Lừa đảo bủa vây, nhiều người sập bẫy

27/05/2024 06:25 GMT+7

Đánh vào các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày, từ bảo hiểm xã hội, học kỳ quân đội, tra cứu tiền điện, tuyển lao động..., các chiêu trò lừa đảo ngày càng "áp sát" đời sống khiến nhiều người dù cảnh giác vẫn sập bẫy, mất tiền.

Đăng ký giải thể thao, bị lừa... 30 tỉ đồng

Ngày 26.5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định xác nhận khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với N.T.L.C (35 tuổi, ở TP.Quy Nhơn) để điều tra tội "tham ô tài sản". Đáng nói là ngay trước khi trở thành bị can, chị C. là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. 

Theo điều tra ban đầu của công an, vào ngày 21.4, trong khi lướt Facebook, chị C. thấy có cuộc thi marathon dành cho trẻ em sẽ diễn ra vào tháng 6.2024 tại TP.Quy Nhơn nên đăng ký cho 2 con và 1 cháu của mình tham gia. Tuy nhiên, đây là một trang fanpage lừa đảo. Sau khi chị C. đăng ký tham gia giải, admin của trang fanpage này liên hệ lại và đề nghị chị C. kết bạn qua Zalo để tiện trao đổi. 

Cảnh báo lừa đảo liên quan đến ứng dụng Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Thực hiện theo các bước mà đối tượng lừa đảo hướng dẫn và đăng ký mua sản phẩm "hỗ trợ nhà tài trợ giải", chị C. đều được hoàn tiền nhanh chóng. Sau đó, nhóm lừa đảo qua mạng đưa ra các lý do như sai cú pháp, sai lệnh và yêu cầu chị C. phải chuyển tiếp tiền ngay nếu không số tiền đã chuyển trước đó sẽ bị mất. C. tiếp tục chuyển tiền và làm theo hướng dẫn của nhóm lừa đảo. Sau khi bị lừa mất 1 tỉ đồng và không còn tiền, C. đã nghe theo hướng dẫn của nhóm lừa đảo, chỉ cách tham ô tiền của cơ quan đang công tác. 

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, C. đã lấy của cơ quan gần 30 tỉ đồng và chuyển hết số tiền này cho nhóm lừa đảo. Cơ quan điều tra cũng xác minh dòng tiền C. chuyển cho chủ tài khoản là Công ty TNHH TMDV THE THAO DONG A VIET NAM, thực chất là công ty "ma". Sau khi biết mình bị lừa đảo qua mạng, chị C. đã đến công an trình báo. Quá trình xác minh vụ việc, truy hỏi nguồn tiền bị lừa, công an phát hiện C. tham ô của cơ quan nên đã thực hiện khởi tố, bắt tạm giam để điều tra như đã nêu. Vụ việc C. bị lừa đảo cũng đang được công an điều tra.

Ảnh 1.jpg

Một tờ báo phải lên tiếng đính chính thông tin mạo danh tuyển dụng để lừa đảo

CHỤP MÀN HÌNH

Trường hợp đăng ký tham gia thể thao để rồi bị lừa tới 30 tỉ đồng, thậm chí còn trở thành bị can như chị C. gây sốc cho nhiều người. Thế nhưng nhìn lại, các chiêu lừa đảo tương tự thế này không phải là mới. Mấy năm nay, lợi dụng nhu cầu cho con tham gia trại hè công an nhân dân hoặc học kỳ quân đội vào dịp hè, các đối tượng đã lập ra rất nhiều fanpage giả mạo với giao diện tương tự của các tổ chức chính thống để lừa đảo. Dù đã được cảnh báo nhưng không ít người nhẹ dạ đã chuyển tiền cho các đối tượng giả mạo này.

Chưa hết, mới đây, một tờ báo nổi tiếng tại TP.HCM cũng đã phải lên tiếng cảnh báo vì bị giả mạo để đăng thông tin tuyển dụng phóng viên. Khi một số người quan tâm nhắn tin qua ứng dụng mạng xã hội để tìm hiểu thì được trả lời rằng vị trí tuyển dụng đã đủ người rồi và chỉ còn vị trí dịch văn bản. Đại diện tờ báo này khẳng định: "Đây là thông tin hoàn toàn giả mạo. Nếu cần tuyển phóng viên, biên tập viên, chúng tôi sẽ thông tin qua kênh chính thống của mình chứ không đăng ở những trang mạng xã hội khác".

Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng vừa khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng khi bắt gặp những dịch vụ liên quan tới ứng dụng tài chính hay bảo hiểm xã hội trên các nền tảng mạng xã hội.

Đánh vào các nhu cầu thiết yếu

Đại diện Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhận định: "Các hình thức lừa đảo hiện nay đã thâm nhập hết sức sâu rộng đến hầu hết các nhu cầu của cuộc sống, từ cho vay tài chính đến tuyển dụng, bảo hiểm xã hội. Điều này chứng tỏ các đối tượng lừa đảo rất chuyên nghiệp và đông đảo. Chúng đánh vào tâm lý ở từng thời điểm của người dân. Nếu trước đây chúng ta đã thấy rộ lên nhiều trường hợp lừa đảo với hình thức mạo danh thầy cô gọi điện báo tin học sinh bị té ngã cấp cứu, hay như các chủ nhà hàng bị lừa vì hình thức đặt cọc tiền mua rượu thì gần đây các chiêu trò lừa gạt biến tướng ngày càng tinh vi hơn, thay đổi liên tục nên người sử dụng mạng xã hội rất khó đề phòng và có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào".

Ảnh 2.jpg

Tin nhắn của bọn lừa đảo dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền

CHỤP MÀN HÌNH

Trao đổi với Thanh Niên về việc vì sao các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng vẫn nhiều người sập bẫy, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty công nghệ an ninh mạng VN (NCS), phân tích: Hiện nay số người dùng mạng xã hội rất lớn, có nhu cầu tìm kiếm thông tin ở nhiều lĩnh vực nên các đối tượng lừa đảo cũng nghĩ ra nhiều kịch bản, nhiều tình huống đánh vào tâm lý, nhu cầu thực tế ở từng thời điểm để lừa gạt. Không ít trường hợp, để dẫn dụ nạn nhân, các đối tượng đánh vào lòng tham, thậm chí chấp nhận bỏ ra một số tiền ban đầu để tạo niềm tin và sau vài giao dịch sẽ nâng số tiền cao hơn và viện nhiều lý do để nạn nhân nộp thêm tiền.

Có một thực tế là hiện nay việc sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến, tuy nhiên kiến thức bảo mật cũng như trình độ công nghệ của người dùng chưa được trang bị đầy đủ. Nhiều người quá hồn nhiên, vô tư khi tham gia mạng xã hội trong khi các đối tượng lừa đảo được huấn luyện bài bản, có kịch bản chặt chẽ và áp dụng nhiều công nghệ, các kỹ thuật thao túng tâm lý để các nạn nhân sập bẫy

"Chỉ cần người dùng mất cảnh giác và bị dẫn dụ số tiền đầu tiên, các đối tượng lừa đảo sẽ dùng nhiều cách để nạn nhân tiếp tục hy vọng, nghe theo lời dẫn dụ để "bào" tài sản đến lúc cạn kiệt", một chuyên gia an ninh mạng diễn giải và khuyến cáo với các hình thức lừa đảo bùng phát hiện nay, người dùng mạng xã hội, nhất là các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình kỹ năng phân biệt các trang fanpage thật và trang giả mạo. Đối với fanpage thật thì lịch sử đăng tải của bài viết đó sẽ có thời gian dài hơn, các hành vi tương tác của người dùng sẽ mang tính thật hơn, đi kèm đó là hiển thị các bình luận tương ứng với lượt xem và lượt thích. Còn đối với các fanpage giả thì những bài viết sẽ được đăng tải lên trong thời gian rất ngắn, có thể một vài phút có đến hàng chục bài khác nhau được đăng tải và các lượt tương tác thì thường là "like ảo" và những bình luận thường trông rất ngô nghê, không có ý nghĩa.

Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến đang leo thang, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao khả năng bảo mật, đồng thời phòng tránh lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các phương pháp sau:

- Xác định danh tính của người gọi: Phải nắm được danh tính của người gọi trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nào.

- Sử dụng hệ thống bảo mật nhiều lớp như số điện thoại, vân tay, mã pin... Hãy đảm bảo tài khoản của bạn đáp ứng đủ các lớp bảo mật trên nhằm hạn chế tối đa việc bị tin tặc xâm nhập.

- Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua các hình thức trực tuyến: Tuyệt đối không chia sẻ các thông tin như địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân... cho những cuộc gọi, đoạn chat lạ.

- Chủ động thu âm các cuộc gọi và tin nhắn thoại lạ: Việc ghi lại những cuộc gọi và tin nhắn thoại sẽ giúp ích cho quá trình điều tra và truy vết đối tượng trong trường hợp người dân bị lừa đảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.