Trà Mi đang hướng vào miền Trung

NGUỒN: NCHMF

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Mực nước trên dòng chính sông Mekong tại trạm Kratie (Campuchia) đang có xu thế giảm mạnh. Đến ngày 22.10, mực nước đạt 14,11m; thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,5m và thấp hơn năm 2023 là 1,44m.

Dự báo bất ngờ về bão Trà Mi (bão số 6), có thể đổi hướng ra biển

Tương tự, mực nước lũ miền Tây ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp và có xu thế giảm. Đến ngày 22.10, mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu đạt 2,81m; thấp hơn 0,58m so với trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2023 là 0,02m. Tại Châu Đốc, mực nước đạt 2,75m so với trung bình nhiều năm thấp hơn 0,37m và cao hơn năm 2024 là 0,04m.

Mưa do ảnh hưởng của cơn bão Trà Mi (cơn bão số 6) ở mức thấp trên hạ lưu sông Mekong. Vì vậy, nhận định nguồn nước trong 1 đến 2 tuần tới trên các trạm dòng chính sông Mekong tiếp tục có xu thế giảm. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục giảm trong 4 đến 5 ngày tới sau đó tăng trở lại theo triều. Đỉnh của đợt triều cường tiếp theo sẽ xuất hiện từ ngày 2 - 4.11 sắp tới. mực nước trạm Tân Châu nhận định ở mức 2,7 - 2,8m dưới báo động 1 khoảng 0,7m, trạm Châu Đốc nhận định ở mức 2,6 - 2,7m thấp hơn báo động 1 khoảng 0,3m.

Trong khi đó, mực nước ở các tỉnh thành vùng giữa của ĐBSCL như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang ở mức báo động 2 - 3; nhiều nơi có khả năng tiếp tục ngập sâu do triều cường kết hợp mưa lớn.

Do tác động của bão Trà Mi làm gió mùa tây nam hoạt động mạnh nhiều khả năng sẽ gây mưa lớn trên vùng ĐBSCL tuần tới. Mặt khác, tác động của bão có thể làm mực nước khu vực ven biển Đông dâng cao hơn bình thường và trùng với kỳ triều cường cao nên nguy cơ cao sẽ gây ra ngập/úng trên các khu vực trũng thấp thuộc vùng bán đảo Cà Mau và các tỉnh ven biển ĐBSCL vào các ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.