Lũ sông Hồng đạt đỉnh lúc 14 giờ chiều nay

Hải Triều
Hải Triều
12/09/2024 18:17 GMT+7

Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục xuống ở mức báo động 2 và trong 12 - 24 giờ tiếp theo sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2, trên báo động 1.

Trong báo cáo phát hành lúc 15 giờ 30 chiều 12.9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã cập nhật diễn biến lũ trên các sông ở miền Bắc.

Theo đó, trên sông Hồng tại Hà Nội đã đạt đỉnh ở mức 11,3 m lúc 14 giờ cùng ngày, dưới báo động (BĐ) 3 là 0,2 m và đang xuống.

Lũ sông Hồng đạt đỉnh lúc 14 giờ chiều nay- Ảnh 1.

Mực nước trên một số sông ở Hà Nội đã giảm

ẢNH: ĐÌNH TRƯỜNG

Cạnh đó, lũ trên sông Cầu (Bắc Ninh) đang dao động ở mức đỉnh lũ 7,73 m, trên BĐ 3 là 1,43 m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 (7,84 m) 0,11 m. Lũ trên sông Thương (Bắc Giang) cũng dao động ở mức đỉnh lũ 7,21 m, trên BĐ3 là 0,91 m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1986 (7,53m) là 0,32 m.

Mực nước sông Hồng giảm chậm, sẽ tiếp tục xuống mức báo động 2

Lũ trên sông Thái Bình (TP.Hải Dương), trên sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên chậm. Lũ trên sông Thao tại Yên Bái, trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang đang xuống. Lũ trên sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang biến đổi chậm.

Mực nước lúc 13 giờ trên sông Thao tại Yên Bái 31,21 m, trên BĐ2 là 0,21 m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,72 m, trên BĐ3 1,42 m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,21 m, trên BĐ3 0,91 m; trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,34 m, trên BĐ3 0,04 m; trên sông Lô tại Tuyên Quang 23,80 m, dưới BĐ2 0,20 m; tại Vụ Quang 19,83 m, trên BĐ2 0,33 m.

Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,88 m, trên BĐ3 0,88 m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,22 m, trên BĐ3 0,22 m; trên sông Hồng tại Hà Nội 11,02 m, dưới BĐ3 0,47 m.

Trong 12 giờ tới, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức BĐ2; lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống mức BĐ1 và Vụ Quang sẽ xuống trên mức BĐ1.

Lũ trên sông Cầu tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3; trên sông Thương tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3; trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3; trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3; trên sông Hoàng Long đang lên chậm trên mức BĐ3.

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục xuống mức BĐ2 và sẽ xuống chậm dưới mức BĐ2, trên BĐ1 trong 12 - 24 giờ tới.

Nước lũ dâng cao, người Yên Bái đứng trên mái nhà chờ tiếp tế

Xảy ra 70 sự cố đê điều

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ NN-PTNT cho biết, mực nước lũ trên nhiều tuyến sông có đê đã vượt BĐ3, đặc biệt trên sông Thao thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1971 trên 1 m.

Lũ sông Hồng đạt đỉnh lúc 14 giờ chiều nay- Ảnh 2.

Lũ dâng cao đã làm vỡ 22 m đê sông Lô tại thôn Quyết Thắng (H.Sơn Dương, Tuyên Quang)

ẢNH: NGUYÊN QUANG

Hệ thống đê đã phát sinh nhiều sự cố như đùn sủi, thẩm lậu, sạt lở đê, sự cố cống, tràn một số tuyến đê cấp 4, cấp 5, đê bao, đê bố... Trước tình hình này, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay giờ đầu nên đến nay các tuyến đê sông từ cấp 3 trở lên vẫn đảm bảo an toàn chống lũ.

Tính đến 21 giờ tối qua, đã xảy ra 70 sự cố đê điều (tăng 45 sự cố so với báo cáo ngày 10.9) trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà NamNam Định.

Trong đó, 30 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp 3 trở lên: 10 sự cố sạt lở đê, 9 sự cố cống qua đê, 1 sự cố đùn sủi, 4 sự cố lỗ rò thân đê, 5 sự cố thẩm lậu và 1 sự cố sạt lở kè.

40 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp 3: 1 sự cố vỡ đê, 24 sự cố tràn đê, 4 sự cố sạt lở đê, 8 sự cố cống qua đê, 1 sự cố lỗ rò thân đê và 2 sự cố đùn sủi.

Lũ sông Hồng đạt đỉnh lúc 14 giờ chiều nay- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra hệ thống đê điều tại Hà Nội

ẢNH: CỤC QUẢN LÝ ĐÊ ĐIỀU VÀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sáng nay đã dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều và các công trình phòng chống thiên tai trọng điểm tại Hà Nội.

Đoàn đã đến kiểm tra công tác vận hành Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, là dự án trọng điểm của Hà Nội, được triển khai từ năm 2015. Mục tiêu của dự án nhằm giúp tiêu nước cho hơn 6.000 ha nông nghiệp, hỗ trợ thoát nước cho khu vực Q.Hà Đông, 2 huyện Hoài Đức, Đan Phượng và một phần của Q.Nam Từ Liêm.

Sau khi nghe địa phương và các đơn vị báo cáo tình hình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu và các đoạn đê có nguy cơ xảy ra đùn sủi, thẩm lậu, sạt trượt, các cống cũ hư hỏng xuống cấp; khẩn trương xử lý giờ đầu các sự cố đê điều để đảm bảo an toàn hệ thống đê.

Đồng thời, triển khai ngay các biện pháp an toàn cho người dân sống tại các khu vực ngoài bãi sông, không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn ứng phó với mưa lũ, ngập lụt tới người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã đến thăm hỏi và tặng quà người dân tại vùng ngập lũ bên bờ hữu sông Bùi, H.Chương Mỹ đang sơ tán tại trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã Nam Tiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.