Lừa đảo biến tướng, chủ kinh doanh nội thất 'sập bẫy'

04/08/2024 14:58 GMT+7

Cũng với chiêu trò đóng giả nhiều vai để đặt hàng, các đối tượng lừa đảo đang nhắm vào nạn nhân là chủ kinh doanh nội thất.


Lừa đảo biến tướng, chủ kinh doanh nội thất 'sập bẫy'- Ảnh 1.

Số vụ lừa đảo trực tuyến tăng cao đặc biệt trong tháng 6.2024

Chongluadao.vn

Cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh vừa tiếp nhận trình báo của nạn nhân về việc bị lừa đảo khi nhận đặt hàng qua mạng. Nạn nhân là anh N.V.L. ngụ tại thị trấn Tân Châu, H.Tân Châu (Tây Ninh), là chủ một cửa hàng kinh doanh màn cửa.

Anh L. cho biết, có một người phụ nữ tên Thanh, tự gọi điện thoại đến và giới thiệu là nhân viên kế toán của một trường trung học phổ thông trên địa bàn H.Tân Biên và nói nhà trường có nhu cầu làm màn cửa cho hơn 40 phòng để đón năm học mới. Có khách hàng tìm đến, anh L. đồng ý kết bạn và đưa cho Thanh các loại màu màn cửa để Thanh lựa chọn. Sau khi báo giá đơn hàng hơn 60 triệu đồng, bao gồm cả tiền công, Thanh đồng ý nhưng kèm điều kiện phải bớt chút tiền hoa hồng cho mình và gửi chút quà cho hiệu trưởng nhà trường.

Vốn đã kinh doanh nhiều năm và gặp khá nhiều đòi hỏi tương tự, anh L. đồng ý trích lại khoảng 2% hoa hồng người giới thiệu. Lúc này, Thanh nói báo cáo ban giám hiệu để họp quyết định phương án, rồi thông báo lại. Khoảng 15 phút sau, Thanh gọi lại và nói rằng, ban giám hiệu đã đồng ý chủ trương phê duyệt làm màn cửa, nhưng chưa đặt cọc tiền được vì đang là cuối tuần.

Sau đó, Thanh tiếp tục liên lạc với anh L nói rằng đang cần gấp lô hàng bàn ghế cho các lớp học, đề nghị anh L. có quen biết ai thì giới thiệu công ty cung cấp mặt hàng này và "cưa đôi" hoa hồng. Thanh cũng chủ động nói L. gọi cho công ty thiết bị trường học mà Thanh biết được từ quảng cáo trên mạng ở Bình Dương, có bán các loại bàn ghế mà nhà trường đang cần.

Một lát sau, người đàn ông giới thiệu tên Nam, giám đốc của công ty thiết bị trường học do Thanh giới thiệu nói anh L. kết bạn Zalo để gửi mẫu bàn ghế cho nhà trường. Anh L. gửi cho Thanh thì đối tượng đồng ý ngay. Với lô hàng bàn ghế hơn 200 triệu đồng, anh L. phải gửi hơn 60 triệu đồng để đặt cọc. Trong lúc anh L. còn đang phân thì Nam luôn thúc giục anh L. chuyển tiền và hứa sẽ cho lại tiền hoa hồng theo cam kết. Sau khi anh L. vừa chuyển xong tiền cọc 60 triệu đồng thì số điện thoại liên lạc của cả Thanh và Nam đều khóa máy. Nhận ra bị lừa, anh L. đã trình báo cơ quan chức năng để hỗ trợ giải quyết.

Một chuyên gia lĩnh vực an ninh mạng nhận định: Hình thức lừa đảo tiền cọc trong lĩnh vực nội thất, vật liệu xây dựng là một biến tướng từ khá nhiều trường hợp lừa đảo tương tự đã từng xảy ra. Vài tháng trước, rất nhiều chủ nhà hàng tại các địa phương trên cả nước đã từng dính chiêu lừa đặt cọc này. Cụ thể các đối tượng đặt tiệc phòng VIP nhưng yêu cầu phải có loại rượu vang đặc biệt, ít có nơi nào bán, Khi đó, một đơn vị cung cấp rượu vang sẽ xuất hiện để đáp ứng yêu cầu và khi nhận được tiền cọc, cả người đặt tiệc lẫn người cung cấp rượu vang đều biến mất.

Theo cơ quan chức năng, chiêu lừa này rộ lên vào cao điểm nhu cầu tổ chức tiệc tất niên và hiện nay, lợi dụng thời điểm sắp nhập học, các đối tượng lừa đảo sẽ vào vai kế toán, nhân viên trường học để mua sắm thiết bị.

Mạo danh cả chuyên gia chống lừa đảo

Phản ánh tới hệ thống của Chongluadao.vn, một nạn nhân tên H. cho biết, năm 2023 chị H. có chuyển 22,5 triệu đồng tiền cọc cho một người tên Tùng (có Facebook là Nguyễn Tùng) để làm dịch vụ mạng với yêu cầu giúp lấy lại quyền truy cập trang Facebook đã bị hack mất (tổng phí dịch vụ là 45 triệu đồng). Tùng đã báo giá với cam kết nếu không thực hiện được sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền đã đặt cọc, thời hạn thực hiện trong vòng 1 – 30 ngày.

Trong cuộc nói chuyện Tùng đã nói rằng mình từng làm cùng đội với Hiếu PC để tăng lòng tin của khách hàng. Khi đó, do tin tưởng nên chị H đã chuyển khoản cho Tùng 22,5 triệu đồng. Thế nhưng sau thời gian 30 ngày, chị H. vẫn chưa lấy lại được trang Facebook. Trong suốt thời gian từ ngày 9.5.2024 đến hôm nay ngày 31.7.2024 chị đã rất nhiều lần liên hệ với Tùng để đòi lại khoản tiền còn lại của mình nhưng Tùng đã lẫn tránh và hứa hẹn rất nhiều lần. Sau đó anh Tùng có chuyển khoản lại cho chị H. 3 lần với tổng số tiền 8,5 triệu đồng.

Liên quan đến nội dung chị H. phản ánh, Chongluadao.vn khẳng định anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) không có bất cứ liên hệ công việc nào với tài khoản Facebook Nguyễn Tùng. Thời gian qua, không ít đối tượng đã giả mạo anh Hiếu PC, hoặc người quen của anh Hiếu PC, thành viên của Chongluadao.vn để thực hiện hành vi lừa đảo.

Chongluadao.vn khuyến cáo người dân cần đặc biệt cẩn trọng trước những hành vi này. Người dân tuyệt đối không chuyển khoản, không cung cấp thông tin cá nhân cho những đối tượng chưa rõ danh tính trên mạng xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.